Một biện pháp phòng bệnh hiệu quả

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngoài bệnh sốt rét, các loại bệnh ký sinh trùng khác đang bị lãng quên mặc dù các loại bệnh này ngày càng phát triển và có xu hướng gia tăng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

15.6037

(SKDS) - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngoài bệnh sốt rét, các loại bệnh ký sinh trùng khác đang bị lãng quên mặc dù các loại bệnh này ngày càng phát triển và có xu hướng gia tăng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Vậy ký sinh trùng sinh sản như thế nào?

Ký sinh trùng có nhiều hình thức sinh sản khá phong phú. Có loài sinh sản rất đơn giản nhưng có loài lại sinh sản rất phức tạp. Đặc điểm chung của ký sinh trùng là sinh sản nhanh, nhiều và dễ dàng để bảo đảm việc duy trì nòi giống. Ký sinh trùng thường sinh sản theo các phương thức khác nhau.
 Xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét tại huyện Lang Chánh, Thanh Hóa.

Sinh sản vô tính

Đây là hình thức sinh sản đơn giản nhất và thường gặp ở các loại đơn bào ký sinh như amíp, trùng roi... Với phương thức này, một cá thể ký sinh trùng tự phân đôi thành hai cá thể mới. Nhân phân chia trước, bào tương phân chia sau, không có sự giao phối giữa con đực và con cái.

Cũng là một phương thức sinh sản vô tính nhưng còn có kiểu sinh sản phân liệt (schizogonie), tức là hình thức không phân chia nhân một lần mà phân chia nhân nhiều lần thành nhiều mảnh; sau đó bào tương mới phân chia theo số mảnh nhân tương ứng. Kết quả là tạo thành được nhiều cá thể mới như trong trường hợp sinh sản vô tính của ký sinh trùng sốt rét.

 Áp-xe gan do amip.

Sinh sản hữu tính

 

Đây là hình thức được thực hiện bằng sự giao phối giữa con đực và con cái như trong trường hợp các loại giun đũa, giun móc, giun kim... hoặc giữa hai giao tử đực và giao tử cái của ký sinh trùng sốt rét trong dạ dày của muỗi truyền bệnh. Ngoài ra còn có những loài ký sinh trùng lưỡng tính với đặc điểm một cá thể có cả bộ phận sinh dục đực và bộ phận sinh dục cái để giao phối như nhiều loại sán lá gan, sán dây...

Sinh sản đa phôi

Đây là hình thức sinh sản đặc biệt thường thấy ở các loài sán lá và một số loài sán dây. Từ kết quả của hình thức sinh sản hữu tính, một trứng nở ra một ấu trùng, ấu trùng này phát triển thành nang ấu trùng. Sau đó, ký sinh trùng tiếp tục thực hiện hình thức sinh sản vô tính, trong nang ấu trùng có rất nhiều mầm sinh ra nhiều ấu trùng thế hệ thứ hai. Ấu trùng thế hệ thứ hai lại sinh ra nhiều ấu trùng thế hệ thứ ba. Những ấu trùng thế hệ thứ ba này sẽ phát triển thành loại sán trưởng thành khi gặp vật chủ thích hợp. Kết quả là từ một trứng ban đầu sẽ phát triển thành vô số sán trưởng thành.

Như vậy, theo phương thức sinh sản đa phôi, ký sinh trùng có sự luân phiên sinh sản như sinh sản hữu tính với một trứng thụ tinh và sinh sản vô tính với sự sinh sản đa phôi. Sự luân phiên sinh sản hữu tính và sinh sản vô tính còn gặp ở một số loại ký sinh trùng khác như ký sinh trùng sốt rét, Toxoplasma-sp...  

Ký sinh trùng amip.

Hạn định đời sống của ký sinh trùng   

 

Mặc dù ký sinh trùng có thể sinh sản nhanh, nhiều và dễ dàng bằng các phương thức khác nhau như đã nói ở trên nhưng đời sống của các loài sinh vật nói chung cũng như các loài ký sinh trùng nói riêng đều có hạn định. Mỗi loài ký sinh trùng đều có một tuổi thọ nhất định riêng, ngay cả đối với những loài sinh vật hạ đẳng với phương thức sinh sản vô tính đơn giản tưởng chừng như vô hạn. Vì vậy trên thực tế, một số loại bệnh ký sinh trùng khi mắc phải sẽ tự hết và biến mất nếu không bị tái nhiễm lại lần khác.

Điều này đã được chứng minh đối với một số loại giun như giun kim có đời sống hạn định khoảng chừng một tháng, giun đũa có đời sống hạn định khoảng chừng một năm. Trong thời gian này nếu giữ gìn vệ sinh cẩn thận, không để bị tái nhiễm nhằm cắt đứt đi vòng đời phát triển của chúng thì cơ thể sẽ tự nhiên sạch đi các loại giun này.    

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]