Móc túi khách hàng có nghệ thuật

"2.500 đồng một lạng hành khô, thôi mở hàng chị bán rẻ cho em 10.000 đồng 4 lạng nhé" - nghe giọng đon đả của cô bán hàng, chị Hạnh chẳng buồn nhẩm tính, móc ví ra tờ 10.000 đồng mới cứng để trả.

0

Nghĩ rằng mua được hàng rẻ, chị Hạnh tranh thủ mua thêm vài món đồ nữa, trước khi rời gánh hàng khô để chuyển sang cửa hàng khác.

Đi được một đoạn chị Hạnh mới bắt đầu nhẩm tính: một lạng hành khô giá 2.500 đồng, 4 lạng giá 10.000 đồng. Vậy là giá vẫn giữ nguyên, chị chẳng giảm được một đồng nào. Tương tự số tỏi khô, chanh, ớt và 2 gói mì chính chị vừa mua nếu tính chi ly ra thì giá còn bị đội lên vài nghìn. Nghĩ rằng số tiền chênh lệch không nhiều nên chị Hạnh chỉ chép miệng coi như mình sơ ý.

Thế nhưng vài tuần sau, cũng tại chợ Nam Đồng, Hà Nội chị lại rơi vào tình huống tương tự, chỉ khác là địa điểm lần này lại là cửa hàng thịt. Chị Hạnh đặt mua nửa cân thịt lợn thăn (500 gram) giá 30.000 đồng. Miếng thịt khá vuông vắn được đưa lên bàn cân, cô bán hàng cười trừ vì lỡ tay khi cắt tới 550 gram. "Thôi chị bán hữu nghị cho em, 550 gram vừa tròn 40.000 đồng nhé", cô chủ quán nói.

Sẵn có 5.000 đồng trong túi, chị Hạnh cũng chẳng căn vặn nhiều rút tiền ra trả cho số thịt vừa mua. "Cũng như lần trước, về đến nhà tôi mới biết mình bị hớ vì mua hàng đắt hơn bình thường. Ức nhất là vừa bị người bán xỏ mũi mà vẫn cứ xuýt xoa cảm ơn", chị Hạnh nói.

Trên thực tế, việc các chủ hàng thịt bán hàng quá số lượng khách yêu cầu diễn ra khá phổ biến. Ai cũng hiểu đây là hình thức "bắt chẹt" người mua một cách có nghệ thuật, thế nhưng các bà nội trợ thường chép miệng: Thôi thì mua thêm một chút cũng chẳng sao. Hiếm khi có người nào đó nằng nặc đòi trả lại hàng.

Cô Bình ở Đoàn Thị Điểm - Hà Nội thường mua hàng ở chỗ người quen nên cô dường như tin tuyệt đối vào giá cả và số lượng. Thế nhưng khi bình tĩnh mà nhớ lại thì cô mới thấy rằng chưa lần nào cô mua hàng mà được bán đúng số lượng yêu cầu. Thường thì bị đội lên vài gram và giá tiền theo đó cũng bị tính tăng thêm vài nghìn đồng.

Chị Quỳnh Chi, nhân viên một công ty truyền thông ở Hà Nội cũng gặp phải tình huống tương tự khi mua cá hộp và một ít bánh kẹo tại siêu thị. Các hộp cá này được dính lại với nhau thành từng cặp và cũng chỉ đề một giá 11.200 đồng. Các hộp bánh cũng được kẹp theo từng đôi và đề giá 25.000 đồng. Chị mua liền 3 hộp cá (6 hộp) và 2 hộp bánh (4 hộp) và ra quầy tính tiền. Thấy giá tiền bị đội lên khá cao chị mới kiểm tra lại hóa đơn. Lúc này chị mới vỡ lẽ, những hộp bánh kia tuy được kẹp thành đôi niêm yết một giá. Giá này được tính cho từng hộp bánh.

"Khi tôi thắc mắc thì nhân viên siêu thị giải thích là họ làm vậy cho tiện, còn khách hàng mua phải lưu ý vì không bao giờ hai hộp bánh giá tiền chỉ có thế. Tức mình tôi trả lại hàng và yêu cầu siêu thị tính tiền với đúng lượng hàng mà tôi định mua", chị Chi kể.

Một số siêu thị, trung tâm mua sắm ở Hà Nội hiện áp dụng cách thức bày hàng theo từng đôi, từng cụm nhưng lại quên niêm yết giá bán cho từng chiếc. Kết quả là người mua nhầm rằng giá này được tính cho hai cái đến khi nhìn hóa đơn họ mới vỡ ra rằng: Ở siêu thị chẳng bao giờ có cái giá bèo như vậy.

Ở những cửa hàng, trung tâm mua sắm khác lại áp dụng các chiêu tiếp thị: ''Mua 1 tặng 1'' thậm chí ''tặng 2 - 3''. Tất, đồ lót, giày... là những mặt hàng được các ông bà chủ sử dụng hình thức kinh doanh này. Một đôi tất Trung Quốc ngày thường bán giá 3.000-4.000 đồng một đôi nhưng dịp Tết được gắn biển ''mua một tặng một'' nhưng giá đã tăng lên 5.000-7.000 đồng một cặp (gồm 4 chiếc). Tính ra giá mỗi đôi là 2.500-3.500 đồng (giảm 500 đồng) nhưng bù lại họ đã bán được 2 đôi một lúc. Lại có cửa hàng không khuyến mãi mà ''ép'' khách bằng cách: phải mua 2 đôi một lúc mới có giá 5.000 đồng.

Nhiều người tiêu dùng đã thất vọng khi vào cửa hàng có treo biển giảm giá. Những đồ giảm giá chỉ là rất ít và đồ đó gần như là hàng cũ, bụi bẩn và không đáng để bày bán. Còn cái lẽ riêng của người bán lại là: Phải làm thế mới kéo được người mua, biết làm sao được khi mà hàng hoá thì nhiều mà người mua thì ít...

Một cán bộ của cơ quan quản lý thị trường Hà Nội cho rằng bất kể vào thời điểm nào, ở đâu thì người tiêu dùng cũng cần phải tự bảo vệ mình bằng cách xem kỹ giá niêm yết và chất lượng hàng. Cuối năm là thời điểm hàng lậu, hàng nhái đổ về nhiều nhất. Các cửa hàng tư nhân, không tên tuổi là nơi chứa chấp hàng giả. Để bán được hàng, họ phải đưa ra các kiểu khuyến mãi, giảm giá, vì thế người mua ham rẻ mà mua phải hàng dởm.

Hàng hoá tại các trung tâm thương mại, siêu thị cũng không phải là tất cả đều đảm bảo. Có siêu thị chào mời khách hàng bằng việc giảm giá các mặt hàng song thực chất những hàng giảm giá đó là hàng đã hết date hoặc cận date, hàng lỗi, hàng có mẫu mã bị rách, bẹp, hàng ế lâu ngày khó tiêu thụ...

Phan Linh Anh

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]