Mơ làm người nổi tiếng

LTS: Tham gia câu chuyện về ước mơ nổi tiếng, một bạn “9X đời đầu” đã chia sẻ suy nghĩ về khát khao nổi tiếng như một mục tiêu sống từ những bạn bè của mình. TTCT xin giới thiệu.

15.6023
Minh họa: Bích Khoa

Khi tiếng tăm là thương hiệu 

Ngoại hình nổi bật so với bè bạn đồng trang lứa, lại có một số tài lẻ như khả năng ca hát, diễn xuất, kỹ năng dẫn chương trình ở mức tương đối ổn, ngay từ thời phổ thông M. đã thu hút sự chú ý đặc biệt.

Vào đại học, trong khi với phần lớn sinh viên thời chúng tôi giai đoạn ấy cuộc sống chỉ có giảng đường, bè bạn hay cùng lắm là vài công việc bán thời gian nhỏ lẻ, thì M. đã tất bật với công cuộc tìm kiếm và gây dựng hình ảnh bản thân.

Cô chăm chỉ tham gia những cuộc thi ca hát, thi dẫn chương trình, thi diễn kịch, thi một vài game show truyền hình rồi cả thi hoa khôi, duyên dáng, nét đẹp sinh viên... từ cấp trường cho đến cấp thành phố, từ nội bộ cho đến lên sóng truyền hình quốc gia.

Bước chân vào các “chiến trường cạnh tranh” ấy, với M. là cả một cuộc đầu tư vất vả, xen lẫn cả những đánh đổi. Trong khi bạn bè mỗi ngày lên lớp, tụ tập, làm thêm, tham gia sinh hoạt đội nhóm, CLB... thì ngay từ năm nhất M. đã bỏ nhiều chi phí và thời gian vào các lớp rèn luyện “kỹ năng phát triển hình tượng cá nhân”: kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng MC, kỹ năng trang điểm, kỹ năng định hình phong cách... Cô cũng không ngừng trau chuốt ngoại hình từ trang phục, dáng vóc, son phấn...

Từ đó, M. bắt đầu “chinh chiến” khắp các cuộc thi lớn nhỏ, dĩ nhiên kèm theo lịch thi lại, học lại vài môn. Bạn bè đại học ngày ấy nhiều người xem M. như một cô gái đam mê danh vọng phù phiếm và lượng người e ngại, xì xầm về cô cũng ngang ngửa lượng người hâm mộ cô.

“Mình thật sự muốn nổi tiếng, thật sự muốn được biết tới, được ghi nhận khả năng vì nó sẽ giúp mình có nhiều cơ hội vào đời tốt hơn”. Trong một lần đại diện lớp vào viện thăm M. khi cô lên cơn đau dạ dày nặng sau cả tháng trời vừa học vừa làm thêm, vừa theo đuổi cuộc thi hoa khôi sinh viên, tôi mới có dịp đến gần M. và cuộc sống của M..

Thời gian, sức khỏe cô dành cả hết cho bài vở, việc làm bán thời gian, các lớp học, các bước phát triển bản thân và hơn cả là những cuộc thi gây dựng hình ảnh. “Mình biết bản thân không còn nhiều bạn bè thật sự, mình biết hao tốn nhiều sức lực, nhưng thôi, ai cũng phải trả giá cho một điều gì đó”.

“Ai cũng phải trả giá cho một điều gì đó”, câu nói thốt nhiên và không biết đã suy nghĩ nhiều đến mức nào của M. thời xa xôi ấy lắm khi vẫn ám ảnh tôi. Với M., đó là sự nổi tiếng, là khả năng được biết tới rộng rãi. Đó là khao khát muốn nổi bật của M. đã đành nhưng còn đồng nghĩa với những cơ hội, những cánh cửa xa xôi hơn, tốt đẹp hơn mà cô đang ra sức tìm kiếm.

“Chinh chiến” nhiều, đi đó đi đây liên tục và dù trong hầu hết cuộc thi đó cô chưa bao giờ đoạt ngôi vị cao nhất, cùng lắm chỉ hạng nhì và vài giải phụ, thì M. cũng đã kịp gây dựng cho mình một danh tiếng nhất định và quan trọng hơn nữa là một mạng lưới các mối quan hệ mở rộng ngay khi vừa tốt nghiệp đại học.

