Mùa lễ hội: Cẩn trọng với bánh "lộc"

GiadinhNet - Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm- Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đầu năm là mùa lễ hội nên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn là mối quan tâm hàng đầu.

0
>
 
Nhiều vụ ngộ độc đưa vào bệnh viện cấp cứu có nguyên nhân do ăn uống ở ngoài đường.

Hàng “xịn” quên dán nhãn

Theo chân đoàn kiểm tra ATVSTP của Trạm y tế phường Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội) đi kiểm tra các quán ăn khu vực Phủ Tây Hồ đầu năm Canh Dần, PV Báo GĐ&XH chứng kiến rất nhiều loại bánh xu xê màu sắc sặc sỡ, không có bao bì ghi địa chỉ sản xuất và hạn sử dụng. Ngoài ra, có nhiều cửa hàng bày mâm bánh đúc, bánh cuốn không che đậy, ruồi nhặng bâu đầy. Người bán thì luôn tay trần bốc đưa hàng cho khách.

PGS. TS Nguyễn Thị Lâm: “Người đi lễ nên cẩn trọng với bánh “chia lộc” bởi những loại bánh này thường để lâu ngày mới chia nên dễ xảy ra trường hợp quá hạn sử dụng, bánh bị mốc hoặc ôi thiu”.

Khi được hỏi nguồn gốc của số hàng bánh xu xê không có tem nhãn, chủ cửa hàng chối nhanh: "Tôi trông hộ hàng của cô cháu, nó đi đón con một chút nữa mới về”. Cũng với tình trạng hàng không nhãn mác, kiốt bên cạnh đưa ra lý do: "Hàng của chúng tôi lấy từ cơ sở sản xuất uy tín. Hàng này chúng tôi mới nhập, hôm nay chắc họ quên dán nhãn!".
 
Cán bộ đoàn kiểm tra đề nghị chủ cửa hàng gọi điện ngay cho công ty nhập hàng để xử lý số hàng này, chủ cửa hàng ậm ừ lấy lệ rồi luôn tay giới thiệu hàng cho khách. Tại một số cửa hàng khác, bát được chủ cửa hàng đưa ra kiểm tra hoàn toàn khác với bát đang phục vụ khách.

Chị Hồ Ánh Nguyệt, cán bộ chuyên trách ATVSTP phường Quảng An cho biết: Trong khu vực Phủ Tây Hồ có 20 cửa hàng ăn đăng ký kinh doanh cố định. Trong mùa lễ hội, con số này là 25, ngoài ra còn rất nhiều các hàng quán nhỏ lẻ, người bán quà rong. "Riêng bộ phận này, chúng tôi không thể kiểm soát nổi" - chị Nguyệt ngán ngẩm khi nhắc đến số lượng người bán quà rong.

Tương tự, tại TP Ninh Bình, đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP tỉnh cũng vừa phát hiện và xử lý nhiều cơ sở sử dụng thịt ướp đá lâu ngày bốc mùi ôi, thối, giò chả có chứa hàn the, hàng hoá gói sẵn không có tem, nhãn, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng. Theo bà Trần Thị Dậu, cán bộ chuyên trách ATVSTP TP Ninh Bình, hiện trên địa bàn thành phố có trên 1.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, nhà hàng, khách sạn.
 
Với số người làm công tác quản lý về ATVSTP quá ít như hiện nay thì việc kiểm tra, kiểm soát là rất khó. Trong khi các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi và liều lĩnh, có những trường hợp chống đối bằng hình thức: Đóng cửa, không hợp tác. Mặt khác, các hình thức xử phạt như: Phạt tiền, tiêu huỷ hàng hoá không đảm bảo chất lượng thì quá ít so với lợi nhuận thu được nên họ vẫn cứ làm.
 
Một cửa hàng tại Phủ Tây Hồ bán hàng không nhãn mác bị đoàn kiểm tra ATVSTP
phường Quảng An phát hiện.

Những cách bảo vệ sức khỏe

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, để đảm bảo sức khoẻ trong dịp lễ hội, người đi lễ nên biết cách tự bảo vệ bản thân bằng cách bên cạnh việc chuẩn bị đồ đi lễ, cũng nên chuẩn bị thức ăn sẵn mang theo như bánh chưng, giò chả, xôi, cơm nắm... Các thực phẩm này cần được đóng bao sạch sẽ khi mang theo. Nên hạn chế uống nước ngọt, đồ uống có gas. Khi đến lễ hội, nên chọn cửa hàng sạch sẽ, có chỗ cố định, ăn các món nóng, các món xào... Nên mua bánh gói lá hơn là thực phẩm phơi nguội.

PGS.TS Lâm cũng khuyến cáo nên cẩn trọng với bánh "chia lộc" bởi những loại bánh này thường để lâu ngày mới chia nên dễ xảy ra trường hợp quá hạn sử dụng, bánh bị mốc, ôi thiu. Nên chú ý lựa chọn thực phẩm có mùi vị và màu sắc tự nhiên, không nên lựa chọn các loại thực phẩm có màu sắc quá sặc sỡ, bắt mắt.

Khi ăn uống tại nhà hàng, người tiêu dùng cũng không nên dùng giấy ăn, khăn ăn để lau bát, đĩa. Theo khuyến cáo của Viện dinh dưỡng Quốc gia, do điều kiện khí hậu nóng ẩm ở nước ta nên khăn lau bát đĩa thường khó được giữ sạch, thậm chí còn bị ẩm mốc. Nên sử dụng giấy ăn, khăn ăn đã tiệt trùng và chỉ dùng một lần để tránh sự lây bẩn từ dụng cụ ăn uống này sang dụng cụ ăn uống khác.

TS. Lê Thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia cũng khuyên nên lưu ý thời hạn sử dụng của thực phẩm. Chú ý các loại hạt có biểu hiện mốc, không nên ăn bởi chúng có chứa các chất độc hại nguy hiểm và cả chất gây ung thư. Cũng theo TS. Hảo, thực phẩm bán trong các gánh hàng rong là nhóm thực phẩm nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh nên người tiêu dùng cần phải đặc biệt lưu ý.
 

Vi khuẩn cư trú nhiều trên da tay người

Do thức ăn ở khu vực lễ hội thường bày bán ở môi trường nhiều bụi, đông người qua lại nên rất dễ bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, vi khuẩn còn có mặt ở ngay trên cơ thể người bán và người mua.
 
Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã thống kê có hàng trăm loại vi khuẩn cư trú trên da người, đặc biệt là ở bàn tay, răng, miệng, đường hô hấp, tiêu hoá, bộ phận sinh dục, tiết niệu. Vì vậy, nếu người bán dùng tay trần bốc thức ăn là vô tình bốc cả vi khuẩn cho người sử dụng.

Thức ăn chín để ở nhiệt độ bình thường là môi trường tốt cho vi khuẩn trong không khí xâm nhập và phát triển rất nhanh. Đặc biệt là thức ăn còn thừa sau các bữa ăn chỉ cần một vài giờ là số lượng vi khuẩn có thể sản sinh nhiều đến mức gây ngộ độc thực phẩm.

 Thái Sơn
(Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia)

Võ Thu – Thái Sơn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]