Mó nước chữa bệnh ở xứ Mường

Mỗi lúc trong nhà có trẻ con bị đau ốm, nóng sốt, người dân xứ Mường lại đến mó Úi để xin nước về chữa bệnh.

15.586

Bà lang Nguyễn Thị Di (67 tuổi, đồi Bui, xóm Thia, xã Yên Mông, TP Hòa Bình, Hòa Bình), một lang y bốc thuốc có tiếng ở xứ Mường, cho biết, từ bao đời nay mó Úi giống như một vị thần y chữa bệnh cho người dân xứ Mường. “Mó Úi có từ khi nào không ai biết, chỉ biết rằng khi tôi lớn lên đã được ông nội và bố mẹ nói về nước mó Úi chữa được bệnh cho trẻ con”, bà Di nhớ lại.

Giữa trập trùng núi đồi có hàng trăm khe nước, nhưng bà Di cho biết chỉ có nước mó Úi là chữa được bệnh. Mó Úi nằm ngay chính giữa đồi Bui, chỉ tay vào con đường mòn lên mó Úi, bà Di nói: “Cháu nhìn đấy, ngày nào cũng có người lên mó Úi xin nước về chữa bệnh nên mới có con đường mòn như thế này, khoảng 10 năm trước, đây là khu rừng nguyên sinh cây cối um tùm, nhưng bây giờ người ta phá hết để trồng cây keo”.

Mó Úi chỉ rộng chừng 1m2, sâu khoảng 40cm, nước trong vắt, nước từ mó Úi chảy xuôi tạo thành một dòng suối chạy dọc ngay giữa sườn núi. Bao đời nay, vào mùa hè, những mó nước xung quanh cạn khô nhưng nước mó Úi chưa bao giờ cạn. Ngoài có tác dụng chữa bệnh cho trẻ em, mó Úi còn là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân vào mùa khô hạn.

Xung quanh mó Úi có rất nhiều tiền mệnh giá từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng, theo bà Di đấy là tiền người dân đặt lễ xin nước của mó Úi. Chắp tay kính cẩn cúi mình trước mó Úi, bà Di giọng trang nghiêm: “Thưa thần núi, con là người dân xóm Thia, xin thần núi cho con xin ít nước”.

Bà lang Nguyễn Thị Di bên mó nước có tác dụng chữa bệnh.

Bà Di giải thích, từ ngày còn bé, bà được bố mẹ dạy khi đến mó Úi lấy nước uống phải vái lạy xin thánh thần, nếu xin nước về chữa bệnh cho con trẻ thì bỏ vào thêm 2 xu, một hào, bây giờ thì bỏ vào 500 đồng đến 1.000 đồng để xem như lễ vật mua nước. “Đây là tiền của thần núi nên không ai dám lấy, nếu ai không biết lỡ tay lấy thì phải mang trả lại ngay vì con cháu họ sẽ bị ốm đau”, bà Di nói.

Bà Nguyễn Thị Na, một người dân ở xã Yên Mông, nói: “Nước mó Úi chữa bệnh cho trẻ hiệu nghiệm lắm. Đứa cháu nội nhà tôi đêm qua không ngủ khóc cả đêm, sáng nay nóng sốt nên tôi lên mua ít nước về tắm cho cháu”.

Nói rồi bà Na kính cẩn đặt tờ 1.000 đồng vào phiến đá bên mó Úi, vái lạy xin thần núi ít nước để mang về chữa bệnh cho con. “Trẻ con ở đây lớn lên khỏe mạnh là nhờ mó Úi, bất kỳ ai ở đây lớn lên đều ít nhất một lần tắm nước mó Úi chữa bệnh. Cứ mấy bệnh trẻ khóc đêm, ngủ hay giật mình, nóng sốt, ra mồ hôi trộm… chỉ cần xin ít nước mó Úi về tắm là chữa được hết”, bà Na nói thêm.

Đứa cháu nội mới 2 tuổi của bà Na khóc ré lên, người nóng ran. Bà vội bế đứa cháu vào khu nhà tắm rồi đổ nước ra thau rồi từ từ tắm cho cháu. Kỳ lạ thay tắm xong đứa trẻ tươi cười và chơi ngoan ngoãn. Bà giải thích rằng không cần đưa cháu đến viện khám, cháu chỉ khóc với nóng thôi, bệnh này xin nước về tắm cho cháu là được. Bệnh khác mới cần đưa đến bệnh viện.

Ông Nguyễn Văn Muội (83 tuổi), một cao niên trong làng khẳng định: “Trước đây tôi cũng tắm nước mó Úi mấy lần rồi, con tôi cũng tắm, cháu, chắt tôi bây giờ cũng đều tắm hết. Trẻ con ở đây mạnh khỏe là nhờ nước mó Úi cả đấy”.