Ra trường, nhận thức bản thân không đạt ngưỡng để có thể thành công thật sự trong nghệ thuật, trong thế giới showbiz, M. bước chân vào lĩnh vực truyền thông - truyền hình cũng từ những nền tảng đã có. Giờ đây M. là trưởng nhóm PR cho một tập đoàn truyền thông nước ngoài.

Không còn theo đuổi những cuộc thi bất tận, không còn là cô hot girl nổi trội ngày xưa, M. sử dụng tầm ảnh hưởng và hệ thống các mối quan hệ của mình vào việc phát triển sự nghiệp truyền thông, quảng cáo - một lĩnh vực vô cùng cần đến hình tượng, danh tiếng rộng rãi, hay nói theo một cách nào đó cũng là sự nổi tiếng.

Một dạng khát khao, 
một mục tiêu sống?

Tâm lý muốn nổi tiếng, muốn được lưu danh, muốn được biết tới vốn là một nhu cầu ít nhiều thuộc bản năng con người. Đặc biệt, trong khuynh hướng muốn khẳng định cái tôi cá nhân và được cộng đồng công nhận bản thể đó như một cái tôi có giá trị, có sức hút, giới trẻ hôm nay càng có nhiều lý do (cả về ý thức, vô thức lẫn trào lưu xã hội) để chịu ảnh hưởng hoặc để bộc lộ tâm lý muốn nổi tiếng.

Cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, các kênh giao lưu, các cách thức xây dựng hình tượng, quảng bá hình ảnh, trình diễn giá trị bản thân (các cuộc thi tài năng, thi nhan sắc, các chương trình truyền hình thực tế, sự bùng nổ của mạng xã hội, các trang tin tức điện tử...), tâm lý muốn nổi tiếng bắt đầu có những diễn biến mới.

Trong thời đại hôm nay, nó không còn tồn tại như một tâm lý phổ quát, mà trên nhiều phương diện đối với một bộ phận giới trẻ, nó đã chuyển hóa thành một dạng khao khát, một dạng mục tiêu sống. Đó là giấc mơ trở thành người - nổi - tiếng, nổi tiếng theo nhiều phương thức khác nhau với nhiều biểu hiện khác nhau.

Cũng như M. trong câu chuyện trên, nhiều người trẻ ngày nay lấy việc gây dựng tên tuổi làm động lực phấn đấu. Tên tuổi đó có thể là nền tảng, đồng thời có thể là bệ phóng, là cơ hội để họ tiến lên những nấc thang cao hơn của sự nghiệp, của hệ quy chiếu xã hội, của thế giới hào nhoáng nơi các celebrity (nhân vật của công chúng) trình diễn và tồn tại.

Tên tuổi đó cũng có thể là kết quả của một loại đam mê, là bảo chứng cho sự phấn đấu, cho giá trị cá nhân, cho tầm ảnh hưởng mà một bản thể lên cộng đồng xã hội. Để rồi người ta có thể sử dụng tên tuổi và tầm ảnh hưởng đó cho nhiều mục đích khác nhau: cơ hội kinh doanh, cơ hội hợp tác - cộng tác, cơ hội nâng cấp công việc, cơ hội thăng tiến...

“Danh tiếng của bạn sẽ làm nên thương hiệu cá nhân cho bạn” - M. cho rằng như thế trong một lần chúng tôi gặp lại. Lúc ấy, M. đã trở thành khách mời trong một chương trình giao lưu định hướng khởi nghiệp - nghề nghiệp dành cho sinh viên.

Theo M., danh tiếng sẽ làm nên thương hiệu cá nhân (personal brand) và từ nền tảng thương hiệu ấy, nhiều cơ hội phát triển sẽ được thu hút về phía đối tượng. Điều đó cũng có thể được hiểu rằng sự thành công của một cá nhân ngày hôm nay được góp phần rất nhiều ở khả năng và cách thức sử dụng thương hiệu bản thân.

