Motorola - Google: Sự dung hợp từ hai nửa khác biệt

Motorola là một trong những công ty bảo thủ, trì trệ bậc nhất với gần 80 năm "thâm căn cố đế" ở lĩnh vực di động, còn Google lại là một doanh nghiệp "trẻ" với lối làm việc cực thoáng. Sự dung hợp giữa 2 nền văn hóa đối lập này hứa hẹn sẽ đem đến nhiều điều thú vị.

15.5804

Ông chủ của Motorola Mobility đã gây một náo động lớn khi lần đầu tiên bước vào văn phòng trong phục trang là đôi dép xỏ ngón. “Họ thốt lên: kìa ngài Sanjay, ngón chân ngài đang thò ra kìa.” Và đây là chân dung của CEO Sanjay Jha, người vừa đặt bút ký bản hợp đồng bán Motorola Mobility cho Google với cái giá 12,5 tỷ USD vào hồi đầu tuần.


CEO Sanjay Jha của Motorola.

Kể từ khi nắm quyền Motorola vào năm 2008, CEO Jha đã tìm hướng đi mới cho hãng điện thoại đang trên đà xuống dốc này. Tuy nhiên, ngay cả khi vị CEO có phong cách thời trang trẻ trung này gồm áo polo và quần jeans vẫn không cứu được sự thảm bại của Motorola trên thị trường di động.

Sự chuyển đổi của Jha được coi là phép thử trước việc đồng nhất 2 tập đoàn vốn khác biệt nhau cả về bản chất lẫn đường hướng kinh doanh. Những người đang làm việc cho Motorola quan ngại rằng sẽ có nhiều khó khăn khi hòa nhập với văn hóa của Google, tập đoàn được coi là đứa con của thời đại Internet với phong cách ngẫu hứng. Về phía Motorola, phong cách làm việc vẫn mang tính “cơ chế” khi việc đưa các sản phẩm mới ra thị trường vẫn bị chậm trễ bởi tính quan liêu từ một số nhân sự tại đây.
 
Điểm khác biệt giữa hai đại gia này chính là việc Motorola tập trung vào phần cứng còn Google lại mạnh ở phần mềm.
 
Google nổi tiếng là 1 công ty thích phiêu lưu với hàng loạt các vụ mua lại có những cái giá khiến người ta phải giật mình, trong khi Motorola lại luôn tỏ ra rụt rè, không dám đổi mới. Giải thích tại sao Google lại dũng cảm và dễ chấp nhận mạo hiểm hơn, CEO Jha cho biết. “Nếu tôi làm việc ở Google, viết ra một dòng code với một chút lỗi, tôi có thể sửa nó. Nhưng nếu tôi đã bán ra một chiếc di động, tôi sẽ không thể can thiệp được gì nữa”.

Một trong những bước đi sai lầm của Motorola gần đây chính là việc suýt nữa đã bỏ lỡ cơn sốt smartphone. Suốt trong những năm 2007, 2008 khi thị trường sôi sùng sục với iPhone và các điện thoại Android đầu tiên, Motorola vẫn "bình chân như vại" với các sản phẩm feature phone ít tính năng.

Rất may, Jha đã tới và thay đổi định hướng của Motorola, chuyển sang tập trung phát triển các smartphone nền Android. Ông khuyến khích các nhân viên dưới quyền của mình mạnh dạn hơn trong việc đổi mới lề lối làm việc nhằm thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu sản xuất, giúp Motorola có thể bắt kịp cuộc chạy đua smartphone đang trên đà khởi động.

Khi Jha bắt đầu nắm quyền ở Motorola, một sản phẩm muốn bước ra từ trong giấy để đi vào giai đoạn sản xuất phải vượt qua 15 "cửa ải". Điều này phản ánh phần nào sự quan tâm đến chất lượng của 1 thiết bị được đóng mác Motorola, tuy nhiên chính vì sự cẩn thận quá đáng ấy, khi 1 sản phẩm ra lò, nó trở nên lạc hậu so với các smartphone trên thị trường vì quá trình nghiên cứu mất quá nhiều thời gian.

Nếu như trước đây, khi vòng đời 1 sản phẩm kéo dài từ 2-4 năm, yếu điểm ấy của Motorola không thể hiện rõ rệt thì nay, khi 1 smartphone chỉ nằm trên kệ từ 6 tháng đến 1 năm, Motorola đã bị tụt hậu trong cuộc chạy đua chính vì lề lối làm việc lề mề, quan liêu. “Chúng tôi từng có cả những chuyên gia được trả lương chỉ để có những phát biểu kiểu như ‘thêm 3 con ốc nữa’ và sản phẩm bị trễ hẹn thêm 4 tuần.” ông Jha cho hay.

