Mẹo giữ chân chàng

GiadinhNet - Nhiều người đàn ông cho rằng tiền bạc có thể giải quyết được mọi vấn đề, họ lặn lội kiếm tiền mong người phụ nữ của đời mình sẽ hết khổ. Nhưng khi đã đủ đầy thì đột nhiên người vợ còn dấm dẳng hơn thủa nghèo khó. Đàn ông không hiểu rằng khi đã thoả mãn tiền bạc thì phụ nữ thường lưu tâm nhiều đến nhu cầu cảm xúc. Và không ít người vợ đã dại dột tự đẩy chồng ra xa bằng sự cau có, dấm dẳng của chính mình…

15.607
Nhu cầu cảm xúc

Không ít ông chồng khi đến trung tâm tư vấn tâm lý thường than thở rằng hồi vợ chồng họ mới cưới nhau còn nghèo khó, cả hai phải làm quần quật suốt ngày chỉ đủ trả tiền thuê nhà và ăn uống kham khổ mà vẫn hạnh phúc. Lúc đó, cô vợ thi thoảng có than vãn một chút cũng là điều đương nhiên, nhưng bây giờ khi cả hai đã thành đạt, tiền bạc rủng rỉnh mà cô vợ vẫn không thôi ca cẩm, thậm chí cường độ còn nhiều hơn thời kỳ khó khăn. Có đức ông chồng thừa nhận, cuộc sống thời còn khó khăn hạnh phúc hơn nhiều so với lúc giàu có- Chỉ toàn giằng xé, dằn vặt nhau. Thậm chí, có những cặp đôi lại tính đến chuyện ly dị khi mà gia đình đã có tài chính chứ không phải thời kỳ nghèo đói, kham khổ. Theo chuyên gia tâm lý, rõ ràng đàn ông không hiểu gì về những "cơn sóng" trong lòng phụ nữ. Thời còn khó khăn, người phụ nữ vẫn có những con sóng lòng cuồn cuộn nổi lên nhưng lúc đó người chồng dễ thấu hiểu sự khổ cực của vợ. Người chồng cho rằng vợ có lý do hẳn hoi để bực, nỗi phiền muộn của vợ phát sinh từ hoàn cảnh túng thiếu. Người chồng lúc đó dễ công nhận cảm xúc này của vợ, bởi vì anh ta cũng đồng cảnh ngộ.

Từ bản năng che chở của phái mạnh,  đàn ông có thiên hướng cho là tiền bạc có thể giải quyết được mọi vấn đề nên họ lặn lội kiếm tiền, những mong vợ sẽ hết khổ. Thời điểm đó, nhận được sự lo lắng, săn sóc và che chở như vậy nên người vợ rất cảm động và cuộc sống cặp đôi vẫn diễn ra đầm ấm, yên vui dù kinh tế còn rất khó khăn. Đến khi tiền bạc rủng rỉnh, người chồng cho là mình đã làm tốt phận sự chăm lo gia đình của mình như vậy thì người vợ sẽ hết phiền muộn, hết than thở hay ca cẩm. Nhưng thực tế, đôi khi anh thấy vợ vẫn dấm dẳng, cáu bẳn. Anh ngỡ ngàng không lý giải nổi: Chúng tôi giàu rồi, lẽ ra cô ấy phải luôn hạnh phúc chứ?! Về phần người vợ, họ tỏ ra dằn hắt, dấm dẳng bởi họ thấy chồng tối ngày lao vào công việc, chẳng quan tâm gì đến mình nên dù có nhiều tiền họ lại càng âu sầu hơn. Không ít cặp đôi giàu có cứ luẩn quẩn, sống tù túng trong cái vòng quay bất đồng, gây gổ, trong khi người này cau có thì người kia bất mãn cho rằng: Việc quái gì phải tức bực như thế. Anh bảo cô việc gì phải nhọc lòng. Thế là tranh cãi nổ ra. Người chồng thì cho là đã được cấp nhiều tiền thế mà cô ta còn ra vẻ làm bộ, làm tịch và anh thốt lên: Hãy thôi làm màu. Đó là điều tồi tệ nhất phát ra từ cửa miệng đàn ông. Đó là mũi khoan khoét sâu vào vết thương lòng đối với phụ nữ.
 
Thực tế, khi thiếu thốn, tiền là mối quan tâm chính. Nó đã che khuất những con sóng lòng dữ dội trong lòng người phụ nữ. Nhưng đến khi tiền bạc không còn là nỗi lo nữa thì phụ nữ được rảnh rang nghĩ tới điều mà trước kia mình không có điều kiện tập trung vào. Đó là điều hết sức bình thường,  tự nhiên; Bởi khi đã được thoả mãn nhu cầu tiền bạc, phụ nữ thường lưu tâm nhiều đến nhu cầu cảm xúc. Phần lớn đàn ông cho rằng, khi đã được cung cấp tiền bạc đầy đủ thì người vợ không có quyền được sầu muộn. Cô ta không được cau có hay đòi hỏi những điều khác mà cứ việc ngồi đó mà hưởng cuộc sống đủ đầy, xa hoa, sung sướng của kẻ có tiền. Bởi anh ta nghĩ, nếu không được chồng kiếm cho nhiều tiền như vậy thì ắt hẳn cuộc đời cô ta đã khốn khó, lao đao rồi. Yêu cầu này của những người chồng quả là phi lý, thiếu tôn trọng vợ và phi thực tế. Bởi bất chấp địa vị, hoàn cảnh hay nhiều tiền đến cỡ nào thì người phụ nữ luôn cần được công nhận cảm xúc và được người chồng săn sóc cảm xúc, đời sống tinh thần. Tiền bạc chỉ có thể làm người vợ hài lòng, hạnh phúc nếu nó được lồng vào trong sự chăm sóc và thông hiểu của người chồng.
 

