Mẹ Việt ở HongKong chia sẻ cách dạy con tự lập

Với Mai Anh, hạnh phúc lớn nhất hiện tại chính là gia đình, chăm sóc con cái, và chị tự hào về điều đó.

15.6093

Năm 2009, Mai Anh tốt nghiệp Master chuyên ngành International Finance tại Úc, sau đó, chị tạm gác lại toàn bộ công việc đang dang dở để theo chồng là anh Nicolas - người Pháp sang HongKong sinh sống và làm việc.

 
Profile gia đình:
Tên mẹ: Trần Ngọc Mai Anh
Tên bố: Nicolas Tourneur
Tên bé thứ 1: Peanut - 2,5 tuổi
Tên bé thứ 2: Coconut - 10 tháng tuổi.
Hạnh phúc vì con gái rất độc lập
 

Hạnh phúc vì con gái rất độc lập

Chào Mai Anh, được biết, Peanut đang có chuyến đi thăm ông bà nội ở Pháp, Nico - chồng bạn lại đang đi công tác, bạn thấy khoảng thời gian này khi một mình chăm Coconut có gì vất vả không?

Trộm vía Coco cũng như chị gái, bé có một thời gian biểu ăn ngoan ngủ đúng giờ nên mẹ không quá vất vả. Thêm vào đó, Peanut vắng nhà có khi mình càng nhàn hơn (cười).

Chăm sóc con là niềm đam mê của Mai Anh

Peanut khá tự lập, bằng chứng là dù mới 2,5 tuổi nhưng bé đã đi sang Pháp mà không cần mẹ hộ tống. Điều này không phải bé nào cũng làm được, bí quyết dạy con tự lập của Mai Anh là gì?

Peanut sinh ra đã có tính tự lập, bé không khóc và đặc biệt khi có em, Peanut càng trưởng thành hơn. Mấy hôm nay, mình gọi điện sang và cũng được ông bà cho biết bé rất thích thú với khí hậu bên này, cô nàng tha hồ chạy nhảy, đi chơi. Ngay sau khi sinh xong, đưa con từ viện về nhà, Peanut và Coconut đều ngủ ở phòng riêng. Hiện nay, Coco và Peanut mỗi bé có 1 phòng riêng để ngủ.

Từ 2 tháng tuổi, cả 2 bé đều ngủ suốt đêm từ 8 giờ tối đến 6-7 giờ sáng. Thời khóa biểu của hai bé rất rõ ràng, cứ đến 7h30 tối, hai bé được tắm táp, uống sữa, được bố mẹ đọc truyện cho nghe, khi đọc xong 1 câu chuyện, hai vợ chồng mình tắt đèn và hai bé tự ngủ.

Điều này hình thành nên ở hai bé tính tự lập, cứ đến giờ, thấy bố mẹ làm những việc đó là hai bé tự biết: ‘À đến giờ ngủ của mình rồi’.

Peanut và Coconut

Ngoài thời gian biểu, Mai Anh còn bí quyết gì khiến Peanut tự lập, tự tin như vậy không?

Một lý do khiến Peanut tự lập đó là gia đình mình không ủ Peanut trong nhà nhiều mà cuối tuần và ngày lễ, bé đều được bố mẹ cho đi chơi, ra ngoài tiếp xúc nhiều người. 2,5 tuổi Peanut đã về Việt Nam khoảng 10 lần, sang Pháp 2 lần, đi Thái Lan, Philippines, và đi phượt cùng bố mẹ qua 7 bang ở Mỹ trong 1 tháng...
Thêm vào đó, ở HongKong, các trường học không nhận giữ trẻ dưới 3 tuổi, ở đây chỉ có những nhóm tự mở. Từ 9 tháng đến 15 tháng, hai mẹ con Peanut đi giao lưu với những nhóm đó mỗi tuần 1 giờ. Từ 15 tháng đến 2 tuổi thì bé đi nhóm 3 buổi/tuần, 1,5 giờ/ buổi và vẫn có mẹ ở cùng trong lớp.