Hoặc trên phương diện khác, có thể nói ngay chính sự nổi tiếng tự nó đã là thành công với một số cá nhân. Trong thời đại truyền thông lên ngôi như hiện nay, con đường để tên tuổi lan truyền nhanh chóng, để trong một thời gian cực ngắn hàng loạt người nắm bắt được câu chuyện đó, sự kiện đó ngày càng dễ dàng và đơn giản. Theo đấy, dường như giấc mơ được nổi tiếng, động lực sống tiếng tăm và khao khát tạo dựng thương hiệu cá nhân đã trở nên phổ biến như một xu thế xã hội tất yếu.

Giá nào cho tiếng tăm?

Trong tràn ngập của các kênh truyền thông, các hệ thống mạng xã hội, con người càng dễ dàng bị đặt vào trạng thái khao khát thông tin. Báo chí, phương tiện truyền thông, mạng xã hội cần duy trì và tăng cường lượng độc giả, khán giả; các độc giả, khán giả cũng cần các kênh truyền thông để giải trí, để khuây khỏa, để cung cấp kiến thức mới, để chống lại cảm giác tẻ nhạt và áp lực guồng sống hằng ngày.

Với sự đòi hỏi từ cả hai phía, luồng thông tin càng phải được bổ sung, làm mới, những câu chuyện gây dư luận, những hình ảnh nổi tiếng càng phải được dựng lên liên tục như một cách kích thích gu “thưởng thức” luôn phát triển, luôn muốn nhiều hơn, nhiều hơn nữa của công chúng. Từ đây, một phương diện khác của giấc mơ nổi tiếng càng được tô đậm.

Tức là khát vọng nổi tiếng không chỉ được sinh ra như kết quả cho sự tăng tiến/phát lộ một bản năng tâm lý, không chỉ là bước chuyển hóa cho khuynh hướng khẳng định cái tôi cá nhân, mà còn được tạo tác và di dưỡng bởi nhu cầu xã hội đương đại.

Do vậy, việc xây dựng tiếng tăm có thể (tạm) được phân định theo hai xu thế: (1) nổi danh nhờ sự ủng hộ của dư luận thông qua một năng lực, một cuộc thi, một số thành tố có sẵn (nhan sắc, năng khiếu...) và (2) nổi danh nhờ sự phản ứng/phản đối của dư luận thông qua một sự kiện, một hành vi lệch chuẩn, gây tranh cãi; hoặc cũng có trường hợp hai xu thế này nhập nhằng vào nhau.

Ngày nay, việc các thanh niên nam nữ dựng lên vô số câu chuyện kỳ quặc, giật gân, táo bạo để “một bước nổi tiếng” đã trở nên phổ biến. Rồi cả hình tượng một “chàng hot boy”, một “nàng hot girl” đẹp đẽ, giỏi giang nào đó được truyền thông chụp ảnh rồi viết tin, đưa bài câu khách cũng không còn xa lạ.

Có những người nổi tiếng bất đắc dĩ chỉ vì họ đẹp, họ khác lạ, họ vô tình trở thành “món ngon giải trí” của công chúng; cũng không thiếu những gương mặt đã hết sức phấn đấu vì khao khát một ngày kia tên tuổi sẽ lưu danh rộng rãi, sẽ gầy dựng được thương hiệu cho giá trị bản thân.

Tóm lại, không ít cá nhân đã tự vong thân trong những cuộc chạy đua đánh bóng tên tuổi, đã bán mình cho dư luận và trở thành “món giải trí nổi tiếng” cho công chúng ngấu nghiến; nhưng cũng có những cái tôi đề ra chiến lược tận dụng nhãn hiệu cá nhân và những kênh khuếch đại, thúc đẩy tiếng tăm để đạt được các mục tiêu của mình dễ dàng hơn.

Chỉ biết rằng khát vọng nổi tiếng đang ngày càng tăng tiến như động lực sống của một bộ phận giới trẻ và vấn đề đặt ra cho mỗi cá nhân nói riêng và cho nhận thức cộng đồng nói chung là thật sự thì cái giá nào cần trả và đáng để trả cho giấc mơ danh - phận - tiếng - tăm ấy?
■

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]