"Giữ chân" bằng những lời đề cao và công nhận

Ngược lại, trong những thời điểm người chồng tỏ ra bất mãn, không chịu nói chuyện thì người vợ hãy bớt dấm dẳng, cau có mà hãy là người bắt đầu nói chuyện để khai thông cuộc đàm thoại. Thiên tính của đàn ông là họ chỉ nói khi có lý do, chứ không nói vì mục đích chia sẻ nỗi lòng. Nhưng khi người vợ nói một lúc về những mối quan tâm chung của hai người như con cái thì có thể khi chị nói một lúc thì anh sẽ bị cuốn vào điều chị muốn chia sẻ. Nếu người vợ cứ đàng hoàng mở đường, nói chuyện thẳng thắn, chân tình thì người chồng sẽ bớt thấy bị tra vấn, buộc tội và sẽ thoải mái nói chuyện, thông hiểu với nhau hơn. Còn khi muốn san sẻ nỗi lòng mà tự nhiên người vợ hay thúc ép chồng nói thì anh ta sẽ càng im lặng vì cảm thấy bị ép buộc, không thoải mái. Thật khó bắt nói khi anh nhận thấy có lời hạch hỏi hay yêu sách. Chị cứ vô tình phong toả anh bằng những lời chất vấn, nhất là khi anh không có nhu cầu nói. Chị cứ đinh ninh là anh cần nói và phải nói mà quên rằng, thiên tính đàn ông ít có nhu cầu nói để chia sẻ nỗi lòng. Nhiều bà vợ cho rằng, khi đàn ông không mở miệng có nghĩa là anh ta không yêu vợ. Thực ra, đó cũng có khi là thời điểm mà anh ta thấy chẳng có gì để nói cả. Anh cần thấy con người mình như thế nào thì được công nhận, chỉ khi đó, anh mới có thể xởi lởi được. Anh cảm thấy mình bị tẩy chay nếu chị bắt anh nói nhiều hơn mức anh có thể hoặc vợ tỏ ra khó chịu khi anh bắt đầu chu kỳ muốn dãn ra.

Theo chuyên gia tâm lý, khi người vợ càng tìm cách bắt chồng nói thì người chồng sẽ càng phản đối. Chẳng phải là thượng sách nếu cứ huỵch toẹt đòi anh phải nói, nhất là khi anh đang phân tâm. Thay vì mất công cạy miệng chồng thì tốt hơn hết là người vợ hãy tập trung nghĩ cách để hành xử mặn mà, giao tiếp khéo léo và thoải mái với chồng. Nếu chị cần nói thì hãy cứ nói, nhưng phải nói chuyện một cách thẳng thắn, vui vẻ, chân tình và chấp nhận rằng đôi khi anh có thể sẽ lơ là, không chú tâm. Lúc anh ngồi ngay ngắn lại, thay vì tra tấn bằng hàng loạt câu hỏi thì người vợ hãy tỏ cho chồng biết rằng, chỉ cần anh ngồi nghe là chị đã sung sướng lắm rồi. Khi cần nói chuyện, hãy nói thẳng với chồng rằng: Anh ngồi với em một chút được không, cả ngày hôm nay căng thẳng quá, em muốn nói một chút cho đỡ bứt rứt. Sau khi nói vài phút, người vợ nên dừng lại và nói rằng cô rất hạnh phúc vì anh đã nghe cô nói. Chuyên gia tâm lý cho rằng, sự đề cao này sẽ giữ rịt anh lại nghe cô thổ lộ tiếp.
 

Nếu không được công nhận và động viên, đàn ông sẽ mất hứng thú vì không hiểu hết giá trị của việc anh làm đối với vợ, mà nghĩ rằng lắng nghe tức là ngồi ngây như phỗng, chẳng làm nên tích sự gì!!! Mong chờ đàn ông hiểu hết giá trị của việc lắng nghe như đúng nhu cầu thiên bẩm này của phụ nữ thì chẳng khác nào bắt anh phải có thiên tính như phụ nữ. Do vậy, người vợ cần hướng chồng vào việc lắng nghe và đề cao việc đó một cách thường xuyên. Khi hiểu được giá trị của việc lắng nghe vợ nói, anh sẽ có cái nhìn rộng lượng và thoáng đạt hơn về "tật" hay nói của vợ. Cuộc sống lứa đôi cũng vì thế mà được hoà hợp và bền chặt hơn.

 
Hạnh Vân
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]