Mẹo chữa khô nẻ môi

Trong trường hợp môi khô mà không có sẵn son dưỡng trong túi, bạn có thể chữa cháy bằng một chút son bóng. Chúng sẽ giúp môi bạn mềm hơn và bớt cảm giác khó chịu.

15.6233

Ảnh: Corbis.

Thỏi son dưỡng hoặc lọ vaselin là vật nên có thường xuyên trong túi xách của bạn, nhất là vào mùa đông. Trong trường hợp bạn quên, hoặc đã hết mà chưa mua kịp, bạn có thể "cấp cứu" cho đôi môi khô nẻ bằng một số cách đơn giản:

- Bôi một lớp thuốc mỡ Tetracyclin. Nó sẽ làm dịu ngay đôi môi của bạn. Tuy nhiên, dù sao đây cũng là thuốc nên bạn cần tránh để không ăn phải nó, và chỉ dùng trong trường hợp "chữa cháy".

- Thoa một chút dầu ăn lên môi, sẽ đỡ khô nẻ hơn.

- Nhiều hãng mỹ phẩm cao cấp có loại son màu rất nhiều dưỡng, cũng có thể là giải pháp tình thế giúp bạn đỡ khó chịu phần nào trong thời gian ngắn. Đặc điểm của loại son này là nhiều nhũ, lên màu nhạt, dễ trôi.

Cách giữ môi tươi mọng

Da môi rất mỏng, không có tuyến dầu và hắc tố melanin nên rất dễ bị tổn thương do ánh nắng, gió, thời tiết lạnh, khí điều hòa. Để giữ đôi môi luôn tươi tắn, ngoài việc dùng son dưỡng (tốt nhất là chọn loại có chống nắng) bạn nên chăm sóc nó từ bên trong, bằng cách ăn đủ chất, đặc biệt ưu tiên các loại hoa quả tươi, uống nhiều nước.

Tránh liếm môi khi cảm thấy khô nẻ vì sẽ làm tình hình tồi tệ hơn, thậm chí dễ nhiễm khuẩn. Khi môi bị khô tróc, bạn không nên cố bóc ra bởi sẽ gây rách, chảy máu, thời gian hồi phục lâu hơn. Trong trường hợp này, nên tránh thoa son màu.

Thỉnh thoảng, bạn có thể tẩy da chết cho môi bằng cách bôi một lớp son dưỡng hay vaselin, hay đắp miếng bông thấm nước. Để ít phút rồi chà nhẹ để làm bong lớp da chết, sau đó lau sạch và bôi một lớp dưỡng.

Nếu áp dụng đủ các biện pháp chăm sóc trên mà môi vẫn khô nẻ thì có thể cơ thể đang thiếu chất, nhất là vitamin B2. Bạn nên đến gặp bác sĩ để tư vấn.

Hải Hà

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]