Mòn răng và cách chữa trị

Mòn răng cơ học và mòn răng hóa học là hai loại tổn thương, trong đó phần mô răng bao bọc phía ngoài, tức men răng, bị bào mòn. Đôi khi nó cũng tổn thương mô răng sâu hơn.

15.5789

Đọc E-paper

Mòn răng cơ học gây ra bởi sự cọ xát răng. Chải răng quá mạnh là nguyên nhân phổ biến gây nên mòn răng cơ học. Dùng tăm xỉa răng không đúng cách cũng gây nên hiện tượng này.

Mòn răng hóa học là do những chất hóa học, điển hình là axit gây nên. Thông thường axit có trong nước ép cam, chanh, nước khoáng, nước ngọt có gaz hoặc các loại thức ăn khác.

Chứng trào ngược dịch vị dạ dày lên miệng cũng có thể gây nên sự mòn răng. Ngay cả sự tiếp xúc thường xuyên với Clo và các hoá chất khác trong bể bơi cũng có thể dẫn đến hiện tượng này.

Ngoài ra, bất cứ loại thuốc nào có pH axit như viên vitamin C nhai, viên aspirin nhai cũng có thể gây mòn răng khi tiếp xúc thường xuyên với bề mặt răng.

Triệu chứng

Mòn răng cơ học do đánh răng có thể dẫn đến những rãnh khuyết hình chữ V ở 1/3 cổ răng, gần đường viền nướu. Nó cũng có thế xảy ra với mặt nhai của răng.

Những tổn thương mòn răng do dùng tăm xỉa răng thường xảy ra giữa các răng. Mòn răng hóa học có biểu hiện khác với mòn răng cơ học. Mòn răng hóa học để lại bề mặt nhẵn vùng mô răng ngoài cùng.

Cả mòn răng hóa học và mòn răng cơ học đều làm tăng nhạy cảm với thức ăn, đồ uống ngọt, nóng hoặc lạnh. Diễn tiến xấu hơn nếu ngà răng bên trong men răng bị lộ ra.

Ngà răng bảo vệ cấu trúc bên trong của răng; tủy răng, chứa thần kinh và mạch máu, nếu sự mòn răng này không được điều trị sẽ dẫn đến áp xe và mất răng. Cả mòn răng cơ học và mòn răng hóa học đều ảnh hưởng đến bề ngoài của răng.

Chẩn đoán

Để phát hiện mòn răng cơ học hay mòn răng hóa học, bạn nên đến nha sĩ. Đôi khi nó được chẩn đoán sau khi răng xuất hiện hiện tượng nhạy cảm với nhiệt độ hoặc thức ăn ngọt. Đầu tiên nha sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân gây nên mòn răng, từ đó có phương pháp điều trị cần thiết để chấm dứt triệu chứng.

Thông thường, răng hàm có thể bị mòn ở các hố rãnh mặt nhai hoặc mặt trong, ngoài. Mặt nhai thường mòn tạo hình chén hoặc miệng núi lửa, khi mòn nhiều thì ở giữa thường có màu vàng sẫm (màu ngà răng) xung quanh có viền trong (bờ men răng).

Răng cửa hay mòn ở rìa cắn do thói quen cắn đinh ghim, nắp chai... Mòn ở mặt trong răng thường gặp do hay bị nôn và mặt ngoài do tiếp xúc với bụi hoặc hơi nước có axít.

Cổ răng cửa và răng hàm có thể bị mòn thành khía rãnh có hình chữ V ở mặt ngoài, gây nên ê buốt và có thể gây viêm tủy răng. Đối với người dùng bàn chải điện, cũng có kiểu mòn răng điển hình, có khuyết hình tròn trên bề mặt răng do không di chuyển bàn chải đến các vị trí trong quá trình chải răng.

Phòng ngừa

Để phòng tránh mòn răng cơ học và mòn răng hóa học, các nha sĩ khuyên nên chú ý những điều sau:

- Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, không chải răng quá mạnh.

- Dùng bàn chải mềm và kem đánh răng có chứa fluor.

- Sau khi đánh răng, nhổ phần còn lại của kem đánh răng và không cần phải súc miệng. Nếu muốn súc miệng, nên bôi một lượng nhỏ kem đánh răng lên răng, tác dụng của fluor sẽ hiệu quả trên răng.

- Ngay sau khi tiếp xúc với thức ăn, nước uống có chứa axit, súc miệng bằng nước, sữa hoặc nước súc miệng có chứa fluor.

- Uống nhiều nước trong ngày, đặc biệt giữa các bữa ăn.

- Tránh hoặc giảm thiểu việc ăn uống có chứa axit. Hạn chế thức uống có chứa axit trong bữa ăn.

- Nên uống sữa không đường và không hương vị thay cho các thức uống có chứa axit.

- Uống những thức uống có chứa axit bằng ống hút. Đặt ống hút vào sau các răng trước, khoảng giữa lưỡi.

- Trì hoãn việc đánh răng ít nhất 30 phút sau khi tiếp xúc với axit để nước bọt giúp làm trung hòa men răng.

- Nhai kẹo cao su để tăng tiết nước bọt.

- Sử dụng chỉ nha khoa và tăm xỉa răng đúng cách

- Uống vitamin C với nước thay vì nhai chúng.

- Nha sĩ có thể cho toa thuốc bao gồm các loại thuốc có chứa fluor, như kem fluor để bôi lên răng.

