Mẹo nuôi con kiểu... tai hại của các bà

Tôn sùng mẹ nên chị Hoa áp dụng cả một số mẹo chăm con rất kinh dị của mẹ.

15.6023

Những mẹo nuôi con kinh dị

Mẹ chị Hoa là hiệu trưởng một trường cấp 3 nổi tiếng ở Hà Nội. Bà được cả cấp dưới và cấp trên nể sợ, kính trọng. Chị Hoa cũng dành cho mẹ tình cảm tương tự. Với chị, mẹ lúc nào cũng là số một. Mẹ thứ mẹ nói ra đều đúng. Và đương nhiên, cách mẹ dạy chị chăm sóc con cũng được chị liệt vào hàng kinh điển.

Ngay từ khi bé My chào đời, công việc chăm sóc bé My phần lớn phụ thuộc vào bà ngoại. Từ thay bỉm, pha sữa, tắm rửa,… chị chẳng động tay vào bất cứ việc gì. Chính vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi mẹ phán gì, chị đều răm rắp làm theo.

Khi bé My được khoảng 3 tháng tuổi, tự dưng bé hay quấy khóc. Sau khi lột trần ra để soi xét từng cm da thịt, răng miệng, mẹ chị phát hiện ra bé có nanh sữa. Bà khẳng định chắc như đinh đóng cột nanh sữa chính là nguyên nhân khiến bé khó ăn, khó ở.

Thế là bà nhanh chóng đưa ra quyết định: "phải nhổ". Trong lúc chị gọi điện cho chồng về nhà đưa hai mẹ con đến bác sĩ, bà gạt phăng đi và mắng: “Chúng mày cứ lắm chuyện. Hơi một tí đòi đến bác sĩ. Đến mấy chỗ đó hay ho gì chứ. Không có bệnh tự dưng lại rước bệnh vào người. Không biết bệnh viện là ổ dịch lớn nhất à?”.

Sau khi mắng con một hồi, bà quyết định tự nhổ nanh sữa cho bé My. Thấy con còn bé xíu mà mẹ lại lăm lăm cái kim trên tay, chị Hoa cũng thấy sợ sợ. Nhưng vì tin tưởng mẹ, chị lẳng lặng ngồi xuống xem mẹ “trình diễn” mà lòng như có lửa đốt.

Không chịu ảnh hưởng từ mẹ nhưng chị Trang lại rất tôn sùng các biện pháp chăm sóc con theo cách dân gian vì chị lý luận: “Các cụ mất cả đời tích cóp kinh nghiệm thì làm sao mà sai được. Tôi thấy nhiều trường hợp bệnh viện bó tay rồi. Tuyệt vọng, mang con về nhà, các mẹ lại chữa khỏi cho con nhờ kinh nghiệm”.

Vì thế, khi bé Thúy bị tưa lưỡi, chị cật lực dùng mật ong vì tin rằng chỉ sau vài lần, con sẽ hết tưa lưỡi và sống vui khỏe như bình thường.

Ảnh minh họa.

Và hậu quả...

Chị Trang cho biết: “Đánh tưa lưỡi cho bé rất đơn giản. Tôi chỉ việc quấn chiếc gạc sạch vào đầu ngón tay trỏ, tẩm chút mật ong vào rồi đánh tưa lưỡi cho bé. Bé ngoan và không quấy khóc gì cả. Theo tôi được biết, rất nhiều mẹ đã áp dụng cách này rồi”.

Và hiệu quả của nó đến đâu, chị Trang nhanh chóng có câu trả lời. Chỉ sau vài ngày đánh tưa lưỡi bằng mật ong, bé Thúy tự dưng lên cơn sốt khi tưa lưỡi chưa hề hết. Khi đưa con đến bệnh viên, chị mới biết bé bị nhiễm trùng.

Khi trò chuyện với bác sĩ, chị mới nhận ra “hành động bạo lực” của mình khi đánh tưa lưỡi cho con. Chị kể, khi thấy mấy chấm trắng vẫn không hề đi dù chị cọ đi cọ lại nhiều lần, chị đã lấy ngón tay cạy nhẹ. Ban đầu chị cũng thấy lo lắng khi thấy máu chảy ra. Nhưng máu rỉ ra một chút lại hết nên chị không bận tâm tới nữa.

Bị bác sĩ mắng cho một trận nên thân, chị mếu máo chia sẻ thêm: “Bác sĩ còn nhắc tôi tuyệt đối không được đánh tưa lưỡi cho con bằng mật ong vì ngoài chuyện gây nhiễm trùng, mật ong còn có độc tố nguy hại cho thần kinh, gây liệt cơ”.

Còn chị Hoa cũng bị một phen thót tim khi không ngăn cản mẹ nhổ nanh cho bé My. Lúc đó, dù bà rất nhanh tay, cầm kim chọc mạnh vào nanh sữa khiến dịch trắng tràn ra nhưng cuối cùng bé vẫn phải… vào viện. Bé My bị chuẩn đoán nhiễm trùng.

Thì ra trong lúc “tập làm bác sĩ”, mẹ chị Hoa không bôi một chút thuốc tê để giảm đau hay bôi thuốc sát trùng khiến bé bị nhiễm khuẩn. Chị Hoa cũng bị bác sĩ mắng cho một trận rồi giải thích: "Bản chất của nanh sữa là một loại nang có vỏ mỏng trong lòng chứa đầy chất keratin (một sản phẩm thoái hóa của biểu mô sừng hóa) màu trắng do các mảnh vụn tế bào trong quá trình hình thành răng sữa còn sót lại ở xương hàm, nếu là nanh sữa ở vòm miệng thì do mảnh vụn của các tế bào tuyến nước bọt phụ bị vùi kẹt dưới niêm mạc trong thời kỳ bào thai. Đa số trường hợp nanh sữa không gây đau đớn hay khó chịu gì nhiều cho trẻ. Tuy nhiên, cũng có trẻ quấy khóc hoặc bỏ bú thì cha mẹ phải đưa con đến bác sĩ thăm khám chứ không nên tự nhể răng sữa tại nhà cho con vì rất nguy hiểm".

Sau lần chăm con theo kiểu kinh nghiệm kinh dị, cả chị Hoa và Trang đều sợ mất mật. Dù không nói ra nhưng các chị quyết tâm tránh xa những lời khuyên “bổ ích” của các bà. Các bà thương cháu thật nhưng đôi khi kinh nghiệm của các bà lại có thể ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của trẻ.
 
Theo A.family 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]