Mùa hè, bảo quản thực phẩm thế nào cho an toàn?

Thời tiết oi bức của mùa hè là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật có trong thực phẩm phát triển mạnh, là tác nhân gây ngộ độc thực phẩm. Bảo quản thực phẩm đúng cách sẽ hạn chế được ngộ độc.

15.5776
Bảo quản, chế biến thực phẩm đúng cách ngăn ngừa ngộ độc

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia thì nguyên nhân gia tăng các vụ ngộ độc trong dịp hè la do người dân ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, ôi thiu. Vì thế, khi lựa chọn các loại thực phẩm trong mùa hè cần mua những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm.  Chú ý khâu vệ sinh tay và dụng cụ ăn uống, bếp nấu trong quá trình chế biến thực phẩm. Mọi người nên ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín, bảo quản cẩn thận thực phẩm chín.

Các chuyên gia cũng lưu ý cần chú ý nấu sôi lại các loại thức ăn thừa và để nguội trước khi cất vào tủ lạnh. Để riêng từng loại thực phẩm, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín khi cất vào tủ lạnh. Tốt nhất, nên sử dụng các loại hộp thức ăn có nắp đậy kín để các loại thức ăn thừa không lẫn lộn vào nhau. Phải nấu lại cho sôi kỹ trước khi dùng lại các món ăn này và chỉ nên ăn lại một lần sau đó.

Đặc biệt với món canh chỉ để tủ lạnh trong khoảng 24 giờ. Các món kho, mặn không nên để quá ba ngày và bảo quản ở vị trí lạnh nhất trong tủ lạnh. Nhiều bà nội trợ có thói quen để rất nhiều món ăn thừa vào tủ lạnh và để quên nhiều ngày sau đó. Ngoài ra, không nên để thức ăn đã qua chế biến quá hai giờ dưới nhiệt độ bình thường.

Một thói quen khác khá phổ biến đối với những gia đình thành thị hiện nay là chỉ đi chợ 1 lần/tuần nhưng những thực phẩm mua về lại thường không được bảo quản đúng cách. Thay vì sơ chế sạch sẽ, phân loại để vào các ngăn tủ lạnh tương ứng thì các bà nội trợ lại bỏ hết vào tủ lạnh, khi nào nấu mới lấy ra rửa, chế biến.

Theo các chuyên gia, việc làm này hết sức sai lầm, ảnh hưởng tới giá trị dinh dưỡng của thực phẩm và nguy cơ mất an toàn vệ sinh.  Thay vào đó các bà nội trợ nên làm sạch các loại thực phẩm tươi sống muốn dự trữ ngay sau khi đi chợ về để hạn chế khả năng thực phẩm bị ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng. Giữ thịt, cá tươi sống trong ngăn đá là cách bảo quản an toàn nhất. Để tránh việc rã đông nhiều lần có thể khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nên chia thịt, cá thành từng phần nhỏ phù hợp với từng bữa ăn của gia đình. Thịt cá cần làm sạch, rửa và để ráo trước khi cho vào ngăn đá.

PGS Lâm cũng nhấn mạnh, đối với tủ lạnh, ngoại trừ ngăn đá là vi khuẩn không phát triển được, còn các ngăn làm lạnh khác chỉ có tác dụng hạn chế, làm chậm sự phát triển của vi khuẩn. Do vậy, nếu đưa quá nhiều thứ vào tủ lạnh, không khí không lưu thông, nhiệt độ không bảo đảm, thực phẩm sống để cùng với thức ăn đã được nấu chín sẽ làm cho thực phẩm nhanh hỏng.

Vì thế, nếu thực phẩm đã lấy ra khỏi ngăn đông đá thì phải dùng luôn. Đã rã đông rồi lại cho vào ngăn đông đá là một trong các lý do hàng đầu gây nhiễm độc thực phẩm. Phần lạnh nhiều nhất trong ngăn mát tủ lạnh là mặt kính sát với ngăn rau củ, đây là nơi có nhiệt độ thấp nhất. Do đó, đây cũng là nơi thích hợp cho những món ăn dễ hư như thịt, cá. Ngăn gần với phần đông đá nhất là nơi dành cho các món ăn chỉ cần nhiệt độ "mát" như sữa chua, bánh ngọt.

Một lưu ý khác mà PGS Lâm cũng  khuyến cáo các bà nội trợ rằng không nên để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh. Bởi thịt, cá để trong tủ lạnh càng lâu càng dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng. Đặc biệt, nên chú ý "ăn chín, uống sôi" đề phòng ngộ độc. Thêm vào đó, người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng thức ăn đường phố không rõ nguồn gốc.

N. Huyền

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]