Mùa hè, mùa nghỉ ngơi và vui chơi của các em nhỏ sau một năm học tập vất vả thế nhưng tại BV Tai Mũi Họng TP.HCM, hè cũng là mùa… cắt Amidan và nạo VA.

Viêm Amidan

Amidan là một bộ phận của họng có chức năng bảo vệ cơ thể, bảo vệ đường ăn; chống lại sự xâm nhập của vi trùng qua đường miệng, các khói bụi ô nhiễm từ bên ngoài, các thức ăn còn sót lại... Khi con người sinh ra đã có Amidan, nó phát triển mạnh từ hai đến ba tuổi cho đến tuổi dậy thì, sau đó teo nhỏ dần cho đến khi trưởng thành.

Viêm Amidan có hai loại: viêm Amidan cấp và mạn. Viêm Amidan cấp thường do vi khuẩn với triệu chứng sốt cao, nuốt rất đau, nổi hạch ở hai bên cổ, nhiều khi nhổ nước bọt liên tục vì không nuốt được, ăn uống kém, cơ thể mệt mỏi… Viêm Amidan cấp phải điều trị bằng kháng sinh. Trong khi đó, viêm Amidan mạn thường ít khi sốt mà có cảm giác vướng đàm ở họng, khạc ra những hạt tấm giống bã đậu có mùi hôi, loạn cảm họng (đau như hóc xương, nuốt vướng)…

Khi trẻ có dấu hiệu khóc nhè, biếng ăn… cần có bác sĩ thăm khám để xác định bệnh, tuyệt đối không tự chẩn đoán và điều trị. Ảnh minh họa: NM

Vấn đề có nên cắt Amidan khi đang bị viêm nhiễm? Đã có hai luồng “tư tưởng” trái ngược nhau từ giới y khoa, gồm: Amidan là một cửa bảo vệ đường ăn vì vậy không nên cắt và Amidan là một ổ viêm nhiễm nên cắt bỏ. Về vấn đề này, BS Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết theo quy chuẩn quốc tế hiện nay thì nếu viêm Amidan trên ba lần/năm thì sẽ chỉ định cắt “của nợ” viêm nhiễm nhưng nếu ít hơn thì được điều trị nội khoa mà không cần phải cắt. Nếu có các bệnh lý kèm theo như ngáy nặng (độ 3-4), áp xe Amidan (có mủ trong Amidan), bệnh nhân khạc ra chất giống bã đậu hôi hám thì sẽ được chỉ định cắt để tránh biến chứng (gây ra chứng viêm tai, viêm xoang, viêm thanh quản…).

Hiện tại có nhiều phương pháp cắt Amidan: theo kinh điển (đã sử dụng xưa nay), cắt bằng tia laser, dao điện, hàn nhiệt… tùy theo bệnh trạng mà bác sĩ sẽ chỉ định cho phù hợp. Trong đó, biến chứng thường gặp sau cắt sẽ gặp như chảy máu sớm (trong vòng 24 giờ) và chảy máu muộn (sau 24 giờ, có khi tới ngày thứ bảy) do hiện tượng bong vảy nơi vết thương và sẽ hồi phục trở lại. Do đó, bệnh nhân phải tuân thủ chế độ ăn uống kéo dài trong 10 ngày theo chỉ dẫn của bệnh viện.

ViêmVA

VA nằm ở nóc vọng, phía sau mũi, có chức năng bảo vệ đường thở và cũng giống như Amidan, khi con người sinh ra thì đã có, phát triển mạnh từ hai đến ba tuổi đến tuổi dậy thì và teo dần khi trưởng thành. Vì vậy, viêm VA thường xảy ra chủ yếu ở trẻ em hơn người lớn.

Triệu chứng thường gặp khi bị viêm VA là bé thường xuyên bị sổ mũi màu trắng, sau đó xanh, thường bị cảm sốt tái đi tái lại nhiều lần, ngáy nặng và khò khè khi ngủ. VA nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm thanh quản và viêm đường hô hấp trên. Ở trẻ em viêm VA sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập vì trẻ ngủ không ngon giấc, sáng ra vật vờ ở lớp học… VA nằm gần vòi nhĩ nên dễ gây ra bệnh lý viêm tai giữa, làm giảm sút khả năng nghe của trẻ. Do đó, khi có các triệu chứng trên (nhất là ngáy, giảm thính lực) nên đưa trẻ đi khám để được nội soi nhằm phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh.

Theo BS Võ Quang Phúc, VA sẽ được chỉ định nạo khi bệnh nhân bị viêm đường hô hấp trên, tái đi tái lại nhiều lần, nội soi thấy VA to làm bít phần lõm của mũi sau, bị ngáy to, thể trạng của bé gầy yếu do VA to làm cản trở quá trình hấp thu oxy, bị viêm tai giữa…

Hiện nay nạo VA có nhiều phương pháp, gồm: kinh điển, gây mê để tránh gây đau đớn cho bệnh nhân... Phương pháp nạo VA nội soi ngày nay có ưu điểm là phẫu thuật viên sẽ nhìn thấy rõ khối VA khi cắt, hút toàn diện, tránh bỏ sót, đồng thời kiểm tra được hiện tượng chảy máu sau mổ. Hiện nay cả nạo VA và cắt Amidan đều được thực hiện tại bệnh viện và xuất viện trong ngày. Để phòng ngừa bị viêm VA, BS Quang Phúc khuyên nên vệ sinh VA bằng thuốc xịt mũi hoặc nước muối sinh lý sau khi tiếp xúc với khói bụi, tắm hồ, tắm biển…

BS Võ Quang Phúc lưu ý: Với chứng viêm họng, viêm VA và viêm Amidan chúng đều có một số triệu chứng giống nhau như cảm cúm, chảy mũi kéo dài, đau rát vùng họng, khó nuốt… Vì vậy, bệnh nhân cần được đưa đến khám ở các chuyên khoa tai mũi họng để bác sĩ chuyên khoa định bệnh chính xác và điều trị đúng bệnh. Bạn không nên tự chẩn đoán và tự điều trị, có thể làm bệnh nặng thêm và xảy ra nhiều biến chứng đáng tiếc.

CHIÊU DƯƠNG


Video đang được xem nhiều