Sau một thời gian, Peanut đã làm quen với môi trường xung quanh và trở nên tự tin rất nhiều. Sau 2 tuổi, Peanut đi học 3 giờ/buổi, 5 buổi/tuần và không cần mẹ đi cùng nữa. Peanut không bao giờ khóc, thậm chí còn giúp cô dỗ dành những bạn mới đến lớp.

Ngoài ra, vì Peanut là con đầu nên mình dành rất nhiều thời gian để dạy con, mình thường xuyên cho Peanut đi ra ngoài để tham quan, ở nhà thì đọc sách, hát hò, chơi cùng con, trộm vía Peanut tiếp thu rất nhanh.

11 tháng, Peanut đã biết đi, thời điểm đó, con đã có thể chỉ các bộ phận trên cơ thể khi được hỏi bằng tiếng Anh, Pháp và Việt. 13 tháng, con đã nhận biết được 5 màu sắc cơ bản: đỏ, xanh lá, xanh dương, vàng, cam và hồng. 18-19 tháng đã thuộc bảng chữ cái bằng tiếng Anh và Pháp, trước 2 tuổi đã có thể đánh vần được bất cứ chữ nào khi được đưa ra.

Hiện tại, bé được 2,5 tuổi, Peanut đã có thể đếm từ 1-30 bằng tiếng Việt và Anh, 1-20 bằng tiếng Pháp và 1-10 bằng tiếng Phổ Thông (tiếng Trung Quốc).

17-18 tháng Peanut đã biết tự mang giày, bây giờ Peanut đã biết tự thay tã (ị thì biết nói để bố mẹ cho lên toilet ngồi nhưng tè thì vẫn trong tã, tã nặng thì bé tự đi lấy tã thay), tự mặc quần áo.

Peanut rất thích phụ mẹ làm việc nhà và dỗ em nín khóc, bé chưa bao giờ dành đồ chơi với em cả. Đi học cũng thế, thấy bạn khóc đòi đồ chơi là bé nhường cho bạn ngay.

Với Mai Anh, hạnh phúc lớn nhất hiện tại chính là gia đình, chăm sóc con cái, và chị tự hào về điều đó.

Bạn đã dạy bé những điều tuyệt vời này như thế nào?

Phương châm của mình đó là hạn chế cho con xem tivi. Mình không cho Peanut xem tivi từ bé, mãi sau 1,5 tuổi thì mình mới cho bé xem các clip nhạc trên youtube dưới sự quan sát của mẹ, và trên 2 tuổi thì mình mới cho bé xem 15 phút tivi vào sáng Chủ nhật, đó là những chương trình National Geo về động vật. Ở nhà, bố mẹ và bé thường hát hò, vẽ vời và chơi xếp hình… cùng nhau. Bố mẹ dạy con qua những trò chơi xếp hình.

Trước khi Coco ra đời, bạn làm gì để khiến Peanut yêu em và có trách nhiệm với em?

Khi có bầu Coco, ngày nào mình cũng hỏi Peanut là Coco đâu. Lúc đó Peanut còn nhỏ nên chưa thật sự hiểu. Nhưng sau một thời gian ngắn, Peanut thấy mẹ xoa bụng, nói chuyện với em thì bé cũng bắt chước làm theo, thấy ba hôn bụng mẹ, Peanut cũng bắt chước y hệt. Dần dần điều này tạo nên sự kết nối giữa 2 chị em. Và quan trọng là vợ chồng mình vẫn dành rất nhiều thời gian cho Peanut, nên bé không cảm thấy ghen tị. Sau khi Coco ra đời, Peanut tham gia rất nhiều vào hoạt động chăm em cùng bố mẹ. Điều này làm bé rất hứng thú.

Hạnh phúc vì có chồng đảm cùng chăm con

Học ngoan, chơi ngoan, vậy còn chuyện ăn, bé có hợp tác tích cực như vậy không?

