Mẹo tiết kiệm tiền khi có con

15.6293

Tận dụng quần áo trẻ sơ sinh cũ của người thân, mua bảo hiểm thai sản, cho con bú sữa mẹ... là những cách đơn giản giúp các cặp vợ chồng tiết kiệm chi phí khi gia đình có thêm thành viên mới.

Chị Lan, quận Bình Thạnh tiết kiệm cả triệu tiền mua quần áo cho bé sơ sinh khi dùng lại đồ của cu Tí - con đầu lòng của anh trai chị. Trẻ mau ăn chóng lớn, chỉ vài tháng sau quần áo đã quá cỡ, hơn nữa các bé chỉ dùng trong thời gian ngắn, nếu trưng dụng lại sẽ dôi dư ra một khoản tiền. Tuy nhiên, chị chỉ dám nhận hàng của người thân, hoặc biết rõ về người đó, chứ không phải xin tràn lan để tránh lây nhiễm bệnh cho con.

Có con kéo theo nhiều nỗi lo kinh tế nên kể từ khi mang thai, chị Lan đã lên kế hoạch tài chính chặt chẽ. Trước khi sắm đồ bầu, chị kiểm tra lại tủ quần áo, xem những bộ nào rộng có thể mặc trong những tháng đầu mang thai. Nếu mua mới, chị cũng chọn loại có giá tiền phải chăng, chứ không ghé vào các thương hiệu lớn, chạy theo mốt như các đồng nghiệp khác và chỉ sắm đủ dùng chừng 3-4 bộ.

“Tôi chọn những nơi bán đồ bầu giảm giá để mua. Nhờ thế, khi giảm giá 50% tôi chỉ mất hơn 400.000 đồng cho 4 chiếc váy bầu thay vì phải trả 800.000 đồng với giá ban đầu”, chị Lan nói.

Mua bảo hiểm thai sản cũng là cách giúp bà bầu tiết kiệm chi phí khi sinh con. Ảnh: WP

Cách giảm tải chi phí hàng tháng kể từ khi có bé Nấm của chị Thảo, ở quận Bình Thạnh là sắm tã vải cho bé thay vì tã giấy. Những tháng đầu, da bé rất nhạy cảm nên nếu dùng lại tã giấy không phù hợp có thể khiến con bị hăm, dị ứng. Mặt khác, bé dùng tã chỉ trong khoảng thời gian từ 2-3 tháng. Tã vải có độ bền cao nên khi em bé lớn không dùng tới nữa, các bà mẹ có thể giặt sạch sẽ, ngâm nước xả vải, gấp ngay ngắn và cất giữ cho những đứa con sau này.

“Lần đầu tiên sinh con, tôi chẳng biết gì cứ thấy tã giấy tiện lợi nên mua. Tuy nhiên, mấy ngày đầu quấn cho con thấy 2 bên bẹn của cháu đỏ và bé hay quấy khóc. Mẹ chồng thấy vậy mới mua ngay 30 chục tã vải, từ đó em bé không còn khó chịu và ngứa ngáy nữa”, chị Thảo kể.

Không chỉ làm cho bé có cảm  giác dễ chịu, mà từ khi chuyển sang dùng tã vải chị còn tiết kiệm 500.000 đồng tiền mua tã cho em bé thứ hai.

Còn Thùy, nhà ở quận 2 tiết kiệm mấy triệu đồng tiền sữa nhờ rút kinh nghiệm từ chị gái. Thùy kể, chị gái Thùy khi sinh con đầu lòng, ngại vắt sữa và cho con bú nên từ lúc mới sinh, em bé đã phải uống sữa bột. Bé bú hơn một tháng là hết hộp sữa, gần triệu đồng, cứ như thế, trong vòng 6 tháng, chị gái Thùy phải chi ra 6 triệu đồng để mua sữa cho em bé. Không những thế, em bé ăn sữa bột nhiều đôi khi còn bị tiêu chảy hoặc táo bón… 

Nhờ người thân mách bảo nên chị lên danh sách những chất dĩnh dưỡng tốt cho mẹ và bé, ăn uống đều đặn. Nhờ thế mà khi nào chị cũng có nhiều sữa cho con bú khiến bé ngày càng bụ bẫm và khỏe mạnh. "Uống sữa ngoài vừa tốn kém mà bé cũng không đủ chất, chứ nếu nó thật sự tốt cho con, tôi cũng cố gắng hết sức", chị chia sẻ.

Còn chị Út, ở quận Thủ Đức chọn cách mua bảo hiểm thai sản ngay trước khi dự định có con. Nhờ đó, khi mổ, chị được thanh toán 80% chi phí, tương đương 8 triệu đồng và chỉ phải bỏ thêm 2 triệu đồng. Chị chia sẻ, tùy từng bệnh viện có cách áp dụng chi trả bảo hiểm khác nhau nên trước khi mua, các bà mẹ nên hỏi cụ thể để tránh trường hợp nhầm lẫn.

Ngoài ra, khi mới sinh chị nhờ mẹ và chị gái giúp đỡ ,nấu sẵn đồ ăn ở nhà mang vào viện, nhờ đó thức ăn luôn đảm bảo vệ sinh, hợp khẩu vị mà lại đỡ tốn kém. Đồng thời, những tháng đầu, có mẹ chị chăm sóc nên gia đình chị tiết kiệm khoản tiền thuê người giúp việc và chồng chị có thể yên tâm đi làm để tăng thu nhập cho gia đình.

Thi Hà

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]