Mèo “cống nạp” vị thuốc trị bệnh nan y

Từ xưa đến nay, rau (nhau) mèo luôn được săn tìm để làm thuốc trị bệnh nan y, để “xông” lấy hên. Tuy nhiên, đây là thứ không dễ kiếm. Bởi tập tính cố hữu của mèo cái là khi sinh con xong thì “chén” sạch rau.

0
Thế nhưng, cũng có người thường xuyên được mèo cái tự nguyện “cống nạp” rau.

Ân nhân mèo

Tình cờ nghe chuyện một cặp vợ chồng đi “rước” rau mèo về chữa bệnh nan y cho con và thuyên giảm, tôi tò mò và ngược núi... chứng giám. Phải băng khá nhiều con dốc, tôi mới đến được làng Phú Lương, xã An Phú, TP. Tuy Hòa (Phú Yên) và tìm đúng nhà bà Nguyễn Thị Phúc, người luôn có được rau mèo “chuẩn”. Căn nhà ngói khá rộng rãi của bà Phúc nằm bên vách núi trong không gian quê kiểng, hiền hòa.

Trái với suy nghĩ ban đầu của tôi, nhà bà không nuôi nhiều mèo và việc có được rau mèo đối với bà là hết sức... thường tình. “Có gì đâu mà... lên báo. Mấy con mèo nó cho tôi thì tôi giúp lại mọi người” - bà Phúc hờ hững nói. Gia đình bà sống chủ yếu bằng nghề ruộng rẫy và làm bánh tráng, chứ không phải “phất” bằng nghề bán rau mèo như một số đồn đãi. Tôi lân la: “Mèo nhà chị đâu rồi?”, bà Phúc hơi vui: “À, “tụi nhỏ” thích chơi đâu tùy chúng nó! Không ở quanh vườn thì cũng sang nhà hàng xóm”. Hóa ra, bà chẳng phải chú trọng chuyện nuôi mèo lấy rau!

Bà Phúc và những cái rau mèo

Một lúc, bà trở nên sôi nổi kể lại “sự tích” rau mèo trong đời mình. Chuyện đã gần 20 năm rồi, khi bà làm nghề bán than, ấy là lúc một trong 7 đứa con của bà luôn bị ho hen, đau yếu triền miên. Có người mách đến một vị lương y để tìm rau mèo mà chữa trị. Cái rau mèo khi ấy đúng một chỉ vàng y. Bà Phúc cắn răng vay nóng để mua, rồi theo hướng dẫn về ngâm mật ong trong lọ, đem chôn giữa đường đúng 3 tháng 10 ngày...

Lương y Lại Hồng Phương (TP. Tuy Hòa, Phú Yên) cho biết: Đông y đã ghi nhận tác dụng bổ dưỡng, trị hen, dị ứng... khá hiệu nghiệm của rau mèo. Tuy nhiên, chắc do rau mèo hiếm nên chưa thấy việc làm thuốc đại trà. Một số bộ phận khác của mèo như râu cũng đã được giới y học cổ truyền dùng để trị bệnh tắc mật, viêm thận cấp, phù thủng.

Và “cuối đường hầm”, đứa con trai của bà đã được cứu sống một cách thần tình. Chỉ nửa tháng sau khi uống thuốc rau mèo gia truyền, đứa bé bỗng ăn rất ngon miệng, “từ lúc xanh mướt, nó đỏ da thắm thịt, ai thấy cũng nghĩ... con Tây! Ơn trời, giờ nó đang đi đại học trong thành phố, có bồ rồi...”- bà Phúc hào hứng. Từ đó, bà tự nhiên... nhìn nhận, đánh giá loài mèo với một con mắt khác! Bà đến chùa, đến nhà người quen xin mèo về nuôi, thương yêu bình đẳng như con trong nhà.

Bà phúc kể: “Rảnh rỗi là tui chơi với mèo, thấy rất nhẹ lòng. Nghe người lớn bày, tui cũng thủ thỉ với một con mèo cái: Khi nào con đẻ, cho má cái rau để trị bệnh cho em... Nói thế thôi nhưng tui cũng không ngờ một hôm “con” chạy theo chân tôi và kéo đến nơi vừa sinh, có đến 4 cái rau mèo ở góc giường!”.

Rau mèo vạn nỗi...

Theo bà Phúc, không phải mèo cái nào khi “năn nỉ, ỉ ôi” đều cho rau. Cũng không quá trọng chuyện bán buôn, bà san sẻ rau mèo cho những người bị bệnh nan y. Khi qua nguy kịch, họ đã đến thành tâm cảm tạ. Không định kiếm tiền bằng rau mèo nhưng rồi nó đã giúp bà đỡ ngặt trong cơn khốn khó của nghề bán than, vét từng đồng bạc lẻ nuôi con.

Đưa cho tôi xem lọ rau mèo ngâm rượu, bà Phúc tỏ bày: “Tui không nghĩ mèo cái sẽ cho rau mình suốt. Bởi đến lúc này, con mèo mướp đầu tiên vẫn là “đứa” tặng tui nhiều rau nhất, nhưng nó đã già rồi. Cùng một số mèo khác, tui đã có được hàng trăm cái rau mèo. Tui mang ơn mèo nên nhiều gia đình khổ cực từ nơi xa đến, tui tặng họ thôi...”.

Bà Phúc cho hay, “nhà” mèo chỉ mang thai khoảng hơn 2 tháng là sinh, mỗi năm sinh khoảng 4 lứa, mỗi lứa 4-7 con. Riêng mèo nhà bà, có năm sinh đến 50 con, và bà chẳng “quản lý” chi ráo, chúng muốn ở tại chỗ hay “di cư” sống ở đâu thì tùy!

Ông Hồ Văn Trường, một người hàng xóm bà Phúc, nói: “Nhiều người thấy ham, cũng nuôi mèo rồi ra sức “vận động”, nhưng đến lúc mèo cái sanh thì chỉ thấy mấy mèo con “eo eo”, hổng thấy rau đâu cả! Có người cố công bám sát theo dõi để lấy cho được, nhưng mèo cái luôn quyết “không buông”, tìm mọi cách ăn sạch số rau của mình...”.

Không chỉ bệnh nan y, nhiều người đến nhà bà Phúc tìm rau mèo còn bởi lắm lý do: “Xông” nhà để lấy hên, “xông” cửa hàng để buôn may bán đắt, “xông” tàu thuyền để ra khơi an toàn...

Rau mèo nhà bà Phúc hiện “hữu nghị” 100.000 đồng/cái, bà “để” cho mọi người bằng sự thiệt tâm. Còn tôi được biết, tại nhiều nơi ở nước ta bây giờ, hàng “độc” rau mèo được hét không dưới 5 triệu đồng/cái; tuy nhiên, biết... rau gì, bởi nhiều người có từng thấy rau mèo đâu mà kiểm nghiệm!

ĐANG ĐỌC NHIỀU


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]