Chuyện ăn uống của con thì quả thực mình chẳng có bí quyết gì vì hai bé nhà mình ăn uống không giỏi. Peanut bú mẹ hoàn toàn đến tháng thứ 9 thì tự động bỏ ti mẹ, lúc đó mình không có kinh nghiệm nên không biết cách hút sữa để duy trì nguồn sữa mẹ cho con nên từ đó, bé chuyển hẳn sang sữa công thức.

Rút kinh nghiệm, tới Coco thì mình tìm hiểu nhiều hơn và cố gắng duy trì cho con nguồn sữa mẹ. Hiện tại, Coco 10 tháng tuổi và vẫn bú mẹ, chưa phải dùng tới 1 giọt sữa công thức nào.

Với Peanut, nàng rất tự nhiên ăn ngoan với những món khoái khẩu, còn những món không thích, buộc lòng nếu muốn bạn ấy ăn, bố mẹ phải xúc cho.

Thực đơn dinh dưỡng cho con hàng ngày mình luôn phải đảm bảo đủ 4 nhóm dinh dưỡng chính. Vợ chồng mình khá ‘ghê gớm’ trong việc ăn uống của con như: không bao giờ cho bé ăn kẹo bánh, nước ngọt, thức ăn nhanh. Thậm chí đến giờ, đồ ăn của Peanut, mình vẫn không nêm muối và đường. Nghe thiết quân luật vậy nhưng cuối tuần nào cả gia đình mình cũng cho 2 bé ra ngoài ăn để thay đổi không khí.

Vợ chồng mình không bao giờ cho bé đi ăn rong, ngay từ hôm đầu tiên tập ăn, bé đã phải ngồi ghế ăn đàng hoàng, hạn chế đùa giỡn để tập trung. Thêm vào đó, vợ chồng mình luôn khuyến khích con từ những chi tiết nhỏ khi ăn: nhai phải khép miệng, không tạo tiếng động khi ăn (nhai chóp chép hay hút xì xoạp, không ợ to), nếu mắc phải thì bé cần phải nói lời xin lỗi.

Bà nội và Peanut

Vợ chồng bạn có phân công nhau trong việc chăm sóc con, nuôi dạy con không hay mọi việc đều ‘khoán’ vào tay người mẹ như nhiều gia đình khác?

Ồ không, Nico – ông xã mình dù bận tới đâu, anh cũng chủ động giúp đỡ vợ trong việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con. Anh có nhiều phương pháp dạy con khá hay mà mình thường áp dụng. Ví dụ: khi Peanut không ngoan thì bé sẽ bị phạt time-out, tự đi lấy ghế ngồi úp mặt vào tường 5-10 phút tùy mức độ hư, rồi Peanut phải nói lời xin lỗi. Sau cùng, vợ chồng mình lại ngồi cùng và phân tích, giải thích cho Peanut nghe vì sao Peanut bị phạt.

Nói chung những phương án dạy con thì mình chủ yếu nghe theo sự chia sẻ của Nico, chứ thật tình thì mình là người mẹ khá tồ (cười). Trước khi lấy chồng mình chỉ biết học, lấy chồng xong cũng chỉ học rồi có con. Thời gian đầu, cả nhà Mai Anh và bạn bè mình đều không tưởng tượng nổi cảnh Mai Anh chăm sóc, nuôi dạy con thế nào.

Phòng của Peanut được bố mẹ làm cho từ đóng giường, đóng kệ đến trang trí phòng, rèm cửa...

Mọi người vẫn đùa vui rằng là Nico có đến 3 em bé để trông (cười lớn). Được cái, Nico rất kiên nhẫn trong cách dạy con và cũng rất khoa học.

Nico rất ít khi mắng Peanut, Nico nói chuyện với Peanut rất nhẹ nhàng, nhưng 1 khi Peanut làm Nico giận thì Nico sẽ rất nghiêm, nên trong nhà Peanut chỉ sợ Nico mà thôi, nhưng cũng theo và thương bố nhất.

Cảm ơn sự chia sẻ rất thú vị của Mai Anh, chúc gia đình của bạn mãi mãi hạnh phúc!

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]