Ảnh Internet

CTCP FPT (FPT)

FPT là tập đoàn công nghệ thông tin và viễn thông lớn nhất Việt Nam, hiện đang đứng vị trí thứ ba trong Top 10 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam. Ngoài những mảng kinh doanh chính như viễn thông, phần mềm, tích hợp - hệ thống, mảng bán lẻ của FPT cũng đang có nhiều triển vọng tốt.

Năm 2014 là năm FPT đẩy mạnh chiến lược toàn cầu hóa và chứng kiến mức tăng trưởng mạnh trở lại của Tập đoàn. Năm 2014, FPT đạt doanh thu 35.114 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với năm 2013, đạt 110% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất toàn Tập đoàn ước đạt 2.075 tỷ đồng, tăng 0,5% so với năm 2013. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ước đạt 1.628 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 4.735 đồng.

Thị trường nước ngoài tiếp tục đóng góp kết quả kinh doanh rất tốt cho Tập đoàn. Doanh thu toàn cầu hóa toàn Tập đoàn ước đạt 3.684 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2013. Tất cả các thị trường trọng điểm đều tăng trưởng xấp xỉ 40%. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 584 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2013.

Bước sang năm 2015, ngành công nghệ thông tin trong nước bắt đầu có tín hiệu khởi sắc, cùng với việc tái cơ cấu các mảng kinh doanh kém hiệu quả, đồng thời tiếp tục mở rộng chuỗi bán lẻ, FPT dự kiến kế hoạch doanh thu 39.600 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2014; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 2.860 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2014.   

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG)

HSG là nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam về tôn đen, tôn kẽm, tôn lạnh, tôn kẽm màu, tôn lạnh màu. HSG cũng là nhà sản xuất ống thép, xà gồ và ống nhựa. Công ty hiện chiếm 37,8% thị phần tôn của cả nước và 19,4% thị phần ống thép. Với mạng lưới gồm 150 chi nhánh độc quyền, dự kiến nâng lên con số 200 trong năm 2015 và 300 trong vòng 3 năm tới, sản phẩm của HSG có độ phủ rộng khắp cả nước.

Nếu như nhiều DN cùng ngành gặp khó khăn do kinh tế suy giảm, thị trường bất động sản đóng băng thì những năm qua, HSG vẫn tăng trưởng tốt. Niên độ tài chính 2013-2014, HSG đạt doanh thu 14.990 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 410 tỷ đồng (trên vốn điều lệ 1.007 tỷ đồng). Trong niên đột tài chính 2014-2015, HSG đặt kế hoạch doanh thu 16.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 450 tỷ đồng. Trong quý đầu của niên độ tài chính 2014-2015, HSG đã đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 125 tỷ đồng. 

CTCP Vĩnh Hoàn (VHC)

VHC hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nuôi, chế biến, bảo quản và xuất khẩu cá da trơn. Công ty đứng đầu về xuất khẩu cá da trơn và giữ vị trí thứ hai về xuất khẩu thủy sản tại Việt Nam. Thị trường xuất khẩu chính của VHC là Hoa Kỳ và châu Âu. Công ty cũng được đánh giá là một trong những công ty dẫn đầu về tốc độ phát triển nhanh và lợi nhuận cao trong lĩnh vực chế biến thủy sản ở Việt Nam. Khả năng quản lý nguồn cung nguyên liệu của Vĩnh Hoàn cũng như quy trình sản xuất khép kín giúp cho việc quản lý chất lượng sản phẩm hết sức chặt chẽ và giảm thiểu tối đa mức tiêu hao nguyên liệu. Công ty hiện có vốn điều lệ 924 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2014, VHC đạt doanh thu 4.306 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 3.719 tỷ đồng cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 499,56 tỷ đồng; tăng trưởng trên 100% so với cùng kỳ (201 tỷ đồng).

Giá cổ phiếu VHC trong năm 2014 đã tăng từ 24.000 đồng/CP lên 37.000 đồng/CP, tương đương mức tăng hơn 50%. 

CTCP Thủy sản Minh Phú (MPC)

Một “gương mặt” khác không thể không nhắc đến cũng thuộc ngành thủy sản là MPC. Trong năm 2014, giá cổ phiếu MPC đã có mức tăng rất ngoạn mục, đạt trên 400%, từ mức 24.000 đồng/CP lên 107.000 đồng/CP.

MPC được đánh giá là DN hàng đầu thế giới về chế biến tôm và số 1 Việt Nam về xuất khẩu thủy sản. Thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu và Hàn Quốc.

Với quy trình sản xuất khép kín từ khâu sinh sản tôm giống, nuôi tôm cho đến khâu chế biến và xuất khẩu, MPC có thể kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm cũng như nâng cao lợi nhuận.

Năm qua, MPC đã xuất khẩu hơn 47.713 tấn tôm, với kim ngạch 730,367 triệu USD, tăng 22,9% về lượng và tăng 40,58% về giá trị so với năm 2013. Riêng 9 tháng năm 2014, lợi nhuận ròng của Công ty đạt 565 tỷ đồng (trên vốn điều lệ 700 tỷ đồng), tăng tới 263% so với cùng kỳ.

Năm 2015, MPC đặt mục tiêu xuất khẩu được 600.000 tấn thủy sản, phấn đấu đạt kim ngạch 1 tỷ USD. 

CTCP Bột giặt LIX (LIX)

LIX được thành lập vào năm 1972 và cổ phần hóa vào năm 2003. Sản phẩm chính của Công ty gồm bột giặt, nước làm mềm vải, nước rửa chén và các sản phẩm lau sàn nhà. Sản phẩm của LIX đã được xuất khẩu tới khoảng 20 thị trường, như Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Phillipines, Hàn Quốc, Úc, Campuchia, một số nước thuộc châu Phi, Trung Đông. Thị trường xuất khẩu hiện chiếm khoảng 30% tổng sản lượng tiêu thụ của Công ty. Tại thị trường trong nước, năm 2011, LIX chiếm khoảng 11% thị phần.

Nhờ chiến lược “đi bằng hai chân”, vừa gia công cho hãng lớn, siêu thị, vừa phát triển nhãn hàng riêng, LIX duy trì được đà tăng trưởng tốt. Năm 2014, LIX đạt doanh thu 1.720,8 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 14% so với 2013; lợi nhuận sau thuế đạt 80,7 tỷ đồng, EPS đạt 3.739 đồng.           

Quỳnh Châu