Món ăn, bài thuốc chữa trị ho

Theo Đông y, ho gồm hai loại là ho ngoại cảm và nội thương. Ho ngoại cảm phần nhiều do phong hàn và phong nhiệt qua bì mao (da lông) hay mũi đi vào phổi gây ra, ho nội thương thì phân biệt do tỳ hư, thận hư, phế hư gây ra.

15.6261
>
>
 
Điều trị chứng ho trước tiên cần tìm rõ nguyên nhân, phân biệt rõ chứng hư thực (ngoại cảm là chứng thực, nội thương thuộc chứng hư),thì việc chữa bệnh mới mang lại hiệu quả. PNO giới thiệu một số món là bài thuốc hỗ trợ điều trị chứng ho:

Canh cuống cà tím: Cuống cà tím phơi khô vừa đủ, cho vào nồi thêm nước sắc, dùng cho ho mãn tính.

Khoai môn trộn mật ong: Khoai môn vừa đủ xay nhuyễn, thêm mật ong một ít, dùng nước đun sôi trộn lẫn, uống ngay lúc nóng, dùng cho ho mạn tính.

Trà gừng đường mật nha: Nước gừng tươi ½ muỗng, đường mạch nha 1 muỗng, đổ vào trong ly pha với nước sôi, rất thích hợp cho người cao tuổi ho mạn tính.
 

Canh mè – nhân hạt mơ: Mè 12g, hạnh nhân (nhân hạt mơ) 10g, hai thứ cùng giã nhuyễn cho vào chén, uống với nước đun sôi để nguội, ngày 2 lần, dùng cho chứng ho lâu ngày.

Nấm mèo đen tiềm đường phèn: Nấm mèo đen 15g, đường phèn 15g, nấm mèo đen rửa sạch để ráo, đường phèn giã nhuyễn, hai thứ cùng cho vào nồi tiềm cách thủy, dùng cho chứng ho lâu ngày.

Chè đậu phộng – đại táo – bạch quả: Bạch quả 30g, táo đen 30g, đậu phộng 30g, tất cả cho vào nồi thêm nước nấu. Nêm đường phèn, dùng cho chứng ho lâu ngày.

Chuối tiềm đường phèn: Chuối 1-2 quả, lột vỏ, đường phèn một ít, cho vào nồi thêm nước để tiềm. Ngày 1-2 lần, dùng liền vài ngày, dùng cho chứng ho lâu ngày. 

Chè bạch quả – long nhãn: Long nhãn 12g, bạch quả 10g, đường trắng 15g, tất cả cho vào nồi thêm nước nấu, dùng cho ho khàn tiếng.

Lê tiềm mật ong: Lê 1 quả, rửa sạch cả vỏ, thái nhuyễn, cho vào nồi thêm nước và đường phèn để tiềm, dùng cho chứng ho khàn tiếng.

Hồng khô nấu mật ong: Hồng phơi khô 3 quả, cho vào nồi thêm nước nấu chín, nêm một ít mật ong, tiếp tục nấu sôi, uống ngay lúc nóng, dùng cho chứng ho do cảm gây ra.

Củ mài tiềm nước mía: Củ mài tươi vừa đủ, gọt vỏ rửa sạch, thái nhỏ giã nhuyễn; mía gọt vỏ, rửa sạch, chẻ nhỏ, cán lấy ½ ly nước. Hai thứ trộn đều, tiềm uống. Ngày 2 lần, dùng chứng ho đàm do cảm gây ra.

Lê nấu gừng tươi: Lê 1 quả, rửa sạch thái nhuyễn, gừng tươi 5 lát, hai thứ cùng cho vào nồi thêm nước nấu, uống ấm, dùng cho chứng ho nặng do cảm gây ra.

Quả trám tiềm đường phèn: Quả trám (cà na) 20 quả, cho vào chén thêm đường phèn rồi tiềm cách thuỷ. Dùng liền 3 lần cho ho gà.

Cà rốt – quả hồng tiềm đường phèn: Quả hồng khô 2 quả, cà rốt 50g, hai thứ riêng biệt thái nhuyễn, cùng cho vào 1 tô thêm đường phèn 15g, tiềm chín. Ngày 1 lần, dùng cho ho gà.

Hạt bí đao hãm đường đen: Hạt bí đao 15g, thêm đường đen vừa đủ, giã nhuyễn, hãm nước sôi uống. Ngày 2 lần, dùng cho ho gà.

Mè đen rang nước gừng: Gừng tươi vừa đủ, giã nhuyễn vắt lấy nước (bỏ bã), mè đen 250g, rang chung; hoặc dùng mật ong 20g, đường phèn 20g, cùng mè đen trộn đều. Mỗi lần dùng 1 muỗng, dùng sáng và chiều, cho người cao tuổi ho suyễn.

Cà pháo nấu mật ong: Cà pháo sống 50g, rửa sạch, cho vào nồi thêm nước nấu, bỏ bã, nêm mật ong vừa đủ, tiếp tục nấu sôi, uống lúc ấm. Ngày 2 lần, rất thích hợp cho người cao tuổi bị ho.

Quả óc chó nấu rượu: Hạch đào nhân (quả óc chó) 100g, giã nhuyễn, đường trắng 50g, rượu đế 150ml, tất cả cho vào nồi nấu sôi bằng lửa mạnh, chuyển lửa nhỏ nấu giây lát, uống ấm. Ngày 1-2 lần, ngày 1 thang, dùng liền 10 ngày, chữa chứng ho hư hàn (ho lâu ngày do lạnh).

Lê tiềm mật ong: Lê 1 quả, rửa sạch bỏ hột, đổ vào mật ong, đậy kín, tiềm chín. Dùng trước khi đi ngủ, tốt cho chứng ho do hư hỏa gây ra.

                                                                                           Theo Lương y Bàng Cẩm
Phụ nữ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]