Một chuyến trải nghiệm

Trong đoàn công tác của Bệnh viện Da liễu TW, ngoại trừ TS. Nguyễn Duy Hưng - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến là trưởng đoàn đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc đi công tác tại các tỉnh, còn lại hầu hết các thành viên đều là cán bộ trẻ. Lần này, chúng tôi có chuyến đi công tác tại một tỉnh miền núi phía Bắc.

31.1938
(SKDS) - Trong đoàn công tác của Bệnh viện Da liễu TW, ngoại trừ TS. Nguyễn Duy Hưng - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến là trưởng đoàn đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc đi công tác tại các tỉnh, còn lại hầu hết các thành viên đều là cán bộ trẻ. Lần này, chúng tôi có chuyến đi công tác tại một tỉnh miền núi phía Bắc.

Đón chúng tôi là anh chị em của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Hà

Giang, trong đó có nhiều gương mặt rất quen thuộc, công tác lâu năm trong ngành như BS. Hoàng Quốc Lập - Giám đốc; BS. Hoàng Thanh Thoát - Phó Giám đốc cùng các anh chị em khác công tác tại Trung tâm. Mỗi dịp đi công tác tại địa phương cũng là dịp các cán bộ trong ngành chúng tôi gặp nhau, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn trong công việc.

Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Hà Giang hiện có 4 bác sĩ chuyên khoa da liễu, trong đó có 2 bác sĩ chuyên khoa cấp I. Nhân lực mỏng, địa bàn một tỉnh vùng biên giới rộng lớn nên công việc gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là giao thông đi lại khi tiến hành khám, phát hiện và theo dõi bệnh nhân phong. Kinh phí hoạt động của chương trình còn eo hẹp, dân cư thưa thớt trên vùng núi cao, phương tiện đi lại của các cán bộ chủ yếu là xe máy nên rất khó cho việc khám, phát hiện và giám sát tàn tật cho bệnh nhân phong. Vất vả lắm công việc đi khám phát hiện bệnh nhân phong mới! Chuyện đi cả tuần trong thời tiết không thuận lợi, có mưa lũ là việc không xa lạ với anh chị em cán bộ ở đây.

Đợt công tác này, ngoài trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công việc, chúng tôi còn tới khám bệnh cho một số bệnh nhân gặp khó khăn trong chẩn đoánđiều trị. Địa điểm được lựa chọn là huyện Đồng Văn, một huyện biên giới giáp Trung Quốc. Địa hình huyện toàn cao nguyên núi đá, đa số đồng bào là dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông, trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn.

Trong số bệnh nhân chúng tôi khám, có một bệnh nhân nữ 52 tuổi bị bệnh từ hơn 2 năm nay, tổn thương cơ bản là các sẩn màu đỏ ở vùng mặt, nhiều ở mũi và hai bên gò má, kích thước khoảng 0.5 - 1cm đường kính, mật độ chắc, ranh giới rõ, không đau, không ngứa. Bệnh nhân đã được điều trị bệnh bằng nhiều loại thuốc uống, thuốc bôi trong thời gian dài nhưng không đỡ, bệnh tiến triển chậm. Các tổn thương có hình thái, màu sắc rất giống với hồng ban nút trong bệnh phong và đang được dự kiến cho điều trị thử đáp ứng với thuốc chống phong. Sau khi tiến hành khám hội chẩn, TS. Nguyễn Duy Hưng đã thống nhất, loại trừ chẩn đoán phong và hướng đến chẩn đoán trứng cá đỏ (rosacea) với tổn thương đã bị biến đổi hình thái, là hậu quả do điều trị thuốc bôi có chứa corticoid kéo dài. Bệnh nhân đã được kê đơn, hướng dẫn điều trị cụ thể bằng các thuốc phù hợp và theo dõi định kỳ do các bác sĩ cơ sở đảm trách.

Còn rất nhiều, rất nhiều bệnh nhân mắc những bệnh về da liễu ở đây đang cần sự giúp đỡ của các bác sĩ chuyên ngành như chúng tôi. Nhưng “thời gian ngắn chẳng tày gang”, giờ chia tay cũng đến.

Chia tay trong bầu không khí nồng ấm tình bạn bè đồng nghiệp, chúng tôi càng hiểu và thông cảm với những khó khăn của các cán bộ nơi đây và tin chắc với tâm huyết và hết lòng cố gắng vì người bệnh, các cán bộ của Trung tâm sẽ vượt qua được khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Mong sao, thời gian gần nhất, chúng tôi có thể nhiều lần nữa cống hiến sức trẻ, kiến thức được học và trải nghiệm cho các đồng nghiệp cũng như chăm sóc sức khỏe cho bà con nơi địa đầu Tổ quốc.

  BS. Hà Tuấn Minh (Bệnh viện Da liễu TW)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]