Mẹo thương lượng thời gian làm việc khi nuôi con nhỏ

Hãy trình bày thật chi tiết và hợp tình hợp lý để cấp trên thấy được hiệu quả công việc vẫn được duy trì nếu bạn về sớm hoặc cắt giảm thời gian làm việc trong tuần.

0

Nếu bạn cũng cùng trăn trở trên, bài viết này đích thị là dành cho bạn. Hãy tìm những giải pháp thích hợp để vẹn đôi đường bạn nhé!

Tham vấn bộ phận nhân sự

Trước khi tiếp cận với sếp và cùng trao đổi về vấn đề thời gian làm việc linh hoạt do có con nhỏ, bạn cần ghé thăm phòng Nhân sự trước. Hãy đảm bảo chắc chắn về việc khả thi đối với vòng đàm phán lịch trình làm việc sắp tới: công ty từng có tiền lệ về việc này trước đây hay chưa, chính sách phân bổ thời gian làm việc của công ty đối với mẹ trẻ như thế nào, phòng ban của bạn đang có kế hoạch tuyển người bổ sung hoặc dự phòng hay không, khối lượng công việc của bạn đã được tiếp quản và xử lý ra sao trong thời gian thai sản,…

Trong trường hợp công ty từng có tiền lệ chấp thuận lịch làm việc linh hoạt cho một hoặc vài nhân viên trước đây, hãy tìm cách gặp và hỏi họ bí quyết để thương lượng với sếp.

Ghé thăm phòng nhân sự trước sẽ giúp bạn tích luỹ được vốn lý lẽ thuyết phục sếp sau này.

Chuẩn bị lập luận thuyết phục

Bạn là người hiểu rõ nhất tính chất công việc của vị trí bạn đang đảm nhận. Bạn sẽ hiểu được phần nào là quan trọng, điểm nào cần có người túc trực xử lý kịp thời, cũng như việc nào có thể ủy thác cho nhân viên khác tiếp quản,…Hãy trình bày thật chi tiết và hợp tình hợp lý để cấp trên thấy được hiệu quả công việc vẫn được duy trì nếu bạn về sớm hoặc cắt giảm thời gian làm việc trong tuần. Ngoài ra, bất kỳ người sếp tinh ý và thông minh nào cũng đều biết một đội ngũ làm việc thoải mái về tâm lý sẽ mang lại chất lượng công việc vượt trội hơn hẳn so với một ê-kíp có những nhân viên luôn phải lo nghĩ về con nhỏ ở nhà. Hãy khéo léo gợi ý và nhắc nhớ sếp về điều quan trọng đó. Ngoài ra, nếu bạn là một nhân lực mẫn cán và luôn có những đóng góp đáng kể cho công ty, đây cũng sẽ là một lợi thế và là điều khiến sếp cần cân nhắc nếu không muốn mất đi một nhân tài như bạn.

Đã đến giờ gặp sếp

Tuỳ theo tính chất và sự bận rộn của sếp, hãy thiết lập cuộc hẹn với cấp trên ngoài giờ làm việc nhưng diễn ra ngay tại văn phòng nhằm không làm gián đoạn tiến trình làm việc của sếp nhưng vẫn không tạo ra cảm giác bạn đang có gì khuất tất. Buổi trao đổi nên diễn ra nghiêm túc nhưng nhẹ nhàng. Hãy mở đầu câu chuyện bằng thiện chí lo lắng cho hiệu quả công việc. Tuỳ theo mức độ cởi mở và thân tình của lãnh đạo, bạn có thể chia sẻ vài khó khăn và vất vả của việc chăm bé hiện tại (nếu sếp là nữ và cũng từng có con, đây sẽ là điểm lợi để bạn tranh thủ sự cảm thông).

Bạn cần chuẩn bị từ trước một bản viết tay liệt kê rõ những điểm quan trọng như:

  • Thời gian làm việc linh hoạt của bạn sẽ mang lại lợi ích như thế nào: hiệu quả công việc vẫn được đảm bảo nhưng chi phí nhân sự được giảm xuống (cũng thật công bằng nếu bạn hi sinh một chút giờ công để có thêm nhiều thời gian chăm con), công ty vẫn giữ được người thạo việc là bạn, nhân viên được cấp trên cảm thông sẽ cảm thấy vui vẻ thoải mái tiếp tục làm việc ra sao,…
  • Bản kế hoạch chi tiết về những đầu việc bạn sẽ chịu trách nhiệm chính và những phần việc có thể hướng dẫn hoặc giao phó cho người khác.
  • Khản năng công ty và bạn vẫn luôn kết nối và giữ liên lạc được với nhau trong thời gian bạn làm việc tại nhà hoặc về sớm.
  • Các báo cáo thường xuyên để sếp vẫn quản lý và theo dõi được công việc của bạn: báo cáo hàng tuần, email mỗi ngày,…

Nếu sếp không đồng ý?

Trong trường hợp xấu nhất là sếp hoàn toàn thờ ơ và lãnh đạm với bản kế hoạch thương lượng của bạn, hãy đề nghị một khoảng thời gian thử nghiệm 2-3 tháng để chứng tỏ cho sếp thấy công việc vẫn trôi chảy nếu anh/chị ấy thử đặt lòng tin vào bạn. Khi chọn giải pháp này, bạn cũng cần tự lượng sức mình cũng như lường hết được tính chất công việc sắp tới. Bạn nên thẳng thắn tự vấn bản thân về việc làm việc tại nhà hoặc về sớm để chăm sóc bé con cũng đồng nghĩa với bạn sẽ không thể toàn tâm toàn ý vào công việc (dù cho thời điểm ấy trên giấy tờ là bạn vẫn đang làm việc tại nhà).

Một lần nữa, hãy cân nhắc kỹ lưỡng xem bạn có thể chấp nhận tình huống tệ hơn cả tệ là bạn phải nghỉ việc hay không? Xét cho cùng, bạn đi làm để nuôi bé hay gánh nặng tài chính không thật sự đè nặng trên vai? Chỉ có bạn mới là người biết rõ nhất cán cân ấy. Chúc bạn sẽ tìm ra cách thương lượng hợp lẽ nhất để hài hoà giữa việc chăm con và chăm việc.

Trang Vàng

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]