Trước đây, khi nhắc đến L’khôn Basăc Chông Prêk, bà con Khmer ở Sóc Trăng nghĩ ngay đến ông Trưởng đoàn Liêu Si Nê. Chỉ là ĐNT quần chúng, nhưng từ nội dung vở diễn, cách diễn đến nhạc công đều rất hay, thu hút đông đảo bà con đến xem.

Ông Sơn Hoàng Xinh - người đóng vai chính của ĐNT Chông Prêk trước đây - kể: “Ngày xưa đoàn tham gia hội diễn đều đoạt giải xuất sắc. Hàng năm, mùa khô đoàn đi biểu diễn suốt, mùa mưa mới quay về. Tất cả diễn viên, nhạc cụ và trang thiết bị phục vụ đều do một tay chú Nê lập nên. Chú ấy hướng dẫn diễn viên, nhạc công rất kỹ, từ cách đàn đến cách biểu diễn”.

 

 Ông Liêu Si Nê và các loại nhạc cụ ông đã gìn giữ mấy chục năm.

Theo Trưởng phòng VHTT huyện Trần Đề Thạch Văn Mến, không chỉ đứng ra lập ĐNT, ông Nê còn vừa đóng vai diễn dù kê, vừa chơi nhiều loại nhạc cụ như nhạc cụ phục vụ lễ cưới, nhạc ngũ âm, nhạc Basăc (phục vụ trong hát dù kê)... Giờ đây, tuổi già ông vẫn một lòng truyền nghề cho lớp trẻ ở vùng quê.

80 tuổi, ông Nê vẫn minh mẫn, khoẻ mạnh. Hàng ngày, ông vẫn đi rẫy trồng màu để lo cuộc sống. Ông Nê tâm sự: “Bữa nay, trời mưa lớn nên tôi mới ở nhà và tụ tập mấy tay đàn về hoà tấu, uống trà chơi. Đến giờ, tôi vẫn tiếc vì không giữ được đoàn dù kê chính tay tôi lập nên. Cuộc sống của mỗi diễn viên đều khó khăn nên ai cũng phải bươn chải lo cuộc sống”.

Ông Nê lớn lên trong một gia đình có cha là người chơi nhạc nổi tiếng. Ông được cha chỉ dẫn cách chơi từng loại đàn. Năm 18 tuổi, ông đã trở thành tay chơi nhạc cụ nổi tiếng trong đội nhạc của cha mình ở phum Chông Prêk.

Không thoả mãn, ông còn tìm đến 2 người thầy để học thêm nhạc ngũ âm, nhạc L’khon Basăc… Ông Nê nhớ lại: “Hồi xưa nhạc cụ truyền thống và dù kê được bà con Khmer quý lắm! Không có đội nhạc thì không thể tổ chức đám cưới. Vì vậy, bắt đầu từ mùa khô đội nhạc đi biểu diễn suốt. Còn bây giờ, các đám cưới hầu như không thấy bóng dáng đội nhạc cụ truyền thống. Nếu tôi không truyền dạy cho con cháu, chắc chắn nhạc cụ truyền thống ở Chông Prêk dần dần bị mai một”.

Từ suy nghĩ này, sau khi giải tán ĐNT Chông Prêk, ông vẫn giữ được một đội nhạc cụ truyền thống và đội Chhăy-dăm hoạt động thường xuyên đến nay. Hàng ngày, cứ đúng 18h, ông Nê bắt tay vào dạy cách chơi nhạc cụ cho con cháu ở phum sóc…

Ông Nê còn biết làm các loại nhạc cụ như trống Chhăy-dăm, đàn cò, đàn khưm… để phục vụ cho đội nhạc. Cầm cây đàn cò kéo một đoạn nhạc, ông Nê tâm sự: “Bây giờ niềm vui lớn nhất của tôi là con và cháu trai đều biết chơi nhạc cụ, múa Chhăy-dăm để tiếp nối nghề gia truyền cha ông để lại”.