Một trải nghiệm điện ảnh khó diễn tả bằng lời

(Thethaovanhoa.vn) - James Cameron phải thốt lên: “Tôi nghĩ đây là những cảnh quay không gian vũ trụ tuyệt tác nhất và là bộ phim hay nhất từ trước đến nay trong thể loại này. Đó là kiểu phim mà tôi khao khát được xem từ rất lâu rồi!”. Ông đang nói về Gravity (Cuộc chiến không trọng lực), sẽ khởi chiếu tại Việt Nam từ 11/10.

0

2001: A Space Odyssey của thế kỷ 21?

Có vô số phim về đề tài không gian vũ trụ và hầu hết là khoa học giả tưởng (95% là phim Mỹ, và thực sự chỉ có Mỹ là làm thể loại này hay nhất). Nhưng thể loại này khó thu hút khán giả Việt, bởi những khái niệm khoa học kỹ thuật đỉnh cao về không gian vũ trụ quá xa vời so với mặt bằng kiến thức chung của người Việt. Ngay cả với những bom tấn như loạt phim Star Wars, Star Trek… làm mưa làm gió khắp năm châu, khán giả Việt Nam cũng chẳng mặn mà.

Nhưng trong thế giới phim này có một tượng đài vĩ đại vượt thời gian mà không một fan điện ảnh nào có thể không biết: 2001: A Space Odyssey của đạo diễn kỳ tài Stanley Kubrick sản xuất năm 1968. Bộ phim được xem là một chuẩn mực, là nguồn cảm hứng bất tận cho tất cả các phim viễn tưởng về không gian vũ trụ sau này. Và giờ đây sau gần nửa thế kỷ, Gravity đang cho thấy lại hình bóng 2001: A Space Odyssey của thế kỷ 21.


Một trải nghiệm kỳ vĩ đến nghẹt thở

Gravity không theo mô típ phổ biến của phim về không gian vũ trụ, không cuộc chiến nảy lửa giữa người Trái đất với sinh vật ngoài vũ trụ, không chạm trán dữ dội giữa các con tàu không gian, không những cuộc xâm lăng của hành tinh này với hành tinh khác, không quái vật không gian gớm ghiếc… Gravity kể câu chuyện về nữ kỹ sư cơ khí Ryan Stone và phi hành gia lão luyện Matt Kowalsky đang làm nhiệm vụ trên Trạm không gian quốc tế. Đối với Ryan, đây là chuyến du hành ngoài không gian đầu tiên. Còn đối với Matt, đây là chuyến đi cuối cùng trước khi nghỉ hưu.

Trong khi các phi hành gia đang thực hiện nhiệm vụ bên ngoài không gian thì thảm họa bất ngờ xảy ra. Những mảnh vỡ từ một vệ tinh khác đâm vào và phá hỏng tàu con thoi của họ, khiến cả phi hành đoàn chỉ còn lại Ryan và Matt cô độc ngoài không gian tối tăm. Sự tĩnh lặng ghê người khiến họ biết mình đã mất hết liên lạc với Trái đất và không còn cơ may được giải cứu. Tử thần kề sát bên bởi mỗi một lần hít thở lại tiêu đi chút oxy ít ỏi còn lại. Họ buộc phải liều mạng để mong tìm cơ may sống sót.

Gravity chỉ có hai nhân vật và sau nửa giờ thì chỉ còn lại một người. Con quái vật đáng sợ nhất trong Gravity chính là sự cô độc trong bóng đêm vĩnh cửu của vũ trụ. 90 phút phim là 90 phút thật sự căng thẳng, khiến ta không thể rời mắt khỏi màn hình với trái tim bị bóp nghẹt và thần kinh bị kéo căng như sợi dây đàn!

Cũng chưa có phim nào mà khán giả được trải nghiệm vẻ đẹp của Trái đất nhìn từ ngoài không gian thật kỳ vĩ và lộng lẫy như Gravity. Hơn 90% thời lượng phim diễn ra trong tình trạng không trọng lực, khiến chúng ta phải ngồi yên trên ghế một lúc khi đèn trong rạp bật sáng….

 Một cái nhìn nghiêm túc về hiểm hoạ rác vũ trụ

Cái tên Alfonso Cuarón, một trong ba đạo diễn người Mexico sáng giá nhất hiện nay tại Hollywood là động lực đầu tiên khiến tôi nhất quyết phải xem phim này. Gravity là sự trở lại ghế đạo diễn của ông sau 7 năm, kể từ bộ phim Children of Men (2006). Lần này trong Gravity, Alfonso kiêm luôn cả 4 vai trò quan trọng: đạo diễn, kịch bản, sản xuất và dựng phim.

Alfonso cho biết: “Tôi luôn có niềm đam mê và khám phá vũ trụ. Có những điều bí ẩn và lãng mạn khi hình dung mình bay ra khỏi trái đất”. Ông đồng cảm với những người đang làm việc cách xa trái đất hàng trăm km, nơi sự sống và cái chết chỉ là bức ngăn mỏng manh, và rác vũ trụ là tử thần giấu mặt luôn rình rập họ. 

