Một mình chăm sóc mộ liệt sĩ

Ròng rã gần 20 năm qua, một ông già 74 tuổi đã tự chăm sóc chu đáo cho 210 ngôi mộ liệt sĩ như người thân của họ.

15.5758

Ông là Đỗ Quang, 74 tuổi, ở thôn Hà Vụng, xã Ba Lòng, huyện Đăk’rông, tỉnh Quảng Trị. Ông bảo việc mình đang làm là cách bày tỏ sự tri ân với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập của dân tộc.

 

Đền đáp chút ân tình


Từ TP Đông Hà, dưới cái nắng tháng 7 gay gắt, chúng tôi vượt quãng đường khoảng 60 km đến nhà ông Đỗ Quang ở thôn Hà Vụng. Đường vào chiến khu Ba Lòng xưa, giờ đã thuận lợi hơn nhiều. Đời sống của người dân nơi này cũng đã có nhiều đổi thay đáng mừng.
 
Ông Đỗ Quang đang chăm sóc một ngôi mộ liệt sỹ chưa biết tên.

 

Vừa đến ngõ, từ trong nhà đi ra, một ông già dáng gầy gò, tóc bạc trắng, chân đi đôi dép đã mòn vẹt, tay cắp chiếc mũ cối, tay kia cầm bó nhang dò dẫm từng bước trên con đường đất đi ra nghĩa trang. Đó là ông Đỗ Quang, người đã 20 năm nay tự nguyện chăm sóc, hương khói cho 210 mộ phần ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Ba Lòng.


Nghĩa trang Liệt sĩ xã Ba Lòng là nơi an nghỉ của 210 liệt sĩ, trong đó có 100 liệt sĩ hy sinh thời kháng Pháp, còn lại là liệt sĩ hy sinh thời chống Mỹ. Ông Quang cho biết hài cốt liệt sĩ ở đây được quy tập từ nhiều nơi.

 

Khi Nghĩa trang Liệt sĩ xã Ba Lòng hoàn thành vào năm 1992, ông Quang lúc ấy là Chủ nhiệm HTX Hà Vụng đã xin được tự chăm sóc nghĩa trang.

 

“Khi nghĩa trang hoàn thành, nhìn hàng loạt ngôi mộ khắc dòng chữ “liệt sĩ chưa biết tên”, tôi lặng người xúc động. Các anh đã vì Tổ quốc mà ngã xuống ở mảnh đất này nhưng chưa xác định được tên tuổi, quê quán... và cũng không biết đến bao giờ họ mới được người thân tìm được và viếng thăm. Cũng từ lúc ấy, tôi nghĩ mình phải làm một việc gì đó để đền đáp chút ân tình với những người đã ngã xuống. Nhiều lúc, tôi nghĩ mình như có duyên phận với các anh vậy” - vừa lấy chổi quét những chiếc lá khô lác đác trong khuôn viên nghĩa trang, ông Quang chậm rãi tâm sự.


Gom những chiếc lá khô lại, ông Quang bắt đầu nhóm lửa thắp nhang cho từng ngôi mộ. Đếm từng mộ phần, tôi mới giật mình khi nhận ra trong tổng số 210 ngôi mộ liệt sĩ ở đây, chỉ có 10 mộ là có tên tuổi, quê quán, còn lại đều mang dòng chữ: “Liệt sĩ chưa biết tên”.

 

“Cứ đến ngày rằm, mùng 1 và các ngày Tết, lễ trọng đại của đất nước, tôi lại ra đây với các anh để các anh được ấm lòng” - ông Quang bộc bạch.

 

Ông Quang kể ngoài số tiền thu được từ 3 sào ruộng xã cấp cho ông để có chi phí chăm sóc nghĩa trang, thỉnh thoảng, ông bỏ thêm tiền mua một số lễ vật hoặc có buồng chuối chín, trái cam, quýt ngon trồng được ông đều mang ra nghĩa trang cúng. Có một điều làm ông cảm thấy vui là vợ và các con của ông đều ủng hộ và cảm thấy tự hào về việc làm của ông.


Thấy lòng mình thanh thản


Ngồi dưới bóng cây sứ do mình trồng ở nghĩa trang này cách đây ngót 20 năm, bây giờ đã rợp bóng, đang trổ hoa trắng muốt, tỏa hương thơm ngát, ông Quang bồi hồi: “Trước đây, nhiều người bảo tôi gàn, rảnh rỗi quá mới xin làm bảo vệ, chăm sóc nghĩa trang không lương. Nhiều lúc, tôi cũng buồn.

 

Nhưng rồi suy đi nghĩ lại, tôi thấy việc mình làm xuất phát từ tâm. Khi chăm sóc từng mộ phần, tôi thấy lòng mình thanh thản lắm”. Ông Quang cho biết ông có anh là liệt sĩ thời kháng chiến chống Pháp nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt.

 

“Chính vì điều đó, tôi hiểu hơn ai hết nỗi đau đớn và tuyệt vọng khi không tìm được hài cốt người thân của mình” - đôi mắt ông Quang bỗng dưng đỏ hoe.


Tuổi đã cao, chân đã mỏi, đôi mắt cũng đã mờ dần nhưng khi được hỏi liệu có khi nào ông nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, bàn giao công việc chăm sóc nghĩa trang cho người khác không, ông Quang trả lời dứt khoát: “Tôi làm việc này đã 20 năm rồi và hơn ai hết, tôi hiểu từng ngôi mộ, từng viên gạch, từng gốc cây ở đây. Tôi đã nguyện rằng một phần đời mình, tôi dành để chăm sóc, hương khói ở nghĩa trang này. Tôi xem nghĩa trang như là ngôi nhà thứ hai, các liệt sĩ là người thân của mình. Và chỉ đến lúc nào nhắm mắt xuôi tay tôi mới thôi”.

 

 Những chuyện vui buồn...

 

20 năm gắn bó với nghĩa trang, ông Quang đã chứng kiến nhiều chuyện vui, buồn. Ông kể cách đây không lâu, có một gia đình ở Hà Nội mang theo rất nhiều vàng mã vào thăm viếng một ngôi mộ ở đây. Do số lượng quá nhiều, không thể đợi được, họ đã ra về khi vàng mã chưa cháy hết.

 

Lo người nằm dưới ngôi mộ buồn lòng, ông phải ngồi lại gần hết buổi sáng để đốt hết số vàng mã đó. Hay chuyện có người thân liệt sĩ nhờ nhà ngoại cảm đến Nghĩa trang Liệt sĩ xã Ba Lòng tìm mộ. Khi “nhập hồn”, nhà ngoại cảm cứ nhảy tưng tưng quanh khu mộ và chỉ lung tung, làm mất đi sự trang nghiêm cần có ở nghĩa trang, ông phải vất vả can ngăn.


Băn khoăn nhất của ông Quang hiện nay là nhiều hạng mục của nghĩa trang đã xuống cấp, hư hỏng nhưng vẫn chưa được trùng tu.

 

Theo Đông Phong

Người Lao Động

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]