Mũ bêrê trên chóp thận giúp cơ thể ứng phó với stress

Tôi thích thú hình ảnh hai quả thận đội mũ bêrê. Bêrê nằm trên chóp thận được gọi là tuyến thượng thận tiết ra các hormon.

15.5976

Hai tuyến nhỏ xíu xinh xinh có vai trò kỳ diệu: giúp cơ thể ứng phó với các stress. Nhắc nhau nâng niu thượng thận.

>>
 

Mũ bêrê trên chóp thận

Bêrê bên phải có hình tam giác, bêrê bên trái có hình lưỡi liềm. Nhỏ xíu mà mỗi tuyến lại chia thành hai phần: bên ngoài là phần vỏ, bên trong là phần lõi. Phần ai nấy lo chế tạo các hormon khác nhau. Ta với mình tuy một mà hai.

Lõi thượng thận chế tạo hormon epinephrin (adrenalin) và nor epinephrin (noradrenalin). Các hormon này được tiết ra ở các tình huống khẩn cấp sinh tử, làm tăng nhịp tim và huyết áp, và chuyển nhiều máu hơn đến não tim và cơ bắp.

Vỏ thượng thận có vai trò đáp ứng với nhiều loại stress khác nhau. Lớp vỏ này chế tạo nhiều hormon gọi steroid gồm cortisol, 17 hydroxy keto steroid, DHEA, pregnenolon, aldosteron, progsteron, testosteron, estrogen và vài hormon trung gian. Phần lớn các hormon này cũng được sản xuất ở các nơi khác, nhưng aldosteron, cortisol và hydrocortison chỉ do vỏ thượng thận làm ra.
 
Vai trò quan trọng nhất của cortisol là giúp cơ thể ứng phó với stress. Bình ổn huyết áp và chức năng tim mạch, quân bình các tác dụng của insulin để chuyển đường thành năng lượng, làm chậm đáp ứng viêm của hệ miễn dịch, điều tiết sự chuyển hoá protein, carbohydrat. Hormon aldosteron phối hợp với thận, điều hoà lượng natri và kali trong cơ thể.
 
Đây là vai trò sinh tử để ứng phó với stress, giữ quân bình nước, điều tiết huyết áp. Vỏ thượng thận thuộc dàn nhạc nội tiết, chịu chỉ đạo của tuyến yên nhạc trưởng, vùng dưới đồi ở đáy não là bầu sô cầm trịch cao hơn.

Nâng niu thượng thận

Hai tuyến nhỏ xíu khi xáo trộn gây lắm chuyện: bệnh Addison của vỏ thượng thận làm điêu đứng Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy, bệnh Cushing lại phát xuất từ bướu tuyến yên, các loại bướu thượng thận. Đáng lưu tâm lại là con dao hai lưỡi corticoid. Thời đại ngày nay nổi cộm hội chứng mệt mỏi thượng thận.

Bệnh Addison là suy thượng thận do bệnh của tuyến thượng thận. Bệnh này là sự sút giảm mạn tính trầm trọng chức năng thượng thận do sút giảm lượng cortisol. Tổng thống Hoa Kỳ thứ 35 John F. Kennedy là người bệnh Addison nổi tiếng nhất.

Các triệu chứng gồm cơ bắp không có sức, giảm đường huyết, buồn nôn, biếng ăn, sụt cân, giảm huyết áp. Có những vùng lốm đốm hoặc sậm đen thường thấy ở các vết sẹo, các nếp gấp, các ngón chân, môi, cùi chỏ, đầu gối, bàn toạ.

Năm 1855, Thomas Addison mô tả và gắn tên mình vào loại bệnh mà JFK mắc phải. Đây là bệnh nội tiết được biết sớm nhất, căn bệnh sát thủ cho đến khi y học biết nguyên nhân là các tuyến thượng thận không chế tạo được cortisol. Các thầy thuốc bù hormon để cứu bệnh nhân.

Hội chứng Cushing. Các triệu chứng gồm béo phì vùng trung tâm, mặt tròn như mặt trăng, bụng phệ ra, tay chân lại khẳng khiu. Thường mệt đuối, cơ bắp không có sức, da mỏng, huyết áp cao, cáu bẳn, hồi hộp và trầm cảm, lông mọc nhiều trên mặt, cổ, ngực và đùi. Xáo trộn kinh nguyệt. Đàn ông bớt ham muốn tình dục.
 
Vì đâu ra bệnh? Thật là ngộ một khối bướu của tuyến yên ở tận đáy sọ sản xuất một hormon riêng là ACTH, hormon này thúc đẩy vỏ thượng thận ở trong bụng làm việc cật lực để chế tạo cortisol thật nhiều. Vậy là nhạc trưởng tuyến yên cầm trịch trật chìa khiến nhạc công vỏ thượng thận lỗi nhịp. Việc trị liệu tuỳ thuộc nguyên nhân của hội chứng. Nếu thật sự do bướu ở tuyến yên hoặc từ thượng thận phải nhờ đến bác sĩ chuyên khoa.
 