Điều này dẫn đến việc cắt giảm nhân sự, việc làm, thay thế người cũ cũng như các kỹ sư nhiều kinh nghiệm bằng các nhân sự trẻ hơn. Lý giải cho việc này, CEO Jha cho biết một số nhân sự cũ có kỹ năng không thích ứng được với công nghệ mới.

Trên thực tế, vị thế của 2 tập đoàn này khác nhau hoàn toàn trên lĩnh vực công nghệ. Năm ngoái Motorola đã lỗ 86 triệu USD trong khi Google lãi 8,6 tỉ USD. Có thể điều này sẽ là động lực khiến những nhân viên tại xứ Libertyville muốn nhảy sang ngồi với các đồng nghiệp mới của mình ở thung lũng Silicon.

Hiện đang có khoảng 20.000 nhân sự đang làm việc tại Motorola Mobility và gần 29.000 tại Google. Một quản lý cũ của Motorola đã cho rằng: “Chung quy lại, các kỹ sư của Motorola sẽ chẳng còn vị thế gì trong khi các kỹ sư Google thì lại giở thói "ma cũ bắt nạt ma mới", dẫn đến một sự mâu thuẫn rất khó giải quyết trong vấn đề nhân sự”.

Sự khác biệt về đẳng cấp và chế độ đãi ngộ dành cho nhân viên giữa 2 tập đoàn này là một minh chứng điển hình. Nếu tại trụ sở của Motorola tại Libertyville chỉ là một khu vực làm việc với những tòa nhà như những khối hộp trắng toát, quán ăn ở cách xa cả dặm và căn-tin chỉ miễn phí tách cafe thì tại Google, nơi đây được coi là niềm mơ ước của mọi người lao động trên toàn thế giới. Trụ sở của Google ngay gần thành phố San Francisco sôi động, có sẵn nhà hàng ăn sang trọng và một bar cafe với những thức ăn đẳng cấp thế giới.

Sự khác biệt về văn hóa công ty giữa 2 đại gia này theo người phát ngôn Google thì: “Chúng tôi sẽ duy trì 2 thực thể khác biệt, cùng song song tồn tại trong một tập đoàn”.

Về phần CEO Jha, ông cho rằng việc tồn tại 2 văn hóa công ty thật sự rất ổn nhưng cả 2 công ty nên học hỏi lẫn nhau bởi mỗi nơi lại có một điểm hay và một giá trị riêng trong văn hóa, và đôi khi sự đối nghịch lại là một điều tốt.

Tuần trước, tại đại bản doanh của Motorola, kỹ sư James King, người đã có kinh nghiệm 11 năm cống hiến cho tập đoàn này đã thốt lên rằng: “Ngay bây giờ tôi chưa sẵn sàng để trở thành một phần của Google. Nhưng về lâu dài thì có thể.”

Còn “ông tổ” Martin Cooper, nguyên kỹ sư Motorola, con người với bề dày thành tích đã đi vào lịch sử viễn thông nhân loại là người chịu trash nhiệm phát triển chiếc điện thoại di động đầu tiên thì dự đoán Google sẽ không coi trọng những kinh nghiệm của Motorola trong lĩnh vực truyền thông và liên lạc vô tuyến. Ông bày tỏ sự tiếc nuối của mình khi "1 công ty có đến 82 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên lạc vô tuyến và khát khao đổi mới công nghệ lại bị 1 công ty thời đại Internet "nuốt mất".

Về phía cựu CEO của Motorola – ông Edward Zander, người đã cầm quân tập đoàn này giai đoạn 2004 – 2008 thì cho rằng việc học hỏi văn hóa mới là một điều khó khăn nhất trong sự nghiệp.

Zander cho rằng cả ông lẫn CEO Jha đã làm tất cả những gì tốt nhất cho Motorola và rằng, những giá trị về các bằng sáng chế của Motorola còn cao hơn nhiều lần so với giá trị của cả mảng sản xuất, kinh doanh thiết bị. Ông cũng dự đoán rằng: “Hoặc Motorola sẽ phải chứng tỏ được vị trí của mình, hoặc Google sẽ đập bỏ nó và chỉ giữ lại các sáng chế”.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]