Mùa của nhiều dịch bệnh

Thời điểm hiện nay, viêm não – màng não, tay chân miệng, sốt xuất huyết (SXH), tiêu chảy... đang vào mùa dịch bệnh. Thời tiết thay đổi đột ngột, nắng nóng gay gắt... là những nguyên nhân dễ khiến các vi khuẩn, vi trùng gây ra dịch bệnh.

15.579

Thời điểm hiện nay, viêm não – màng não, tay chân miệng, sốt xuất huyết (SXH), tiêu chảy... đang vào mùa dịch bệnh. Thời tiết thay đổi đột ngột, nắng nóng gay gắt... là những nguyên nhân dễ khiến các vi khuẩn, vi trùng gây ra dịch bệnh.

Sốt xuất huyết gia tăng nhẹ

Theo bác sĩ (BS) Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 TP.HCM, hiện nay bệnh SXH không có vaccine chích ngừa. Bệnh do siêu vi rút Dengue có trong cơ thể của muỗi. SXH diễn ra quanh năm và lứa tuổi nào cũng gặp nhưng thường gặp nhất là ở trẻ từ 3 - 9 tuổi.

 Bác sĩ Nguyễn Hữu Thụy Vy (Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM) chăm sóc bệnh nhi viêm màng não (ảnh chụp chiều 5-3) -
Ảnh : H.T.Vân (Tuổi trẻ online)

Tại BV. Nhi Đồng 2, mỗi ngày tiếp nhận nhập viện khoảng trên dưới 10 ca. Trong ngày 23 - 3, có 15 ca SXH nhập viện và tại đây cũng có khoảng 35 ca đang điều trị nội trú. BV. Nhi Đồng 1 cũng ghi nhận hàng chục ca SXH mỗi ngày. Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM từ đầu năm 2009 đến nay, toàn thành phố đã có hơn 2.250 ca mắc SXH (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2008) và có một ca duy nhất tử vong trong số đó do phát hiện trễ, bệnh có biến chứng nặng. BS .Việt lưu ý, triệu chứng của SXH là sốt kéo dài từ 2 - 7 ngày và sốt cao liên tục. Ngày thứ 3, 4 của bệnh trẻ sẽ có triệu chứng ói mửa, đau bụng; có biểu hiện xuất huyết niêm mạc như: dạ dày, nướu hoặc xuất huyết ngoài da. Trẻ gái lớn bị SXH, kinh nguyệt có thể kéo dài hơn bình thường. SXH độ 3, độ 4 là bệnh đã trở nặng với những biểu hiện như trên, cần được điều trị tại các cơ sở y tế. SXH độ 1, độ 2 tuy các bậc phụ huynh có thể để trẻ ở nhà chăm sóc nhưng trước đó trẻ vẫn cần được đưa tới BS để được thăm khám, hướng dẫn, làm xét nghiệm khi cần thiết và cách chăm sóc trẻ tại nhà.

Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, cần mặc đồ thoáng mát, phòng thông thoáng. Cho trẻ uống paracetamol thông thường để hạ nhiệt và bù nước cho trẻ bằng nước dừa, nước điện giải.

Chú ý không cho trẻ ăn thức ăn có màu sẫm như: đỏ, nâu, đen để tránh việc chẩn đoán bệnh gặp khó khăn khi trẻ đi tiêu, dễ làm bác sĩ nhầm với xuất huyết dạ dày. Như đã nói ở trên, bệnh chưa có thuốc tiêm ngừa nên phòng bệnh vẫn là chủ yếu. BS.Việt khuyến cáo người dân nên giữ gìn vệ sinh nhà cửa và vệ sinh môi trường sống thật sạch sẽ, để không tạo điều kiện cho muỗi trú ngụ, sinh trưởng và truyền bệnh cho người.

Không xem thường tiêu chảy, viêm não và bệnh tay chân miệng

Mặc dù trong thời điểm hiện tại, các bệnh trên đều đang có dấu hiệu giảm hơn so với tháng trước. Tuy nhiên, theo Sở Y tế TP.HCM, người dân không nên xem thường vì đang ở vào mùa dịch bệnh. Hiện BV. Nhi Đồng 2 có 7 ca viêm não - viêm màng não, trong đó có một ca biến chứng nặng do trẻ ở tận Bình Phước, nhập viện muộn trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp.

