Mẹo giải quyết chuyện “vặt vãnh” ngày Tết

15.5977

Một số nguyên tắc về bảo quản thực phẩm, vệ sinh đồ dùng trong gia đình vào những ngày Tết sẽ giúp bạn đỡ bận tâm về những chuyện “vặt vãnh” nhưng mất thời gian.

Bảo quản thực phẩm ăn đúng cách

Những món “ruột” ngày Tết như thịt heo kho hột vị, cá lóc hoặc măng hầm chân giò, khổ qua nhồi, bắp cải cuốn thịt… không nên đậy nắp kín mà đậy bằng rổ cho thoáng, khi ăn, lấy vừa đủ và hâm nóng lại. Thịt cá tươi bọc từng bao riêng cất trong ngăn đông tủ lạnh. Có thể muối thực phẩm bằng cách cắt thịt thành miếng cỡ bàn tay, tẩm ướp gia vị. Cá làm sạch để ráo nước và tẩm ướp như trên. Thực phẩm khô như lạp xưởng, khô nai, bò… hay những món có dầu mỡ nên treo nơi khô ráo. Với nhóm thực phẩm như sữa, trứng, phô mai… cẩn bảo quản ở ngăn sát với ngăn đông lạnh (từ 6 đến 120 độ C).


Ảnh minh họa

Cách giữ rượu vang sau khi khui

Không phải cứ uống không hết rượu là đóng nút lại và cho vào tủ lạnh là xong, vì rượu vẫn mất mùi khi tiếp xúc lâu với không khí. Theo kinh nghiệm của những người uống rượu vang thường xuyên, một lần uống vừa miện và không hại cho gan chỉ hết khoảng 1/2 chai 750ml. Cho nên trước khi uống nên chắt 1/2 sang chai 375ml, đóng nút bần lại rồi cho chai nhỏ vào tủ lạnh. Lượng không khí giữa bề mặt rượu và nút bần sẽ rất nhỏ, có thể giữ được hương vị rượu. Nhưng đối với rượu vang nổ thì làm kiểu này sẽ mất hết gas. Nên chỉ cần đóng nút bần và bảo quản trong tủ lạnh, dùng nút hít để điều chỉnh áp suất bên trong chai khi mở ra.

Vệ sinh ngăn đá tủ lạnh

Sau khi ngắt điện, hãy đặt một tô nước thật nóng vào ngắn đá để chóng tan, không để nước nóng rơi ra tủ lạnh. Khi đá tan hết, hãy lau các ngăn với nước rửa chén pha loãng ấm, để khô. Lau khô xung quanh thành và cửa ngăn đá. Lau chùi khay hứng nước phía sau ngăn nếu có. Dùng bàn chải mềm để vệ sinh bột phận làm lạnh bên ngoài ở phía sau tủ đá để ngăn đá hoạt động tốt hơn. Cuối cùng, vắt một vài giọt nước cốt chanh vào chén nước sôi và đặt vào trong ngăn đá để khử mùi.

Giữ trái cây, rau củ và bánh luôn tươi ngon

Với rau, nếu muốn bảo quản được nhiều ngày, sau khi cắt bỏ rau sâu, lá giập, cắt bỏ phần rễ, rửa sạch rau thì nên cho vào bao xốp cột kín cất trong ngăn mát tủ lạnh. Nên sắp xếp rau ăn trước, củ quả ăn sau và bảo quản ở ngăn dưới bằng những túi ni-lông để chống lại sự bay hơi nước làm rau dễ bị khô héo, giảm mùi vị và chất lượng. Trái cây cần giữ khô ráo, rửa sạch, để ráo trước khi cho vào tủ lạnh. Với bánh chưng, bánh tét do chứa nhiều dinh dưỡng lại có độ ẩm cao nên dễ bị nấm mốc. Nấm mốc làm thay đổi màu sắc, mùi vị của bánh và mất giá trị dinh dưỡng, vì thế nếu thấy bánh chớm bị mốc phải cắt bỏ sâu những chỗ mốc và chiên hoặt hấp lại trước khi ăn. Thường xuyên kiểm tra bánh, nếu bánh chỉ bị mốc phần lá bên ngoài có thể luộc lại. Ngoài ra, bánh chưng, bánh tét thường sống lại từ 5 đến 6 ngày sau khi nấu, vì thế trước khi ăn bạn cần chiên sơ qua hoặc nấu lại.

Máy hút mùi

Nên bật và tắt máy hút mùi trước khi nấu nướng và sau khi nấu xong khoảng từ 5 đến 10 phút để không khí trong bếp được thông thoáng và sạch sẽ. Với món ăn nặng mùi, nên cho máy hoạt động ở tốc độ cao còn món nhẹ mùi chọn tốc độ thấp để tiết kiệm điện và giữ độ bền của máy. Vệ sinh máy theo định kỳ bằng cách mở lưới lọc ra, rút điện và chùi rửa các cánh quạt sạch sẽ bằng nước ấm pha với bột giặt. Nên thay lưới lọc than hoạt tính từ 6 đến 12 tháng/lần. Tấm lọc mỡ cần được làm sạch hàng tháng bằng cách ngâm trong nước ấm có pha nước rửa chén hoặc xà phòng. Nếu vỏ máy có sơn, nên dùng tấm mút hoặc vải mềm với nước xà phòng và lau chùi nhẹ tay.

BACSI.com (Theo Monngon)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]