Điều trị

Khi thấy xuất hiện một vết khuyết trên răng, hãy nói cho nha sĩ. Cũng có thể cảm thấy ê răng. Vấn đề được phát hiện sớm, tổn thương sẽ được ngăn chặn. Điều trị mòn răng tùy thuộc vào tình trạng tổn thương mô răng.

Đối với mòn răng do nghiến răng, nha sĩ sẽ làm một máng nhai. Khí cụ này giúp giảm tối đa tổn thương răng về mặt cơ học và cũng giúp bỏ tật nghiến răng.
Nếu tổn thương mòn răng sâu vào bên trong, có thể trám. Nếu là mòn nông, không bị nhạy cảm, có thể không cần điều trị. Đối với những răng nhạy cảm, nha sĩ có thể khuyên bạn nên dùng kem fluor và nước súc miệng ở nhà.

Nếu răng cần trám, nha sĩ sẽ thay thế phần men răng biến mất bằng một vật liệu trám có màu giống với răng. Có hai loại vật liệu được dùng là Composite (miếng trám nhựa) và GIC (Glass Ionomer Cement). Đối với những răng mòn sâu có thể cần đến điều trị tủy hoặc nhổ bỏ.

Những điều trị phục hồi có thể thực hiện để cải thiện chức năng và thẩm mỹ đối với răng. Nếu nguyên nhân của sự mòn răng do thuốc đang sử dụng, bạn có thể được bác sĩ đa khoa hay bác sĩ gia đình tư vấn. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cho toa thuốc khác hoặc thay đổi cách dùng để giảm nguy cơ làm mòn răng.

Tuy nhiên, nha sĩ sẽ không điều trị phục hình khi mà nguyên nhân mòn răng vẫn còn tồn tại, chỉ có thể giúp hạn chế sự mòn răng. Ví dụ như nha sĩ sẽ trám một lớp nhựa Composite lên các răng, vai trò như một rào chắn sự tiếp xúc giữa axit và răng.

Một số người trên 30 tuổi thường phải nhổ răng khôn trong trường hợp bị đau hoặc sưng do mọc ở vị trí bất lợi và gây đau đớn.

Một số trường hợp khác cũng cần nhổ răng khôn, như vành của mô nướu răng bị sưng gây nứt một phần nướu răng, răng mọc chồng lên nhau, sâu răng hoặc bệnh về nướu răng do vị trí không thuận lợi để vệ sinh.

Răng khôn có thể gây ra những bệnh tiềm ẩn khi chúng không mọc đúng vị trí, chẳng hạn bệnh nha chu làm cho nướu răng và xương ổ răng bị tổn thương, hủy hoại chân răng hoặc sâu răng đối với những răng lân cận do thức ăn bị mắc kẹt tại đây, viêm nướu xung quanh thân răng, thậm chí khó nhai nuốt thức ăn...

Chăm sóc răng sau khi nhổ

Hai bốn giờ sau khi nhổ, răng có thể bị chảy máu. Để cầm máu, hãy dùng miếng gạc sạch đặt lên vết nhổ và cắn chặt, giữ nguyên như vậy khoảng 45 phút.

Lúc này không nên nhổ nước bọt hoặc súc miệng, tránh những động tác hút chẳng hạn như uống nước bằng ống hút hoặc hút thuốc, kiêng ăn hoặc uống nước nóng, thức uống có cồn. Nếu không, máu bầm sẽ bị vỡ, làm khô chân răng.

Có thể chải răng bình thường nhưng tránh va chạm trực tiếp vào khu vực vết thương. Không nên dùng nước súc miệng vì có thể gây dị ứng cho vết thương.

Trường hợp sưng mặt, hãy bọc nước đá trong khăn đặt lên chỗ sưng trong khoảng 10 phút, sau đó làm lại trong 20 phút và tiếp tục cho đến khi đỡ sưng.

Hai bốn giờ sau khi nhổ răng, súc miệng với nước muối ấm pha theo tỉ lệ 1 ly nước với ½  muỗng cà phê muối, sau mỗi bữa ăn và trước giờ ngủ.

Nếu mặt vẫn còn bị sưng ở chỗ nhổ răng, cần dùng nước ấm sau 24 giờ chườm nước đá bằng cách lấy khăn nóng ẩm đắp lên vết thương trong 20 phút, sau 20 phút lại làm tương tự và có thể tiếp tục...

Nhổ răng khôn an toàn

Bác sĩ sẽ kiểm tra để phát hiện răng khôn có nhú ra khỏi nướu hoặc có mọc xếp chồng lên nhau. Phương pháp X-quang cũng giúp xác định nguyên nhân gây bệnh có phải do răng khôn hoặc dự đoán những sự cố tương tự khác về răng.

Ở người trẻ, do xương hàm chưa phát triển hoàn chỉnh nên nhổ răng khôn dễ hơn so với người lớn tuổi vì xương hàm đã cứng và thời gian chữa trị cũng lâu hơn.

Nếu răng khôn nằm dưới nướu và trong xương hàm thì phải rạch nướu, dời phần xương đè lên răng. Thông thường, nha sĩ sẽ lấy từng mẩu răng  ra dần chứ không nhổ nguyên chiếc răng.

Cần chú ý theo dõi 24 giờ đầu và 24 giờ sau khi nhổ răng để có cách chăm sóc răng hiệu quả nhất.

NS. NGUYỄN XUÂN HUY
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]