Món ăn tinh thần cho trẻ em dịp 1/6: Nhàm, nhạt và cũ!

GiadinhNet - Cứ đến dịp Tết thiếu nhi (1/6), các đơn vị biểu diễn nghệ thuật lại “trung thành” tung ra nhiều vở kịch, xiếc, trò chơi… nhằm mang lại niềm vui cho các “thượng đế nhí”. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu vui chơi – giải trí của đối tượng thiếu nhi đang ngày càng tăng cao thì chất lượng của các vở diễn lại đang dần trở nên nghèo nàn, cũ kỹ và nhạt nhẽo!

0

Xuân Bắc – Tự Long đã quá “nhẵn mặt” với khán giả nhí. Ảnh: TL

 
Nhiều mà vẫn thiếu

Ngày 1/6 năm nay, các chương trình vui chơi – giải trí dành cho thiếu nhi khá phong phú như kịch, xiếc, ca nhạc, triển lãm tranh, trò chơi thực tế... Trong các “món ăn” kể trên, kịch và xiếc vẫn luôn là sự lựa chọn của trẻ.

Về kịch, đáng chú ý hơn cả là vở “Bí mật chuyện kể phần 2 – Âm mưu của Đại Ma Vương” do nhóm Xuân Bắc – Tự Long – Thành Trung dàn dựng, công diễn từ 28/5 đến 1/6, tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội). Vở kịch kể về giấc mơ của một học sinh hư bị mẹ mắng, bỏ đi, lọt vào hang ổ của một bọn quỷ. Trong lúc nguy hiểm, mẹ cậu bé đã đi tìm và giải cứu cho cậu nhưng lại bị bọn Ma Vương bắt. Sai lầm này đã khiến cậu và mẹ rơi vào nguy khốn… Cậu bé tỉnh dậy biết rằng đó là giấc mơ và nguyện chăm ngoan, nghe lời mẹ.

“Hoàng tử gấu và hạt đậu thần” nằm trong seri chương trình “Ngày xửa, ngày xưa” do Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) và sân khấu Idecap TPHCM hợp tác dàn dựng, công diễn từ 30/5 đến 1/6. Vở kịch là câu chuyện xảy ra tại vương quốc Nụ Cười, nơi gia đình đức vua, gồm vua cha, hoàng hậu, công chúa Hoa Hồng và hoàng tử Hướng Dương đang sống với nhau rất hạnh phúc. Mọi chuyện chỉ bắt đầu khi một ngày nọ, công chúa Hoa Hồng vì nghe lời xúi giục của phù thủy Chồn Hôi, nên đã dùng điều ước do bà tiên ban tặng để biến hoàng tử Hướng Dương thành một chú gấu...

“Những điều ước thần kỳ” dựa trên câu chuyện cổ tích nổi tiếng: “Công chúa Lọ Lem” do NSƯT Minh Vượng viết kịch bản, NSƯT Thúy Mùi làm đạo diễn, các nghệ sĩ Nhà hát chèo Hà Nội diễn. Vở kịch diễn từ 25/5 đến 1/6 tại Rạp Đại Nam, mỗi ngày trình diễn 6 suất (sáng 2 suất, chiều 2 suất và tối 2 suất). Vở kịch kể về câu chuyện cô bé Lọ Lem với cái kết là lòng tốt và sự chăm chỉ đã được đền đáp khi bà Tiên ban cho cô phép màu lấy được Hoàng Tử và sống sung sướng.

Theo NSƯT Chí Trung, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, những năm trước, các chương trình phục vụ thiếu nhi thường trông chờ vào sự tự phát của một số ông bầu và chỉ diễn trong khoảng thời gian nhất định. Nhà hát đã có hơn 70 chương trình dành cho thiếu nhi, tuy nhiên chỉ 1/3 trong đó là các vở diễn còn phần lớn là các chương trình tạp kỹ.
 
