Mong một lời khuyên

Tốt nghiệp đại học Nông - Lâm, tôi không về quê nhà ở Gò Công Đông để đầu quân cho một trung tâm khuyến nông như ba tôi đã sắp đặt, mà làm thủ quỹ cho một tờ báo trung ương có chi nhánh ở thành phố Hồ Chí Minh.

31.1995

Cơ quan không nhiều người nên tôi kiêm luôn việc trả nhuận bút. Trong số cộng tác viên thường đến nhận nhuận bút, có một anh chàng trông hiền lành, không xinh trai, thường tặng tôi khi thì chiếc cặp tóc, lúc thì cây viết bi, có bữa là cuốn sổ tay với rất nhiều ảnh phong cảnh. Tôi vui vẻ nhận những món quà dễ thương ấy như nhận quà sinh nhật của bạn gái.

Có một buổi chiều, tôi về muộn, anh cũng đến muộn. Không biết đó có phải là cái cớ để anh mời tôi đi ăn cơm bụi, và tôi vui vẻ nhận lời. Từ hôm đó, anh viết nhiều hơn, nhất là đề tài thanh niên từ các miền quê đến Sài Gòn lao động kiếm sống. Tôi biết anh viết không phải bức bách về tiền, mà hình như là để có thêm điều kiện gặp tôi. Còn tôi thì dần dà tự dưng mong anh đến, không có nhuận bút cũng mong...

Một năm sau thì anh dẫn tôi về nhà, ở quận Bình Thạnh, giới thiệu với mẹ tôi là bạn, quen biết đã lâu. Tôi không thấy trên mặt bà có biểu hiện tình cảm gì rõ rệt. Nhà chỉ có hai mẹ con mà đến ba tầng lầu, rộng thênh thang, sâu hun hút, hay là tôi cảm thấy thế do mình đã quen sống trong căn phòng thuê nhỏ hẹp. Sát bên vách nhà anh là quán cà phê bề ngang khoảng chục mét, um tùm cây kiểng, khách khá đông. Anh nói đất làm quán cà phê là của mẹ anh, cho anh Hai của anh thuê.

Như vậy, về bất động sản, gia đình quả là giàu, vậy mà anh vẫn sống giản dị, từ chiếc xe máy đến bộ đồ trên người đều dưới “bậc trung”. Có phải vì thế mà tôi yêu anh, không dữ dội, không mãnh liệt, chỉ đủ thấm đẫm nghĩa chồng vợ sau này.

Ngay những ngày đầu về làm dâu mẹ anh, tôi đã thấy bà chi tiêu quá tằn tiện. Mỗi sáng bà đưa tôi 15 ngàn đồng (thời giá 2005) mua thức ăn cả ngày cho ba người và mua cho bà đồ ăn sáng, không phải trái bắp hay gói xôi mà phải là phở hay bún. Thu nhập của chồng tôi với nghề trang trí nội thất thì vô chừng, nhưng hầu như phải đưa hết cho mẹ, ít khi anh anh có tiền riêng, trừ nhuận bút những bài báo, mà từ ngày cưới tôi, anh rất ít khi viết. Vì thế, toàn bộ lương của tôi phải chi vào hai bữa ăn mới tạm đủ.

Nhiều khi túng thiếu quá, tôi nhẩm tính, tiền cho thuê lầu 3 một tháng 10 triệu đồng, tiền anh Hai trả mặt bằng cà phê, dù tượng trưng cũng chừng ấy một tháng, cộng với lương hưu, mẹ chồng tôi không có cách chi tiêu hết, và cũng không thấy bà giúp đỡ ai. Theo giải thích của chồng tôi là do bà đã chịu quá nhiều thiếu thốn thời còn bao cấp ở miền Bắc, nhất là từ ngày lấy ba anh, là một sĩ quan người Sa Đéc tập kết, đi biền biệt, một mình bà nuôi bốn đứa con nên quen tiết kiệm.

Tôi không tin điều đó, vì tôi biết bao người sống lâu năm trong bưng biền kháng chiến, đâu phải hòa bình rồi, ai cũng dẻ sẻn đến mức nhiều tiền mà không dám tiêu. Lý do gì, theo tôi, quy tụ lại cũng tại bản tính của con người. Chẳng hạn, dịp Tết năm ngoái, mẹ chồng tôi bảo con trai chở đi mua một cây mai. Vừa về đến sân, tôi đã nghe bà dặn phải trả bà 40 ngàn tiền thiếu. Thì ra chồng tôi mua cây mai 200 ngàn, do không cầm đù tiền, phải mượn mẹ.

Đã biết tính chi li của mẹ chồng, tôi dành dụm từng đồng cho ngày sanh em bé, nhưng cũng không đủ bồi bổ sức khỏe, thế là con mới bú ba tháng, tôi mất sữa. Tiền sữa và tiền bao thứ khác cho con nhiều hơn tiền ăn hằng ngày của ba người, trong khi chồng tôi bị tai nạn lao động, dù không nặng lắm nhưng phải nhập viện cả tháng trời, tôi túng thiếu còn hơn thời sinh viên, nhưng bà nội coi như không biết, chỉ lâu lâu mua cho cháu chục tã lót hay vài bộ đồ. Không có cách nào khác, tôi phải nhắn xin tiền ba má, nói dối là để sắm bộ máy vi tính. Cũng may là ba má trúng mấy mùa sơ-ri.

Hết chế độ nghỉ sanh, tôi càng vất vả hơn, vì sáng sớm phải lo chợ búa, lo mua đồ ăn sáng cho mẹ chồng, lo đưa con đi nhà trẻ; trưa, chiều cứ mong hết giờ để về với bừa bộn công việc nhà. Biết chồng không bao giờ dám trái ý mẹ, nhưng tôi không thể không khuyên anh phụ giúp chăm con, rửa chén, lau nhà - những việc mà mẹ chồng tôi cấm ngặt con trai làm với lý lẽ đó không phải là việc của đàn ông. Bà còn nói thẳng với tôi, đã làm dâu thì phải chăm lo cha mẹ chồng, phải hy sinh vì chồng con. Bà còn nói, chồng bà còn sống, tôi còn mệt hơn, do ổng rất khó tính.

Có một chuyện nữa, mà nếu không kể ra, tôi còn ấm ức mãi. Nhà má chồng tôi một năm có hai ngày sum họp, một vào ngày giỗ dịp Tết Nguyên đán, một vào ngày giỗ ông nội con tôi. Má chồng đã dặn con trai, con dâu không được phụ giúp tôi bất cứ việc gì trong hai ngày giỗ này. Thế là trong hai đám giỗ, một mình tôi phải phục vụ bốn gia đình, từ đi chợ đến rửa chén!

Gần 6 năm chịu đựng cảnh làm dâu mà chẳng khác con ở, chỉ khác là má chồng chưa bao giờ to tiếng với tôi, chỉ khác là cứ một hai tháng tôi lại xin tiền ba má mình để chăm lo cho má chồng, dù má chồng rất giàu, đã làm tôi gần như kiệt sức. Tôi đã nhiều lần bàn với chồng ra ở riêng, nhưng ảnh quá sợ mẹ, nhất khoát không.

Giờ thì tôi chỉ mong nhận được một lời khuyên của quý bạn đọc Báo Doanh Nhân Sài Gòn.
 

LIÊN PHI
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]