Bệnh tay - chân – miệng theo ghi nhận từ đầu năm, toàn thành phố có 306 ca (giảm 52% so với cùng kỳ năm 2008). Tuy nhiên, người dân vẫn không nên xem nhẹ công tác tự phòng bệnh. “Thời tiết thay đổi đột ngột, nắng nóng gay gắt… là những nguyên nhân dễ khiến các vi khuẩn, vi trùng gây ra dịch bệnh”, BS. Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế khuyến cáo. Sở Y tế TP.HCM cũng cảnh báo người dân trong giai đoạn này cần đảm bảo vệ sinh chỗ ở, tiêm ngừa viêm màng não cho trẻ và chú ý phòng ngừa bệnh tiêu chảy, nhất là đối với trẻ em.

 Tại BV Nhi Đồng 2, trong 3 tuần đầu tháng 3 đã có khoảng hơn 700 ca nhập và xuất viện. Cao điểm của bệnh rơi vào cuối tháng 2 vừa qua khi mỗi ngày có đến hàng trăm bệnh nhân tiêu chảy phải nhập viện tại các BV. TP.HCM, chủ yếu là trẻ nhỏ (ghi nhận tại BV. Nhi Đồng 1 cho thấy trung bình mỗi ngày có 45- 55 ca nhập viện, BV. Nhi Đồng 2 có trung bình mỗi ngày 45 - 60 ca nhập viện). Theo BS. Hoàng Lê Phúc, Khoa Tiêu hóa BV. Nhi Đồng 1, tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ em do nhiễm virus hoặc vi trùng trong đường ruột. Đa số trường hợp bệnh hồi phục tốt nếu được chăm sóc đúng cách, ngược lại bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: mất nước, suy dinh dưỡng, rối loạn điện giải, thậm chí tử vong. Khi trẻ bị tiêu chảy, nếu đi tiêu phân lỏng không đàm máu thì thường bệnh kéo dài trong 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, trong giai đoạn trẻ đi tiêu lỏng nhiều rất dễ gây mất nước và muối, cần bù nước cho trẻ bằng cách cho trẻ uống nhiều nước chín, nước khoáng hay nước dừa tươi. Có thể dùng dung dịch ORS (sau tiêu chảy, ói theo hướng dẫn của nhân viên y tế) và nên tránh các loại nước giải khát công nghiệp nhiều đường và có ga. Ngoài bù nước, BS. Phúc khuyên các phụ huynh cần cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nên chia bữa ăn làm nhiều lần trong ngày và cho trẻ ăn chậm.

Bệnh lây qua đường miệng, phân tiêu của trẻ nên cần giữ vệ sinh để tránh lây nhiễm. Nếu là trẻ sơ sinh, cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi và kéo dài đến 18 - 24 tháng. “Khi chăm sóc trẻ tại nhà, cần theo dõi số lần trẻ đi tiêu, bù nước…theo hướng dẫn của BS. Và cần đưa trẻ tái khám khi trẻ bị co giật, sốt cao liên tục và nôn ói, đi tiêu có máu”. BS. Phúc căn dặn tuyệt đối không sử dụng thuốc cầm tiêu chảy khi trẻ bị tiêu chảy, vì đi phân lỏng cũng là cách để giúp cơ thể thải trừ vi khuẩn và chất độc trong ruột. Do đặc tính thuốc cầm tiêu chảy, nên ruột trẻ em có thể không chịu được, dễ gây viêm tắc, thậm chí thủng ruột.

Một vấn đề cũng cần phải lưu ý khi trẻ bị tiêu chảy vẫn còn bú sữa là tiếp tục cho trẻ bú nhưng không được pha loãng hơn. Chỉ phải đổi sữa khi trẻ tiêu chảy nhiều hơn rõ rệt sau mỗi cữ bú.

Bài và ảnh: T.N

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]