Cổ, cũ và nhạt

Một điểm chung dễ nhận thấy là trong 3 năm trở lại đây, hầu hết các vở kịch dành cho thiếu nhi đều được dàn dựng bằng một công thức rất cổ, cũ và nhạt. Cổ thể hiện ở việc các vở kịch không thoát được khỏi khuôn mẫu của những tác phẩm văn học thuộc thể loại truyện cổ tích, huyền thoại hay truyền thuyết nổi tiếng của thế giới và Việt Nam. Những câu chuyện này hoàn toàn không mới bởi đa số các em đều đã được nghe cô giáo hoặc mẹ kể, được đọc sách truyện tranh, được xem trên tivi dưới dạng phim hoạt hình…

Bên cạnh đó, các nghệ sỹ tham gia trong các vở kịch cũng là những gương mặt cũ mà chỉ cần nhắc tên là nhiều em đã hình dung ra họ. Xuân Bắc, Tự Long không chỉ “nhẵn mặt” trên sóng truyền hình mà còn rất “nhẵn mặt” ở các sự kiện dành cho các bé thiếu nhi với vai trò MC hoặc diễn viên. Riêng NSƯT Minh Vượng và NSƯT Thành Lộc thì lại càng quen thuộc bởi đã nhiều năm nay cả hai đều góp mặt chủ yếu trong các vở kịch thiếu nhi. Đấy là chưa kể đến dàn diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ với những gương mặt cũ như: NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Đức Khuê, Bá Anh, Tuấn Anh, Đàm Hằng… cũng rất quen thuộc với các bé.

Cũng vì đề tài cổ, các diễn viên cũ với lối diễn xuất quen thuộc… nên dù đạo diễn hay nhà tổ chức đã cố biến hóa, nhào nặn… vở kịch theo một kiểu cách mới thì cũng không thể tránh khỏi được sự nhàn nhạt. Bởi quanh đi quẩn lại, các nghệ sỹ cũng chỉ có ngần đó cách pha trò, ngần đó cách tung hứng, ngần đó cách truyền tải thông điệp… Trong khi đó, trình độ nhận thức của con trẻ trước một vấn đề đã hoàn toàn khác trước. Nhiều trẻ không dễ dàng chấp nhận sự vô lý hoặc phi thực tế của bất kỳ một câu nói hay tình tiết nhỏ nào trong câu chuyện.

Chị Lê Thị Diễm Trinh ở Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, cứ đến dịp 1/6 là cả vợ chồng chị đều tìm đến các diễn đàn dành cho các bậc làm cha làm mẹ để tham khảo ý kiến của các bậc phụ huynh về việc chọn món quà tinh thần nào tặng con. Nếu những năm trước, đa số các phụ huynh đều lựa chọn “kịch” hoặc “xiếc” thì 2 năm nay xu hướng này dịch chuyển đến các trò chơi thực tế ở các công viên nước hoặc ngày hội sức khỏe. Theo chị Trinh, kịch đang bị rơi vào một lối mòn cũ kỹ, không có nhiều cái mới; xiếc thì cũng quanh quẩn ngần đầy trò xiếc thú, xiếc kịch… trong khi những trò chơi thực tế bây giờ rất phong phú và bổ ích. Chúng giúp con trẻ được trải nghiệm với thực tế, nhanh nhạy hơn và có tính gắn kết cộng đồng cao.

Nghệ sỹ Xuân Bắc cũng từng thừa nhận: “Sự chuyên nghiệp ở ta hầu như không có, chuyên nghiệp cho thiếu nhi càng ít hơn”.
 
“Trẻ con luôn thích cái mới mà cứ bắt chúng “dùng” mãi một thứ cũ là chúng chán ngay. Tư duy con trẻ bây giờ cũng nhạy bén lắm, chúng ưa khám phá và thích những điều thực tế vì thế người lớn cũng phải thay đổi tư duy để đáp ứng. Đừng nghĩ đi diễn nhiều năm, nắm bắt được tâm lý con trẻ là sẽ khiến chúng thích thú đâu nhé! Kịch hay xiếc hay bất kỳ trò chơi nào cũng phải phù hợp với xu hướng thời đại, nhất là trong thời kỳ số hóa và Internet bùng nổ như hiện nay”.
 
(PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn)
 
Khánh Toàn
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]