Một ca bệnh khó,...

SKĐS - Tại sao con chị nặng thế này rồi mà giờ mới chịu đưa cháu đến bệnh viện”, câu hỏi của em sinh viên thực tập đã làm chị bật khóc.

15.6004

Phần 2: Khi người mẹ trầm cảm

Tiếp theo số 86

“Tại sao con chị nặng thế này rồi mà giờ mới chịu đưa cháu đến bệnh viện”, câu hỏi của em sinh viên thực tập đã làm chị bật khóc. Chị không thể trả lời tường tận được tại sao, nhưng rõ ràng suốt 3 năm qua, chị và chồng đã tìm đủ mọi cách để cứu con nhưng đều vô vọng.

(Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn)Trầm cảm dễ dẫn đến những hành vi sai lầm.

Bệnh viện chiều thứ 6 vẫn đông đúc vì quá tải, các bác sĩ đã rời khỏi viện, chỉ còn lại kíp trực. Bé Lan được đưa thẳng vào phòng hồi sức tích cực của khoa hồi sức cấp cứu. Cả kíp ào đến, người úp mặt nạ cho thở ôxy, người đo các chỉ số sinh tồn, người lấy ven truyền tĩnh mạch, người lấy máu xét nghiệm, người đặt sonde dạ dày, người đặt sonde tiểu…

Xung quanh Lan ai cũng hối hả, mọi người tranh thủ từng giây từng phút để giành lại sự sống cho em. Chỉ đến khi em tự thở được đều đều, khuôn mặt hết tím tái và đôi mắt dần hé mở báo hiệu sự sống đã hồi sinh, khi ấy, kíp trực mới thở phào vì đã trút được gánh nặng ban đầu. “Tôi không hiểu làm thế nào để cháu bé vẫn sống được dài ngày đến vậy”, bác sĩ hồi sức đã nói với mẹ Lan và các đồng nghiệp trong sự ngạc nhiên như thế.

3 tháng trước, khi phát hiện khối u ở bụng, bác sĩ tuyến huyện đã khuyên chị đưa con đi mổ càng sớm càng tốt. Nhưng để thực hiện được cuộc mổ thì phải làm thêm nhiều xét nghiệm tỉ mỉ, phải có bác sĩ chuyên môn giỏi, phải có bác sĩ gây mê nhi khoa, phải đủ các thiết bị hỗ trợ và đơn vị hồi sức sau mổ đặc biệt...

Loay hoay đủ cách, bác sĩ ở huyện cũng chỉ giúp chị được chuyến xe cứu thương cùng cái giấy chuyển viện để thanh toán bảo hiểm y tế. Tiên lượng cuộc mổ phức tạp, chắc chắn chị sẽ phải lo thêm nhiều chi phí phát sinh ngoài danh mục, chưa kể tiền ăn uống chi tiêu của người đi chăm nuôi.

“Tôi biết tình trạng của con tôi xấu đi nhanh chóng, tôi biết thời gian không còn nhiều nữa, tôi biết bệnh viện ở Hà Nội có đủ phương tiện hiện đại và bác sĩ tay nghề cao nhưng tôi không có tiền. Vì thế mà tôi không biết làm thế nào để cứu được mạng sống con gái tôi, không biết ai có thể giúp đỡ được cho tôi trong hoàn cảnh này”, người mẹ vừa lau nước mắt vừa kể cho em sinh viên thực tập nghe.

2 ngày sau đó, thứ 7 và chủ nhật, người mẹ hầu như không ăn không ngủ, luôn túc trực bên giường bệnh và có thể khóc bất cứ khi nào. Dù đã thấy tia hi vọng con gái được cứu sống, vậy điều gì đã làm cho người mẹ rơi vào trầm cảm nhanh đến vậy?

“Tại sao con chị nặng thế này rồi mà giờ mới chịu đưa cháu đến bệnh viện”?! Một câu nói của nhân viên y tế có thể chỉ là lời cảnh báo, có thể có chút trách móc, có thể chỉ để khai thác bệnh sử; nhưng bất kì người mẹ nào khi nghe câu nói đó cũng rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, có khi phải sống trong ân hận suốt cả cuộc đời.

Y học là nhân thuật, trầm cảm của những bà mẹ nhiều khi không phải do bệnh của con họ quá nặng mà do chính người thầy thuốc gây nên. Câu nói vô tình của em sinh viên sẽ là bài học lớn để khi trở thành bác sĩ, em biết cách ứng xử nhân văn hơn trước người bệnh và gia đình họ.

(Còn nữa)

BS. Trần Văn Phúc

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]