“Đây thực sự là một nguy cơ. Những trạm không gian quay theo quỹ đạo nhất định. Nếu, hoặc khi va vào nhau, chúng sẽ tạo ra vô số mảnh vỡ. Rác vũ trụ chính là mối nguy hiểm luôn rình rập các phi hành gia, các tàu không gian và thậm chí kể cả những con người sống trên trái đất”, nhà sản xuất David Heyman chia sẻ.

Ý tưởng kịch bản Gravity là của con trai đạo diễn Alfonso Cuarón, nhà làm phim trẻ sinh năm 1981 – Jonás Cuarón. Alfonso cho biết: “Tôi bị kích thích bởi ý tưởng của Jonás về bộ phim. Tôi rất ấn tượng với cảm nhận của nó về tình cảnh giữa sự sống và cái chết. Đặt câu chuyện này vào trong không gian sẽ khiến nó trở nên vĩ đại hơn, hình tượng hơn”.

Hành trình đến màn ảnh của Gravity

Dự án Gravity được Universal Pictures ấp ủ trong nhiều năm, nhưng sau đó được chuyển qua Warner Bros, với sự quan tâm đặc biệt của ngôi sao Angelina Jolie cho vai nữ chính. Tuy nhiên, vài tháng sau cô từ bỏ, một phần hãng phim không chịu nổi mức cát xê 20 triệu USD, một phần Jolie phải tập trung đạo diễn bộ phim đầu tay, In the Land of Blood and Honey.

Tháng 3/2010, ngôi sao Robert Downey Jr. tỏ ý muốn đảm nhận vai nam chính, nhưng sau đó cũng lại bỏ dự án để tham gia một bộ phim khác. Tháng 12/2010, George Clooney chính thức ký hợp đồng thay thế Downey, vào vai nam chính.

Vai nữ chính cũng trải qua một cuộc tuyển chọn tốn nhiều thời gian với các ứng viên : Marion Cotillard, Scarlett Johansson và Blake Lively. Kể cả khi đạo diễn Alfonso được Warner Bros đồng ý cho phép mời ngôi sao Natalie Portman vào vai này không cần thử vai song cuối cùng Portman cũng bỏ cuộc bởi không sắp xếp được lịch đóng phim. Với nhân vật nữ chính Ryan, đạo diễn Cuarón nhận thức rõ ông cần một nữ diễn viên có thể đáp ứng tốt cả hai yêu cầu về thể chất và tâm lý. Sau cùng, ông tìm được điều đó ở Sandra Bullock, người mà nhà sản xuất David Heyman gọi là: “Một diễn viên sáng giá đang ở đỉnh cao phong độ. Diễn xuất của cô rất chân thực và thuyết phục”.

Sandra Bullock chia sẻ trải nghiệm của mình trong quá trình làm phim là cảm giác “cô đơn” và “tối tăm”. “Không ai ở bên bạn, im lặng kéo dài hàng giờ. Bạn nhận ra có nhiều thứ vốn không cần thiết vẩn vơ trong đầu. Đó là sự cô lập hoàn toàn”, cô cho biết.

Một trong những thách thức khi thực hiện bộ phim chính là làm thế nào để diễn tả được tâm trạng của một phi hành gia phải trải qua trước giờ phút sinh tử, trong khi kịch bản phim rất ít lời thoại. George Clooney cũng chia sẻ: “Bộ phim lôi cuốn người xem bởi diễn biến tâm lý, sự gay cấn của con người đứng trước cái chết trong không gian vũ trụ bao la, và sự cô lập. Đó là một cuộc đấu tranh sinh tồn của hai diễn viên, hai con người trong không gian. Không có những con quái vật. Nó giống như 2001: A Space Odyssey, hơn là một bộ phim hành động”.

Phim đáng xem nhất từ đầu năm 

Bộ phim bấm máy ở London trong phim trường Pinewood và Shepperton tháng 5/2011, với kinh phí khoảng 80 – 100 triệu USD và ghi hình bằng máy kỹ thuật số Arri Alexa. Kỹ xảo hình ảnh do Tim Webber giám sát. Định dạng 3D do Chris Parks thiết kế và giám sát.

Alfonso Cuarón cho biết, mặc dù có vài nhân vật trong phim, nhưng khán giả sẽ chỉ thấy mặt hai nhân vật chính, đồng thời những vụ nổ trong phim sẽ không có tiếng động. Ông nói: “Mục tiêu của chúng tôi không phải là khoe khả năng của công nghệ, mà là miêu tả chuỗi tâm trạng mà các nhân vật phải trải qua”.

Tuy nhiên trải nghiệm về âm thanh của Gravity thật là đặc biệt. Dù đã quá quen với thế hệ âm thanh mới Dolby Atmos, nhưng đến bây giờ khi xem Gravity tôi mới thật sự cảm nhận rõ được hiệu quả tuyệt vời của Dolby Atmos, nhất là những đoạn chuyển từ ầm ĩ sang những khoảng lặng đắt giá (hiện ở VN mới chỉ có 2 phòng chiếu của Megastar trang bị hệ thống âm thanh Dolby Atmos – 1 ở TP.HCM, 1 ở Hà Nội). 

* Bộ phim Gravity (Cuộc chiến không trọng lực) sẽ khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 11/10/2013

BÁ VŨ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

 


 

 

 

 

 

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]