Một số điều cần biết về Liên hoan phim Cannes

0
Đạo diễn gốc Việt Trần Anh Hùng từng giành giải Camera Vàng năm 1993 với bộ phim đầu tay Mùi Đu Đủ Xanh (Nguồn: AFP)
Nhân sự kiện Liên hoan phim Cannes lần thứ 66 – một trong những sự kiện điện ảnh được chờ đón nhất - chuẩn bị được tổ chức tại Pháp từ ngày 15 tới 26 tháng Năm tới, hãy cũng VietnamPlus điểm qua một số điều thú vị về sự kiện điện ảnh hàng đầu thế giới này:

* Khởi đầu gian nan: LHP Cannes đầu tiên được khai màn vào ngày 1/9/1939 dưới tay của Louis Lumiere cùng người anh trai Auguste – nhà làm phim đầu tiên trên thế giới. Những poster đẹp mắt đã được in, một trong những casino đẹp nhất của khu nghỉ dưỡng Riviera đã đồng ý làm địa điểm tổ chức, nhiều tác phẩm của Pháp và nước ngoài (bao gồm cả bộ phim kinh điển “The Wizard of Oz”) đã sẵn sàng được chiếu, song tất cả đã bị lùi vô thời hạn.

Tất cả là bởi ngày khai mạc đầy định mệnh: 1/9/1939 cũng là ngày mà Thế chiến thứ hai nổ ra, khiến LHP bị hủy bỏ chỉ sau chưa đầy 48 giờ khi chỉ mới kịp chiếu duy nhất một bộ phim là “The Hunchback of Notre Dame” của Hollywood. Mãi tới năm 1946, Cannes mới chính thức được mở cửa trở lại khi chiến tranh đã kết thúc.

* Ánh hào quang thảm đỏ: Danh tiếng của Cannes chính là một thỏi nam châm hút các sao lớn đến đây từ giữa thập niên 50, song khi đó mọi thứ thoải mái hơn hiện tại. Gilles Jacob, chủ tịch 82 tuổi của Cannes hồi tưởng: “Ngày ấy, các ngôi sao có thể đi dọc bờ biển cùng đám đông.”

Còn ngày nay? Sự kiện điện ảnh 12 ngày này là một cơn bão với giới truyền thông và các ngôi sao luôn phải xuất hiện với sự hộ tống của cảnh sát.

* Các tài năng mới: Cannes luôn tự hào bởi họ giúp khai phá ra những đạo diễn triển vọng. Biểu tượng “làn sóng mới của điện ảnh Pháp” Francois Truffaut từng đoạt Cành cọ Vàng ở tuổi 28 với tác phẩm “The 400 Blows”.

Những tên tuổi của điện ảnh thế giới như George Lucas, Ken Loach, Steven Soderbergh, Quentin Tarantino cũng đều từng giới thiệu bộ phim đầu tay của họ tại Cannes, lần lượt là "THX1138," "Family Life," "Sex, Lies and Videotape" và "Reservoir Dogs."

Đạo diễn gốc Việt Trần Anh Hùng từng đoạt giải Camera d’Or năm 1993 với bộ phim đầu tay “Mùi Đu Đủ Xanh.”


Ban giám khảo Liên hoan phim Cannes lần thứ 65 (Nguồn: AFP)

* Tranh cãi: Những cuộc tranh luận trái chiều luôn là một phần của Cannes, giống như những chai champaigne được mở để chúc mừng. Trong thời Chiến tranh Lạnh thập niên 50, các bộ phim về trại tập trung của Phátxít hay chủ nghĩa thuộc địa đều không được trình chiếu để giữ mối quan hệ giao hảo.

* Niềm cảm hứng Palme d’ Or: Giải thưởng Cành cọ Vàng, được tạo ra năm 1955, đã truyền cảm hứng cho nhiều giải thưởng ăn theo khác. Có thể kể ra giải Queer Palm được trao cho những phim nói về chủ đề giới tình, đồng tính nam hoặc nữ; hay giải Hot d’ Or dành cho phim ... khiêu dâm xuất sắc nhất, được bình chọn bởi một tạp chí Pháp.

* Bị la ó chưa hẳn đã là tệ: Truyền thống của Cannes là việc giới truyền thông theo sát phản ứng của người xem sau khi một bộ phim được trình chiếu. Bị la ó tại Cannes có thể là một cơn ác mộng với người đạo diễn, song nó không có nghĩa là bộ phim sẽ bị xếp xó.

Các phim “L’ Avventura” (1960) của Michelangelo Antoinioni, “La Peau Douce” (1964) của Truffaut hay “L’ Argent” (1983) của Robert Bresson đều từng bị chê khi mới ra mắt song sau này đều được đánh giá như những kiệt tác./.



Theo Quốc Thịnh 

Vietnam+

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]