Con dao hai lưỡi. Không phải do bướu tuyến yên, hội chứng Cushing có thể do thầy thuốc và người bệnh. Các bác sĩ dùng các hormon steroid này để trị bệnh hen suyễn, thấp khớp, hồng ban toàn thân. Dùng nhiều hoặc dùng dài ngày các glucocorticoid (hydrocortrsone, predinison, methylprednison hoặc dexamethason) cũng gây ra Cushing.
 
Bà con không biết rõ, tự mình lậm “hột dưa” hoặc “đề xa” (dexamethason) bị chứng Cushing lúc nào không hay. Mới uống thấy ăn ngon miệng, ngủ được, người thơ thới, lên cân mau. Mua thuốc đông y uống cho êm, đâu biết, người bào chế cắc cớ trộn corticoid vào. Dùng corticosteroid quá lâu, nên giảm từ từ và có bác sĩ theo dõi thật sát. Nếu lỡ dùng thuốc “gia truyền” thì phải hỏi thầy thuốc.
 
Mệt mỏi thượng thận. Năm 1998 bác sĩ James L. Wilson đặt ra từ mỏi mệt thượng thận để chỉ một loại mệt mỏi đặc hiệu mạn tính. Có thể gặp ở người nào bị stress tinh thần thể chất dai dẳng. Wilson còn gọi là Hội chứng stress của thế kỷ 21. Hội chứng còn được gọi là suy thượng thận không Addison. Stress là nguyên nhân chủ yếu.
 
Trong thời xa xưa, khi con người trong hang động gặp một mãnh thú, các tuyến thượng thận kích hoạt chiến đấu hoặc bỏ chạy. Cách này giúp người hoang sơ tồn tại. Vào thời đó, người ta chỉ cần vài tuần vài tháng để hồi phục trước khi gặp stress khác. Trong xã hội ngày nay, chúng ta liên tục gặp stress và phải đáp ứng. Thượng thận phải tăng cao các hormon để ứng phó với nhiều gánh nặng. Ngày qua ngày, tuyến thượng thận bị cạn kiệt dự trữ. Các hormon trở nên thiếu hụt.
 
Stress nhiều có thể do áp lực công việc, di chuyển nhiều, thay đổi việc làm, người thân chết, gia đình xào xáo, thể chất bệnh hoạn, sợ hãi, giận dữ, thể dục quá sức, mất ngủ, bị nhiễm độc, nhiễm trùng mạn tính, suy dinh dưỡng. Các triệu chứng thông thường gồm: thường thấy uể oải, giấc ngủ không yên, thèm ngọt, thèm mặn, thấy không có sức, giảm ham muốn tình dục, có thể không đủ ấm, sợ lạnh dễ cảm, đau khớp.
 
Phải nâng niu thượng thận. Ăn uống đúng mức và thay đổi nếp sống. Ăn cho đủ lượng protein và chất bột. Tránh ăn vặt, tránh càphê hoặc nước ngọt có gaz. Tránh thức ăn chế biến sẵn, thuốc lá, rượu. Dưỡng giấc ngủ, tập thể dục, đi bộ, yoga, hít thở thâm sâu. Theo lời bác sĩ hướng dẫn dùng vitamin C, vitamin B bổ sung DEHE, axít pantothenic…
 
AloBacsi.vn (Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng - Sài Gòn Tiếp Thị)


JFK và bệnh tật

Vào dịp tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, J.F. Kennedy xuất hiện trẻ trung, đầy sức sống. Thật ra ông luôn chiến đấu với bệnh tật. Chẩn đoán viêm đại tràng năm 1934, bệnh Addison năm 1947 và mổ lưng ba lần năm 1944, 1954 và 1957.

Addison là loại bệnh đe doạ mạng sống. Cho đến năm 1940, mới có cortisol để điều trị. Phẫu thuật có thể làm chết người mang bệnh Addison. Vào năm 1954, thượng nghị sĩ Kennedy lại phải chịu mổ vì chứng đau lưng hành hạ, ông sống sót sau cuộc mổ nhưng phải nằm viện chín tháng vì bị nhiễm trùng và suy kiệt.

Có ghi nhận trong suốt nhiệm kỳ tổng thống, mỗi ngày ông dùng 500mg vitamin C hai lần, 10mg Hydrocortison, 25mg Prednison hai lần, 0,1mg Fludrocortison, 10mg methyltestosteron và nhiều thuốc khác. Testosteron được dùng để chống sụt cân và teo sinh dục, có thể làm tăng đàn ông tính. Thuốc steroid thay đổi gương mặt, vài hình chụp cho thấy mặt như trăng rằm. Từ lúc trai trẻ JFK có màu da sạm, một triệu chứng của bệnh Addison. “Điều này giúp tôi tự tin, thấy mạnh khoẻ và thu hút”.

Bệnh Addison và bệnh suy giáp của Kennedy có thể do một bệnh hiếm gặp là hội chứng tự miễn đa nội tiết loại 2, viết tắt AP2, cũng thấy ở thân nhân gần: em gái Eunice bị Addison và con trai John Kennedy Jr. bị cường giáp.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]