Món ăn bài thuốc: Bồ câu, đầu cá hầm thuốc trị viêm mũi dị ứng

(Emdep.vn) - Tiết trời hanh khô kèm lạnh của mùa đông là một trong những tác nhân khiến căn bệnh viêm mũi dị ứng xuất hiện hoặc tái phát ở nhiều người. Theo Đông y, viêm mũi dị ứng là do phế hư nhược hoặc phong tà xâm nhập.

15.621
Điều trị dứt điểm viêm mũi dị ứng không phải là điều dễ dàng, nhất là đối với những người bị viêm mũi mạn tính. Sau đây, xin giới thiệu cùng quý bạn đọc 2 bài thuốc điều trị căn bệnh này và một vài món ăn bài thuốc tốt cho những bệnh nhân đang mắc chứng viêm mũi dị ứng trong mùa đông này.
Bài thuốc Đông y
Đối với những người thường xuyên bị nghẹt mũi, hắt hơi, họng khô, lưỡi đỏ, mạch sác nên dùng bài thuốc thanh nhiệt tuyên phế gồm: Tân di 4g, Sơn chi 6g, Bách hợp 4g, Tri mẫu 6g, Tỳ bà diệp 3 lá, Hoàng cầm 6g, Mạch môn 12g, Thạch cao 12g, Cam thảo 4g và Thăng ma 4g. Tất cả cho vào ấm sắc uống ngày 1 thang.
Những người mũi đau căng ngứa, hắt hơi liên tục, nghẹt mũi, chảy nước trong, ho hen, mệt mỏi, sợ gió, ra mồ hôi, lưỡi nhạt, ăn kém nên áp dụng bài thuốc bổ phế cố biểu gồm: Bạch truật 8g, Phòng phong 8g, Hoàng kỳ 24g, Cam thảo 6g. Tất cả mang tán thành bột rồi sắc uống ngày 1 thang.
      
Những người đã mắc viêm mũi dị ứng mạn tính thường có 2 thể là phong hàn ngoại cảm và phong nhiệt uất kết. Người mắc phong hàn ngoại cảm thường có mũi sưng đỏ nhạt, hay chảy nước mũi, hắt hơi, phát sốt, sợ lạnh, đau nhức mình mẩy, rêu lưỡi trắng mỏng, không ra mồ hôi. Trong khi đó, người mắc phong nhiệt uất kết cũng có mũi sưng đỏ nhưng nóng và ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi đặc, đau đầu, ho hen, rát họng, khát nước, phát sốt, rêu lưỡi vàng và bệnh khi nặng khi nhẹ.
Bài thuốc cho người mắc phong hàn ngoại cảm gồm: Bán hạ 6g, Sa sâm 8g, Đại táo 5 quả, Cát căn 10g, Tiền hồ 10g, Phục linh 8g, Trần bì 8g, Chỉ xác 8g, Cam thảo 6g, Sinh khương 5 lát, Mộc hương 6g, Cát cánh 8g và Tô diệp 10g. Tất cả mang sắc uống ngày 1 thang.
Người mắc chứng phong nhiệt uất kết cần áp dụng bái thuốc với 5g Cam thảo, 8g Cát cánh, 6g Ngưu bàng, 6g Liên kiều, 12g Kinh giới, 6g Lá tre, 8g Đậu cổ. Tất cả sắc uống ngày 1 thang.
Món ăn bài thuốc
 
    Lương y Vũ Quốc Trung
Các vị thuốc trên cũng có thể kết hợp để chế biến các món ăn hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng ngày đông. Đây là những món ăn không khó chế biến với các nguyên liệu dễ tìm từ các vị thuốc đông y cùng thực phẩm sẵn có hàng ngày.
Món ăn 1: Chim bồ câu hầm thuốc
Để thực hiện món ăn này, cần chuẩn bị 1 con chim bồ câu, 60g Hoàng kỳ, 12g Đại táo, 9g Bạch truật, 9g Tân di, gừng tươi và các gia vị khác. 
Làm sạch lông chim, bỏ nội tạng và cắt thịt chim thành miếng vuông, đại táo bỏ hạt, tân di gói trong túi vải sạch, các vị thuốc còn lại và gừng tươi rửa sạch, thái nhỏ. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi hầm trong khoảng 1 tiếng. Sau đó nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi nhấc xuống. 
Đây là món ăn bài thuốc rất tốt cho những người vừa bị viêm mũi dị ứng lại có thể trạng yếu. Nên ăn khi còn nóng.
Món ăn 2: Đầu cá hầm thuốc
Chuẩn bị đầu cá bỏ mang, 12g Bạch chỉ, 12g Tân di, 3g Tế tân, gừng tươi và gia vị. Rửa sạch đầu cá, tân di gói trong túi vải, bạch chỉ và tế tân rửa sạch, gừng tươi thái nhỏ. Cho tất cả vào nồi hầm đến khi nhừ cá rồi nêm nếm gia vị là được. 
Đây là món ăn bài thuốc giúp tán hàn, thông mũi. Nên ăn khi còn nóng và không để qua ngày.
Ngoài hai bài thuốc và món ăn bài thuốc trên, người bệnh nên rửa mũi thật sạch bằng nước muối loãng hàng ngày. Sau đó, giã tỏi lấy nước rồi hòa với mật ong rồi dùng bông nhúng vào dung dịch vừa thực hiện chấm vào mũi, ngày làm 3 lần, liên tục trong 1 tuần để chóng khỏi bệnh.
Lưu ý: Người bị viêm mũi dị ứng tránh uống nước đá hoặc các loại nước ép, sinh tố có đá vì sẽ ảnh hưởng đến niêm mạc vùng hầu họng và đường hô hấp. Đồng thời, cũng nên hạn chế dùng bơ, sữa, rượu, bia, cà phê hay các loại nước có ga, có chất kích thích để tránh hiện tượng trào ngược khí ra khỏi dạ dày dẫn lên mũi.
Tư vấn bởi lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Đông y chùa Cảm Ứng Hà Nội)
Tâm Trí
(ghi)
(Theo Congluan.vn)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]