Miếng ngon Greenfeed

15.621

Trong ngành chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi được cho là béo bở nhất vì có lợi nhuận sau thuế vào khoảng 7%. Trong khi đó, thị trường còn cho thấy nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi từ nay đến năm 2020 sẽ tăng gấp đôi. Chính vì vậy, thị trường thức ăn chăn nuôi đang chứng kiến sự cạnh tranh giành thị phần từ những công ty lớn như CP, Japfa, Cargill, New Hope, Kyodo Sojitz , Greenfeed...

Thị trường béo bở

Tính từ cuối năm ngoái đến nay, hầu hết các công ty trên rót thêm vốn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, mặc dù thời gian này ngành chăn nuôi trong nước đang gặp khó khăn. Công ty CP, vừa xây dựng nhà máy thức ăn tại tỉnh Bình Định thì Kyodo Sojitz cũng bỏ ra 24 triệu USD xây dựng nhà máy tại Long An.

Gần đây nhất, Greenfeed đã khánh thành 2 nhà máy tại Bình Định và Hưng Yên, dù Greenfeed đã có sẵn nhà máy tại 2 tỉnh này. Có thể nói, đến thời điểm này, cuộc chạy đua giành thị phần thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam vẫn đang nóng với sự dẫn đầu của CP, tiếp sau Procon, New Hope, Cargill và Greenfeed...

Vốn đổ vào ngành chăn nuôi tăng nhưng vẫn dồn vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi chủ yếu. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi, tổng vốn đầu tư cho ngành chăn nuôi năm 2012, tỉ lệ đầu tư cho lĩnh vực giống vật nuôi chỉ chiếm 4,1% (15,1 triệu USD). Trong khi đó sản xuất thức ăn chăn nuôi chiếm 94,9% (346,8 triệu USD), phần còn lại là lĩnh vực khác 0,9% (3,3 triệu USD).

Theo thống kê của Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi, cả nước có khoảng 239 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng 59 công ty có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và liên doanh, chiếm 70% thị trường cả nước. 180 doanh nghiệp trong nước chỉ chia nhau phần thị trường còn lại.

Greenfeed Việt Nam được cho là một trong những công ty nội hiếm hoi có được thị phần lớn trong ngành thức ăn chăn nuôi chỉ sau 10 năm ra đời.

Năm 2011, Greenfeed được nhà đầu tư định giá 145 triệu USD và hiện công ty này đứng trong top 5 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Greenfeed có tốc độ tăng trưởng 60% trong năm 2012 vừa qua. Chính vì thế, một số nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm đến Greenfeed.

Thực tế, không phải đến bây giờ Greenfeed mới được chú ý, vì trong cơ cấu cổ đông của công ty này đã có sự tham gia của một số quỹ đầu tư nước ngoài. Quỹ DWS của Đức hiện chiếm 7,6% cổ phần và một quỹ đầu tư khác của Singapore cũng có cổ phần trong Greenfeed.

Greenfeed và cái nhìn của CJ

Sau một số dự án đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi, mục tiêu phát triển đường dài của Greefeed là nhắm đến chuỗi giá trị khép kín 3F (Feed - Farm - Food).

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này Greenfeed mới chỉ đến được F thứ hai. Trong một lần trả lời phóng vấn báo chí, đại diện công ty này từng tiết lộ về kế hoạch tìm đối tác để hoàn thiện khâu cuối cùng trong chuỗi 3F là sản xuất thực phẩm sạch. Và trong một buổi trả lời phỏng vấn NCĐT gần đây, ông Guk Sang Kim, Trưởng Đại diện CJ tại Việt Nam, cho biết CJ đang đàm phán với một công ty thức ăn chăn nuôi Việt Nam nằm trong top 3. Trong bảng xếp hạng những công ty đầu bảng, chủ yếu là những công ty đa quốc gia như CP, Cargill, New Hope, chỉ duy nhất Greenfeed là công ty Việt Nam.

Tập đoàn CJ đã có mặt ở Việt Nam từ hơn 10 năm trước và thành lập Công ty CJ Vina Agri, chuyên sản xuất và kinh doanh gia súc, gia cầm và thủy sản. Tại Việt Nam, CJ Vina Agri là một trong những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn với 3 nhà máy ở Long An, Vĩnh Long, Hưng Yên và một trang trại nuôi heo giống ở Bình Dương.

CJ còn liên doanh với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hoa Lâm đưa CJ Freshway vào Việt Nam. Công ty này chuyên về phát triển dịch vụ cung cấp thực phẩm và thức ăn dinh dưỡng.

Có lẽ 2 đối tác này đã tìm thấy điểm chung ở nhau là cùng muốn hoàn thiện mô hình khép kín thực phẩm sạch. Greenfeed cần công ty chế biến thực phẩm còn CJ lại đang đi tìm công ty chế biến thức ăn chăn nuôi. Cả 2 cùng kín tiếng trong việc tiết lộ thông tin nhưng theo một chuyên gia giấu tên, cuộc đàm phán giữa 2 đối tác đang trong giai đoạn gay cấn và chưa chốt được vấn đề do chưa thống nhất được tỉ lệ cổ phần sở hữu và giá.

Cũng như thông lệ, các công ty nước ngoài khi vào Việt Nam đều muốn mua cổ phẩn với tỉ lệ lớn để có ghế trong ban điều hành và có quyền kiểm soát, phủ quyết. Ngược lại các doanh nghiệp Việt Nam vừa muốn có thêm vốn đầu tư, đồng thời vẫn giữ được tỉ lệ chi phối công ty. Có thể, điều này đang là rào cản trong cuộc đàm phán.

Đặt giả định, nếu cuộc hợp tác này thành công thì CJ và Greenfeed sẽ bước vào cuộc đua với CP trong việc hoàn thiện mô hình 3F. Bởi vì, đối tác 7-eleven của CP có chiến lược vào Việt Nam vào cuối năm nay thì CP sẽ là doanh nghiệp đầu tiên hoàn thiện chuỗi khép kín 3F. CJ và Greenfeed sẽ là công ty thứ hai hoàn thiện mô hình này tại Việt Nam.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]