Một số bệnh về mắt thường gặp khi hè về

15.5954

Mùa hè là khoảng thời gian lý tưởng cho những hoạt động thể thao, giải trí ngoài trời như dã ngoại, bơi lội… Tuy vậy, thời tiết nóng bức, nhiệt độ tăng cao liên tục, khói …

Mùa hè là khoảng thời gian lý tưởng cho những hoạt động thể thao, giải trí ngoài trời như dã ngoại, bơi lội… Tuy vậy, thời tiết nóng bức, nhiệt độ tăng cao liên tục, khói bụi và ô nhiễm là những nguyên nhân gây ra một loạt các vấn đề về mắt. Hãy cùng tìm hiểu một số bệnh mắt thường gặp khi hè về và các biện pháp khắc phục.

Đỏ mắt, xốn mắt

Có nhiều nguyên nhân gây đỏ mắt, xốn mắt như: dùng nước không sạch để rửa mặt, tắm trong hồ bơi có chất chlorine, đọc sách báo khi đi tàu xe, thức khuya xem truyền hình hoặc khí thải xe cộ, bụi khói, … cũng làm cho mắt bị xốn, cay và đỏ. Các kích thích có hại như bụi khói, chất chlorine, … sẽ thâm nhập vào bề mặt nhãn cầu khiến những chất dẫn truyền hóa học như histamine, serotonine được phóng thích tại chỗ, làm giãn nở các mạch máu ngoại vi và tăng lưu lượng máu. Hậu quả là bề mặt nhãn cầu ở phần tròng trắng mắt xuất hiện những vân li ti màu đỏ.

Để khắc phục tình trạng trên bạn có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa chất co mạch, chất kháng histamine để giảm đỏ, ngứa mắt hoặc chọn loại có chứa vitamin panthenol có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn giúp phòng ngừa 1 số bệnh do vi khuẩn gây ra, tránh nhiễm trùng, rửa sạch bụi bẩn và làm cho mắt dễ chịu.

Trong trường hợp bị di vật rơi vào mắt như cát, bụi, vỏ trấu, dằm, mảnh kim loại, mảnh gỗ… dù dị vật lớn hay nhỏ, bạn cũng đừng quá lo lắng và cần lấy dị vật ra một cách nhẹ nhàng. Rửa mắt bằng nước đun sôi để nguội, chớp mắt liên tục trong nước để dị vật ra khỏi mắt.

Hoặc cũng có thể nhỏ thuốc nhỏ mắt có tính sát khuẩn nhẹ, chứa vitamin panthenol để tăng tác dụng làm lành mô. Lưu ý không dụi mắt vì có thể làm trầy giác mạc và khiến mắt bị đau thêm.

Tổn thương mắt do nắng và tia cực tím

Khi tiếp xúc với tia cực tím, các tia sáng khác, hoặc ra nắng một thời gian lâu sẽ khiến đôi mắt dễ bị một số các tổn thương như viêm giác mạc, nặng hơn sẽ gây ra phỏng giác mạc, đục thủy tinh thể hay cườm khô, suy thoái hoàng điểm, …

Nguyên nhân là do trong ánh nắng có tia cực tím cường độ cao sẽ làm cho mắt bị khô, đỏ, có cảm giác như bị phỏng đau, có vật lạ trong mắt hay sợ sáng. Đặc biệt khi các tia sáng mạnh có thể vào sâu hơn trong mắt sẽ gây tổn thương cho võng mạc. Vì võng mạc chỉ là một lớp thần kinh nhạy cảm với ánh sáng nên nếu lớp này bị phỏng, nhất là vùng trung tâm mắt (hoàng điểm) thì mắt sẽ nhìn mờ, không phục hồi được. Ngoài ra tia cực tím ở những nguồn sáng mạnh cũng có thể gây những phản ứng hóa học trong thủy tinh thể, làm đục thủy tinh thể và mắt mờ dần, làm tăng tiến trình lão hóa mắt.

Riêng trường hợp mắt bị suy thoái hoàng điểm thì đây là căn bệnh có liên quan đến tuổi già và trong quá trình lão hóa gây tổn thương cho hoàng điểm. Khi ra nắng nhiều, các tia độc hại sẽ gây tổn thương hệ thần kinh ở vùng hoàng điểm, mắt sẽ bị mờ, nhìn hình ảnh méo mó. Tại các nước Âu Mỹ, tỷ lệ này khoảng từ 20-30% cho những người trên 60 tuổi. Nếu tuổi càng lớn, tỷ lệ này càng cao.

Để phòng ngừa tác hại của nắng, các chuyên gia nhãn khoa khuyên bạn nên đeo kính râm có chống tia cực tím khi ra nắng. Bảo vệ mắt không chỉ giới hạn ở những nơi có nắng nhiều mà phải đeo kính râm ở tất cả những nơi có tia bức xạ mạnh. Vào ngày hè, tránh ra nắng vào những ngày có nắng gắt, nhất là khoảng thời gian từ 12 – 3 giờ chiều vì đây là thời điểm các tia cực tím hoạt động mạnh nhất. Không nên nhìn lên trời bằng mắt trần ngay cả khi trời có mây vì mây không ngăn được tia cực tím. Hãy nằm nghỉ ở nơi có bóng mát, nếu không có kính bảo vệ thì không nên nhìn vào nơi ánh sáng chói như đèn hàn xì, mặt trời những ngày nhật thực. Đặc biệt nên dùng thuốc nhỏ mắt chứa vitamin, acid amin để phòng ngừa các bệnh về mắt do các tia sáng.

Theo Phunutoday.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]