Món ăn cực tốt cho người bị bệnh mất ngủ

(GDVN) - Một số món ăn có tác dụng an thần, có ích cho người mất ngủ và đem lại một giấc ngủ ngon cho những người lao động trí óc, thường xuyên bị căng thẳng tâm trí.

15.6046
1. Cháo thịt nạc (phục thần - viễn chí)

Thịt lợn nạc 150g, gạo tẻ 100g, phục thần 15g, viễn chí 12g, gia vị, rau thơm vừa đủ. Phục thần và viễn chí sắc kỹ lấy nước bỏ bã, thịt nạc rửa sạch thái miếng. Lấy nước thuốc cùng gạo vo sạch và thịt nạc hầm thành cháo, cháo chín nêm gia vị, hành rau thơm ăn nóng trong ngày.

Công dụng: phục thần bổ tâm an thần; viễn chí bổ trí não; thịt nạc và gạo bổ tỳ dưỡng tâm huyết. Các vị hợp lại có công năng dưỡng tâm, an thần, bổ não. Phù hợp với người mất ngủ kéo dài, tim hồi hộp, khí huyết lưỡng hư, người cao tuổi bị bệnh mạn tính kéo dài, cơ thể suy nhược, tâm và tỳ đều suy yếu.
 
Cháo thịt nạc, phục thần, viễn chí tốt cho người mất ngủ kéo dài, tim hồi hộp, cơ thể suy nhược.

2. Cháo vịt (hoàng liên, sinh địa, lá tre)

Gạo tẻ 100g, thịt vịt 300g, hoàng liên 10g, sinh địa 10g, lá tre 10g, gia vị, rau thơm vừa đủ. Thịt vịt chặt miếng to. Hoàng liên, sinh địa, lá tre cho vào nồi sắc kỹ lấy nước bỏ bã. Thịt vịt cùng gạo và nước thuốc cho vào nồi hầm thành cháo, khi cháo chín cho gia vị, rau thơm chia ăn 2 lần trong ngày (món này không dùng ớt và hạt tiêu bắc).

Công dụng: thịt vịt bổ âm; hoàng liên, sinh địa, lá tre tả tâm hỏa. Các vị hợp lại có tác dụng bổ thủy chế hỏa. Phù hợp cho người bệnh âm hư hỏa vượng, ngũ tâm phiền nhiệt, ù tai, hay quên, lưỡi đỏ, mắt đỏ, rạo rực, không ngủ được, tim hồi hộp, nam giới dễ bị xuất tinh sớm.

3. Cháo gan lợn (đan bì - chi tử)

Gạo tẻ 100g, gan lợn 100g, đan bì, chi tử, sài hồ mỗi vị 12g, gia vị rau thơm vừa đủ. Gan lợn rửa sạch thái miếng mỏng; đan bì, chi tử, sài hồ cho vào nồi sắc kỹ lấy nước bỏ bã. Cho gạo cùng với nước thuốc vào nồi nấu thành cháo, cháo chín kỹ cho gan lợn vào đun sôi thêm một lát là được, nêm gia vị, rau thơm. Ăn 2 lần trong ngày.

Công dụng: đan bì, chi tử thanh can bình can; sài hồ thanh nhiệt, giải nhiệt độc, lợi gan mật, giải uất; gan lợn bổ gan mật. Các vị hợp lại có tác dụng giải uất, thanh nhiệt nhuận khí, cải thiện chức năng gan mật. Phù hợp với người bị can khí uất kết với biểu hiện: đau tức hạ sườn phải, hay cáu gắt, mắt đỏ, miệng đắng, tiểu vàng, da sạm, đại tiện táo kết, trằn trọc ít ngủ. Nên dùng 3 - 4 lần/ tuần.

4. Canh tim lợn

Tim lợn 1 cái, bổ đôi rửa sạch cho vào nồi đun cùng với 15g toan táo nhân, 15g phục linh, 5g viễn chí. Đun to lửa đến khi sôi, vớt bỏ bọt rồi vặn nhỏ lửa đun cho tới khi chín là dùng được.

Có tác dụng: bổ huyết, dưỡng tâm, ích can, định thần, điều trị chứng tâm can huyết hư dẫn đến tâm quý, không yên, mất ngủ, ngủ mê nhiều, trí nhớ giảm sút...


5. Canh long nhãn (liên tử)

Long nhãn 20g, liên tử 30g, bột ngó sen 50g. Rửa sạch liên tử đun chín rồi thêm long nhãn đun nhỏ lửa cho tới khi liên tử chín nhuyễn thì cho bột ngó sen đã hòa với nước lạnh vào quấy đều cho tới sôi là được.

Tác dụng: dưỡng tâm, kiện tỳ, ích khí huyết, an thần. Thích hợp với bệnh nhân tâm tỳ hư, suy nhược thần kinh, mất ngủ ngày dùng 2 lần sáng, chiều.

6. Cơm canh thiên ma

Thiên ma 5g, thịt gà 25g, măng tây, cà rốt 50g, nấm hương, khoai sọ vừa đủ, gia vị. Ngâm thiên ma khoảng 1 giờ cho mềm, thái nhỏ ninh nhừ, thêm thịt gà băm nhỏ, cà rốt, măng tây, nấm hương, khoai sọ thái con chì cho vào ninh chín thêm gia vị vừa đủ vào là được, ăn cùng cơm ngày 1 lần.

Tác dụng: kiện não, cường thân, trấn kinh, an thần, phù hợp với các chứng hay đau đầu, hoa mắt, ngủ ít, hay mê, hay quên.

7. Cháo hạt sen

Hạt sen 100g nấu cháo với thịt heo nạc 100g + gạo nếp 50g, nêm gia vị để ăn.

Tác dụng: Thường dùng chữa cơ thể suy nhược, ăn uống kém, mất ngủ.

8. Canh mộc nhĩ

- Linh chi: mộc nhĩ đen 15g, mộc nhĩ trắng 6g, nấm linh chi 6g, táo tàu 30g, gừng 2 – 3 lát, nấu với 750ml nước cho chín nhừ, chia hai lần dùng trước bữa ăn.

- Hạt sen: mộc nhĩ đen 30g, hạt sen 30g, táo tàu 20g. Nấu với 750ml nước đến khi hạt sen chín mềm là được. Có thể thêm mật ong hoặc đường phèn để dùng vào buổi chiều, tối.

Tác dụng dưỡng huyết, thông mạch, ích khí, cầm máu, an thần, ăn nhiều thì thân thể nhẹ nhàng, trí nhớ tốt, chữa mất ngủ.

9. Canh chua rau nhút

Rau nhút rửa sạch, cắt khúc ngắn, cho vào nồi canh chua các loại cá đồng (trê, rô, lóc…) cùng với các loại rau khác. Ngoài ra, có thể chế biến trà rau nhút bằng cách: rau nhút (khô) 30g, lá sen 10g, lá vông 12g, lạc tiên 12g. Nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia hai lần uống trước bữa ăn. 

Tác dụng hoà tạng phủ, lợi trường vị, mát gan, mạnh gân cốt, giải nhiệt độc, an thần, lợi tiểu. Rau nhút được xem là loại rau chữa mất ngủ có hiệu quả tốt, làm cho giấc ngủ được êm và sâu hơn.


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]