Miệt mài “chạy sô”, Voi Đắc Lắc trước nguy cơ bị xóa sổ

(Dân trí) - Sau khi giải phóng đất nước, tổng số lượng đàn voi nhà ở Đắc Lắc là trên 500 nhưng đến nay, số lượng voi chết đã lên tới hơn 400 con. Hiện địa phương này chỉ còn khoảng 50 con già cỗi, nhưng ngày đêm các ông voi vẫn “chạy sô chở khách”…

15.5715
Voi đang là hình ảnh đặc trưng của Đắc Lắc, từ bao lâu nay, cứ nhắc tới Đắc Lắc là người ta nghĩ đến voi. Nhưng nay nguồn voi nhà phục vụ cho du lịch đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Đã có câu hỏi đặt ra rằng, nếu voi nhà bị xóa sổ, Đắc Lắc lấy gì làm hình ảnh đặc trưng của ngành du lịch.


Thế nhưng, sự thật, hơn 10 năm trở lại đây, đàn voi nhà đã bị khai thác quá mức vào việc phục vụ kinh doanh du lịch, khiến cho voi bị kiệt sức.

Hiện tại đàn voi nhà ở Đắc Lắc có tới gần 70% đã hơn 60 tuổi, không còn khả năng sinh sản. Nhiều người lo, không lâu nữa, đàn voi nhà Đắc Lắc sẽ vắng bóng, mặc dù khi đến du lịch ở bản Đôn, du khách luôn được thuyết minh viên ở đây thuyết trình về những đám cưới voi ly kỳ hấp dẫn…

Bản Đôn thuộc xã Krông Na (Buôn Đôn, Đăk Lăk) ngày nay trở thành một trong những buôn làng du lịch nổi tiếng nhất nhì Tây Nguyên. Một buôn nhỏ mà có quá nhiều huyền thoại đã tôn Bản Đôn thành vùng đất thánh theo đúng quan niệm của người dân tộc M'nông và Ê đê.


Thực tế đáng buồn là hiện nay, Bản Đôn không còn một chú voi con nào được sinh ra. Người Tây Nguyên xưa rất coi trọng voi. Voi với họ như người bạn thân thiết hoặc thần thánh. Luật tục đối xử với voi cũng phải được tôn trọng, mỗi lần lấy lông đuôi voi thì gia chủ đều phải giết lợn cúng tạ lỗi xin phép voi. Thế nhưng, thời nay một số người cứ vô tư vặt lông đuôi voi đem bán. Có những con voi không còn một sợi lông đuôi nào. Khi lông đuôi voi không còn, người ta thay thế bằng lông của một loài nào đó. 

“Loài voi không bao giờ giao phối ở nơi có bóng dáng con người do vậy việc sinh sản đã khó, đằng này voi nhà ở Đắc Lắc hiện đang phải ngày đêm chạy sô chở khách du lịch vượt hồ Lắc, rồi vượt sông Sê-rê-pốc”.


600 ngàn đồng cho một giờ/ cưỡi voi dưới hồ Lắc và vượt sông…Voi Đắc Lắc liên tục làm việc từ sáng đến tối dưới sự cai quản của quản tượng. Hầu như các tour du lịch được bán ra ở Đắc Lắc, tất cả các điểm đến đều gắn với voi.

Ông Nguyễn Hồng  Đài, Giám đốc Công ty Du lịch APT Travel cho rằng, con voi có tuổi bằng con người, trong khi đó voi đang là hình ảnh đặc trưng của Đắc Lắc, và thực tế không chỉ khách ta, khách tây cũng rất thích được cưỡi voi. Do đó, câu chuyện bảo tồn voi cần phải tính, khu du lịch chỉ có vài con voi như thế có đủ không trong khi Đắc Lắc chỉ coi voi là chính để hấp dẫn du khách.

Một lý do nữa khiến voi Bản Đôn không thể sinh sản là diện tích rừng bị thu hẹp một cách đáng báo động. Voi không còn chốn tự do để sinh sống theo bản năng hoang dã, chúng phải phục vụ cho dịch vụ du lịch nên không có thời gian... giao phối. Đây có vẻ như một lý do vô lý nhưng lại là thực tế buồn ở Bản Đôn.


Bản Đôn mà không có voi thì coi như không còn là huyền thoại, là đất thánh của Tây Nguyên nữa. Đó là một thực tế và trong khi voi nhà ở Đắc Lắc đang gần bị xóa sổ thì ngay cả việc gìn giữ hình tượng con voi ở đây cũng không được chú trọng. 
 
Hữu Thắng
 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Du lịch, quý độc giả có thể gửi đến ban Văn hóa – Du lịch báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email  . Xin trân trọng cảm ơn!

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]