Kể về mó Úi, ông Muội cất giọng trang nghiêm: “Các cụ cao niên ngày trước kể lại mó Úi đã có từ rất lâu đời. Nước mó Úi khi uống vào có vị ngọt sắc, người dân múc nước mó Úi tắm thấy người khỏe hẳn ra, đặc biệt trẻ con khi tắm vào da dẻ hồng hào, ăn nhiều, ngủ ngon giấc. Từ đó về sau, mỗi lúc con trẻ trong làng nóng sốt, đêm hay khóc, mất ngủ... bà con người Mường truyền tai nhau lên mó Úi đặt lễ để xin nước về tắm”.

Theo bà lang Nguyễn Thị Di, vì thấy nước mó Úi chữa được bệnh nên nhiều người quan niệm là được thần thánh giúp đỡ. Tuy nhiên, bà lang Di lại có cách giải thích khác: “Rừng núi ở bản Mường trập trùng có rất nhiều cây thuốc quý. Có thể mạch nước ở mó Úi chạy qua khu đất có nhiều cây thuốc nên dòng nước ở mó Úi được rễ cây thuốc tiết nước ra hòa vào nguồn nước làm cho nước mó Úi luôn trong vắt, có vị ngọt và chữa được bệnh”, bà lang Di nói.

Sau khi múc nước, người dân đều đặt lại một ít tiền lẻ.

Ông Nguyễn Văn Hồng, trưởng thôn Thia cũng khẳng định, chuyện nước mó Úi chữa được bệnh cho trẻ em là có thật và được lưu truyền ở địa phương từ nhiều đời nay. “Không chỉ người dân địa phương mà người dân ở nhiều nơi khác cũng tìm đến mó Úi xin nước về chữa bệnh cho trẻ. Chúng tôi cũng không biết tại sao nước mó Úi lại chữa được những bệnh đó.

Dù tin tưởng vào nước mó Úi nhưng người dân địa phương cũng không vì thế mà chủ quan, chúng tôi vẫn thường xuyên tuyên truyền và vận động bà con đến trạm xá, bệnh viện để khám chữa bệnh. Rất mong các nhà khoa học đến tìm hiểu, nghiên cứu để sớm giúp người dân tìm ra câu trả lời về tác dụng của nước mó Úi. Biết đâu đây là nguồn dược liệu quý để có biện pháp bảo tồn và sử dụng hợp lý”, ông Hồng cho biết.

Giải thích vì sao phải đặt tiền để xin nước thì nước mó Úi mới có tác dụng chữa bệnh, ông Hồng cho rằng đấy là quan niệm, lời dạy mà cha ông từ đời này truyền lại cho đời khác đến tận bây giờ. Ông Hồng cũng khẳng định, việc đặt tiền lẻ không phải do người dân bày ra lừa người đến xin nước để sau đó đến lấy tiền.

“Theo các bậc cao niên trong làng và ông nội tôi kể lại, nếu đến mó Úi xin nước uống chỉ cần vái lạy rồi xin là được, còn xin nước về chữa bệnh thì bỏ vào mó Úi ít tiền lẻ để làm lễ vật xin thần núi che chở, phù hộ cho, không chỉ người dân các xã khác mà bất kỳ người dân nào trong xóm chúng tôi đến mó Úi đều làm như vậy”, ông Hồng nói.

Bà Ngô Thị Kim Nhung, trạm trưởng trạm y tế xã Yên Mông cũng cho rằng, bà có nghe tin về nước mó Úi chữa được một số bệnh cho trẻ em. Bà và các cán bộ trạm y tế xã cũng đã đến tìm hiểu và xác nhận vấn đề này này. Tuy nhiên theo bà Nhung, nước mó Úi chỉ có tác dụng chữa các bệnh đơn giản như trẻ hay ra mồ hôi trộm, đêm ngủ hay giật mình, nóng sốt…, người dân xin ít nước về tắm hoặc vuốt lên mặt lên người cho trẻ chứ không phải bệnh gì cũng chữa được.

“Rừng núi ở đây có rất nhiều cây thuốc quý, bà con người Mường cũng có rất nhiều kinh nghiệm và bài thuốc quý nhưng chúng tôi vẫn luôn tuyên truyền và vận động bà con đến trạm xá, trung tâm y tế để khám chữa bệnh. Chúng tôi cũng hy vọng các nhà khoa học sẽ nghiên cứu sâu hơn biết đâu sẽ tìm ra được nguồn dược liệu quý từ mó nước này”, bà Nhung cho hay.

Theo Lao Động

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]