Một cách nhìn khác về chuyện đòn roi

15.5995
(TT&VH) - Dạo gần đây, sau những thông tin đáng buồn về chuyện các thầy cô giáo dùng nhục hình đối với học sinh, dư luận lại phải nghe những thông tin về chuyện trò dùng bạo lực với thầy. Học đường trở thành chốn náo loạn hơn bao giờ hết. Tôi rất buồn... Học đường ơi học đường, khác quá nhiều rồi ư?

Hồi nhỏ, tôi đọc cuốn “Bút nghiên” của nhà văn Chu Thiên. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi được xem, và xem cho kỳ hết. Tôi thích cuốn truyện này vì nó miêu tả một cách chân thực cái sự học. Cậu bé Tâm ham chơi, đi học bị đánh đòn, khóc. Nhưng vì xấu hổ với bạn bè, vì sợ bị phạt (toàn những trò “ghê rợn” như: chui qua háng, quét sân trường...), cậu đã cố gắng học. (Cái tuổi thơ của cậu bé ấy giống tôi đến gần 90%, cũng bạn bè, cũng ruộng lúa, cũng nghịch, cũng nhõng nhẽo...) Rồi cậu lớn hơn một chút, ngôi làng nhỏ và ông đồ không còn đủ chữ cho cậu học. Cậu phải đi xa, hằng chiều cậu ra ngồi ngoài sân nhà thầy, nhìn về con đường đến hút nẻo, nhớ nhà da diết. Nhưng cậu phải học, quan trọng là thế, không thì sẽ bị thầy mắng, đánh đòn, cứ thế mà cậu khôn dần ra, rồi yêu luôn cả sự học lúc nào không biết...


 Phạt học trò luồn qua háng nếu viết chữ sai – một hình phạt “khắc nghiệt” của thầy đồ xưa, tất nhiên không còn thích hợp với thời nay. Ảnh: Tranh khắc của H.Oger
Xin lỗi, tôi tóm tắt phần đầu cuốn “Bút nghiên”, nhưng có chủ ý nhấn mạnh: vì đòn roi của những người thầy, vì những lời trách mắng của mấy ông đồ mà cậu học trò khôn lớn!


Tôi cũng lớn lên với những đòn roi như thế! Lúc vỡ lòng, tôi học thêm người anh của mình, bị “khẽ tay” (đánh thước kẻ vào tay) thường xuyên vì viết chữ xấu, mà khẻ chụm các đầu ngón lại mới kinh hãi! Vậy mà chả bao giờ ba mẹ tôi có ý kiến. Hôm nào thấy mắt tôi đỏ, ba mẹ tôi hỏi: “Tội gì? Mấy khẻ?”. Vậy rồi thôi...

Lớp 1, 2, 3, 4, 5 không năm nào mà tôi không bị các cô quất ra trò. Khi đó tôi học rất giỏi, rất ít phạm lỗi. Cho nên đôi khi dù là một lỗi nhẹ, tôi cũng sẽ bị các cô phạt. Chính những người cô của ngày đầu đi học ấy đã uốn nắn tôi vào con đường nề nếp. Các cô có thể dùng một cây thước to, một lời trách cứ, hình phạt úp mặt vào tường, hay xin lỗi trước cả lớp... Với tôi và gia đình, sự nghiêm khắc ấy chính là tình thương.

Thế đó, thế mà tôi lớn, hồn nhiên mà lớn. Cái câu “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, tôi dưỡng trong tim từ nhỏ, đơn giản bằng những gì tôi “chịu”, và những gì tôi “được”...

Trong chuyện đòn roi, tôi có một kỷ niệm thật buồn. Lúc tôi học lớp 6, thành phố tôi ở có một vụ xử hi hữu: trò đâm thầy, mà đó lại là người thầy tôi rất yêu quí. Số là thầy có “xử” một thằng học trò vì nó không thuộc bài gì đó mấy chục khẽ tay. Thằng nhóc “nuôi hận” về mách ba mách chú, đến chiều đó, khi thầy tôi đứng dạy võ (thầy có nghề võ), chú của thằng học trò xách dao lẻn đến bên đâm vào hông thầy. Cũng may, thầy có võ tránh kịp nên không nặng lắm.

Bây giờ, đọc tâm sự của những người thầy, vì không chịu nổi sự mất đạo đức của học trò mà đã dùng hình phạt nặng, để rồi bây giờ họ day dứt, không chỉ cho sự nóng giận, mất bình tĩnh của bản thân, mà còn vì bất lực trước một nền đạo đức học đường đang xuống cấp. Phụ huynh, học sinh, dư luận, báo chí lên tiếng bênh vực tụi học trò, nhưng có ai thương cho những người thầy đang phải đấu tranh cô độc vì cái tâm, thậm chí là vừa đấu tranh, vừa sợ hãi? Giữa những người thầy thiếu kiềm chế, dùng hình phạt với học trò và những người thầy dễ dãi “vô cảm” ở chốn học đường, hoặc bị đồng tiền chi phối, thì cái nào đáng lo hơn?

Dĩ nhiên, thời ngày nay khác với thời các ông đồ “gõ đầu trẻ” thuở xưa, các thầy cô cũng như học trò đều là “công dân”, cần sống và làm việc theo pháp luật, và không ai có quyền dùng nhục hình với người khác, nhất là với trẻ “vị thành niên”. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà thầy cô không có quyền “phạt” trò. Vấn đề là hình thức “phạt” như thế nào để đạt được hiệu quả răn đe mà không làm tổn thương tinh thần, thể xác của các em.

Phan Hãn Hữu
(C2/7 E4- Phạm Hùng – Bình
Hưng – Bình Chánh – TPHCM)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]