Mùa cao điểm dịch bệnh

GiadinhNet - Những ngày gần đây, tại TP HCM mưa kéo dài, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh hoành hành

0

Dịch sốt xuất huyết đang ở đỉnh điểm, trong khi đó bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng đột biết, bệnh hô hấp cũng tăng cao... Bệnh dịch nguy hiểm bùng phát cùng một thời điểm đã khiến các cơ sở y tế quá tải.

Đỉnh điểm sốt xuất huyết

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng, tháng 9, thành phố có hơn 1.600 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng 3% so với cùng kỳ năm 2009; 5.705 ca mắc bệnh SXH phải nhập viện điều trị. Hiện thành phố có khoảng 470 ca SXH (tăng hơn 100 ca so với các tuần cuối tháng 9).
 
Nhiều trẻ mắc SXH nằm điều trị tại BV Nhi đồng 1, TP HCM.
Ảnh: Huyền Trang

TS.BS Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho hay, SXH đã tấn công 100% phường xã trên địa bàn thành phố. TP HCM hiện có 166 phường, xã có ổ dịch nhỏ, vừa và lớn (chiếm 80% số ca mắc SXH mỗi tuần).  Lý giải về tình trạng trên, TS.BS Lê Trường Giang cho biết: "Mặc dù Sở Y tế đã dự báo trước nhưng dịch bệnh vẫn tiếp tục tăng cao. Nhiều phường xã để dịch kéo dài quanh năm, đó chính là sự thất bại trong công tác phòng chống dịch của địa phương".

Sở Y tế sẽ chọn 100 phường, xã có số ca mắc SXH trọng điểm để phun thuốc diệt muỗi, diệt loăng quăng một cách triệt để. 66 phường, xã còn lại cũng phải lên kế hoạch dập dịch ở cấp phường, xã. Trung tâm y tế dự phòng các huyện tập trung máy móc, nhân lực để tiến hành dập dịch trong vòng 3 tuần tới, bắt đầu từ 10/10.

Trẻ vào mùa “tay chân miệng”
 
Dịch sốt xuất huyết
có thể kéo dài
 
Ngày 12/10, Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Sở Y tế TP HCM và đại diện các bệnh viện về công tác phòng chống, điều trị sốt xuất huyết (SXH) khu vực phía Nam.
 
Theo Sở Y tế TP HCM, 9 tháng đầu năm, BV Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị cho 4.761 lượt bệnh nhân, trong đó có 229 trường hợp bị nặng. Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị cho 5.249 trường hợp. Khó khăn lớn nhất trong việc chữa trị SXH là ở bệnh nhi, trong khi thiếu nguồn nhân lực, nhất là tại các tỉnh. Các Khoa Nhi, Khoa Nhiễm, Hồi sức cấp cứu của các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Bệnh SXH ở trẻ em ngày càng có diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp không chỉ bị sốc nặng mà còn bị đa thương phủ tạng, đông máu, suy hô hấp,... gây khó khăn trong công tác điều trị.  Dự báo mùa mưa năm nay sẽ kết thúc muộn, nên dịch SXH có thể kéo dài trong hai tháng tới. Vì vậy, cần tăng cường công tác phòng chống SXH nhất là huy động toàn xã hội tham gia phòng chống dịch.   
 
H.Trang   
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1 TP HCM cho biết, ngày 12/10 tại Khoa nhiễm có 60 trẻ mắc bệnh tay chân miệng nằm điều trị, tăng gấp đôi so với những ngày cuối tháng 9. Theo BS Khanh, phần lớn số trẻ mắc bệnh đều dưới 3 tuổi. Dự báo bệnh này tiếp tục tăng trong thời gian tới và kéo dài đến hết tháng 12. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý khi thấy trẻ có một trong những triệu chứng như nổi bóng nước ở tay, chân, miệng, thở mệt, giật mình... thì cần đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay, tránh nguy cơ xảy ra biến chứng và tử vong.

BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, hiện đang là mùa của bệnh tay chân miệng, tháng 9 có 2.583 ca nhập viện điều trị. Thời gian này mỗi tuần thành phố có khoảng 100 trẻ em mắc bệnh tay chân miệng. Tính từ đầu năm đến nay, thành phố có một ca mắc bệnh tay chân miệng tử vong.

Bệnh hô hấp tăng cao

Theo thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi đồng 2 (TP HCM), hiện BV  đang điều trị nội trú cho gần 200 trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, chưa tính số trẻ được chỉ định điều trị nội trú tại nhà. Điều đáng ngại là số trẻ mắc bệnh nhiều nhất từ 1-3 tháng tuổi nên nguy cơ biến chứng rất cao.

BS. Nguyễn Thị Út, Trưởng khoa Hô hấp dịch vụ BV Nhi đồng 2 cho biết, hiện đã vào mùa dịch bệnh hô hấp. Trong đó nguyên nhân chính vẫn là sự biến đổi thất thường của thời tiết. BS Út khuyến cáo các bậc phụ huynh ủ ấm cho trẻ khi ra đường và không mở điều hòa quá thấp khi cho trẻ ngủ. Để phòng ngừa và chăm sóc trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, đề nghị phụ huynh cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; cho ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng; tiêm chủng đầy đủ cho trẻ; khi trẻ bệnh cần dùng thuốc theo toa của bác sĩ, không nên tự ý điều trị cho bé; cần nhận biết các dấu hiệu bệnh trở nặng để đưa đến bệnh viện kịp thời.

 

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]