Mùa bơi, mùa bệnh!

(VietQ.vn) - Nhiều bể bơi ở Hà Nội đồng loạt tăng giá vé vào cửa nhưng chất lượng phục vụ không hề được cải thiện. Khách hàng lại đối mặt với nguy cơ nhiễm các chứng bệnh về da.

15.6294

Bể bơi quá tải

Theo khảo sát, tại một số bể bơi bình dân tại các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Long Biên... giá vé vào cửa đã tăng từ 5.000-10.000 đồng.

Cụ thể, sau khi tăng giá, vé vào cửa của người lớn dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/vé bể ngoài trời, trẻ em từ 20.000-35.000 đồng/vé. Bể trong nhà có giá vé dao động từ 60.000-80.000 đồng/vé.

Lượng khách tăng vọt, đặc biệt vào những ngày cuối tuần, gấp 4-5 lần so với ngày thường.Vào những giờ cao điểm, nhiều bể bơi luôn gặp tình trạng quá tải.

Để tiết kiệm chi phí, nhiều người có xu hướng mua vé tháng với giá dao động từ 700.000- 1,2 triệu đồng/tháng.

Dịch vụ cho thuê đồ bơi như kính, mũ, phao, quần áo... “ăn theo” với giá 10.000-30.000 đồng/lượt, đồ ăn nhanh tại bể cũng đắt khách.

Tại một bể bơi ở quận Long Biên, khoảng 5 giờ chiều, lượng người trong bể bơi đã chật kín. Mặc dù vậy, ở khu vực bán vé ngoài cổng, nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ vẫn lũ lượt xếp hàng chờ mua vé với mong muốn được ngâm mình trong làn nước mát.

Vừa nhẫn nại xếp hàng, anh Hải (Ngọc Lâm, quận Long Biên) cho biết, 4 ngày nay, cứ vào cuối giờ chiều, anh lại đưa cô con gái đang học lớp 1 đến bể bơi. Tuy vậy, anh Hải đã phải đổi địa điểm đến lần thứ 3 do thấy chỗ nào cũng đông đúc đến ngạt thở. Mong muốn dạy con gái bơi của anh Hải cũng không thực hiện được bởi bể nào cũng quá chật chội.

Anh Hải than phiền: “Mang tiếng đến bể bơi mà chỉ… được lội. Người đứng cách nhau chưa đầy nửa mét nên chỉ cần vung tay vung chân là đã xảy ra va chạm, chưa kể nguy cơ lây bệnh do môi trường nước trong bể bị ô nhiễm nặng”.

Không chỉ có người già, thanh niên mà các cháu nhỏ cũng đến đây khá đông, trong đó có cháu mới… lẫm chẫm tập đi. Tuy vậy, cảnh báo về độ sâu trong từng khu vực của bể chỉ được ghi trên tấm bảng khá nhỏ được đặt sát mép bể chứ không được phân chia thành khu vực riêng. Điều này là khá nguy hiểm đối với trẻ nhỏ vì chỉ cần không để ý, bước hụt chân trẻ sẽ bị chìm nghỉm.

Bể bơi công cộng là môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh

Nguy cơ lây nhiễm bệnh

Hầu hết trước cổng vào của các hồ bơi đều ghi rất rõ quy định về những trường hợp không được xuống hồ bơi như: người mắc bệnh Down, bệnh truyền nhiễm, người uống rượu… Nhưng, việc khách có thực hiện đúng quy định hay không thì các hồ bơi không kiểm soát được, bởi gần như không có người kiểm tra. Khách mua vé xong, thay đồ, rồi một mạch đi xuống hồ bơi tắm.

Một bác sĩ tại khoa khám của BV Mắt cho biết, trong 1 tháng qua, số người đến khám do đau mắt đỏ tăng lên nhiều, trong đó không ít người có đi tắm ở các hồ bơi công cộng. Trong khi đó, các bác sĩ tại BV Da liễu ghi nhận tình trạng trẻ bị mắc các bệnh ngoài da như nấm mốc, ghẻ ngứa đến khám cũng tăng lên đáng kể, và qua khai thác bệnh sử thì không ít cháu có đi tắm ở hồ bơi.

Anh Khoát (Cầu Giấy) cho hay, cách đây 2 hôm anh đưa con trai đến bơi tại một bể bơi có hệ thống bơm lọc tự động ở gần nhà. Mặc dù nhìn tổng thể, nước hồ bơi rất trong xanh nhưng để ý kỹ anh thấy một số mảng váng màu đen trôi lững lờ trong làn nước. Tuy nhiên, anh Hà xuề xoà: “Nước có ô nhiễm cũng đành chấp nhận vì đất chật, người đông. Với lại, đâu chỉ có bố con tôi, còn hàng trăm người khác cũng đến bể bơi để “trốn” nóng kia mà”…

Chủ một bể bơi tại quận Long Biên lý giải, trong những ngày gần đây, do thời tiết oi bức, nắng nóng nên các bậc phụ huynh đưa con em đến bơi rất đông. Có người thiếu ý thức còn thản nhiên kỳ cọ ngay trong bể bơi. Mặc dù, hầu hết bể bơi có trang bị hệ thống bơm và lọc nước tự động nhưng để đáp ứng nhanh và đảm bảo nguồn nước sạch cho số lượng người đông đến bơi mỗi ngày cùng một lúc không phải là chuyện dễ.

Về vấn đề này, theo bác sĩ Trần Thu Hà - bệnh viện Bạch Mai, nếu tắm trong môi trường nước nhiễm bẩn, trẻ em rất dễ bị lây nhiễm những bệnh về tai mũi họng và bệnh truyền nhiễm qua da do sức đề kháng của trẻ còn yếu. Đồng thời, những triệu chứng viêm nhiễm trên da có thể dẫn tới nổi mụn, viêm ngứa và nhiễm trùng. Đặc biệt, nếu trẻ đi bơi trong tình trạng có những vết thương xước trên da thì khả năng lây nhiễm còn cao hơn.

Mùa nắng nóng cũng là môi trường tốt để các loại vi khuẩn gây bệnh hoạt động. Do đó, trước nhu cầu bơi lội, “giải nhiệt” của người dân trong những ngày nắng nóng, bác sĩ Hà đưa ra lời khuyên, người lớn và trẻ nhỏ khi đi bơi nên cẩn thận lựa chọn những bể bơi có hệ thống lọc nước tốt, thay nước thường xuyên và mật độ người tắm không đông để đảm bảo sức khỏe trong mùa nắng nóng. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng nên để mắt đến con, đặc biệt là những bé chưa biết bơi nhằm ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Ngọc Anh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]