Mua sắm Tết cùng con: Bí quyết khi đi mua sắm (Phần 2)

Để cuộc mua sắm của gia đình trong những ngày cận Tết là một niềm vui chứ không phải một sự khó nhọc, bạn cần lưu ý một số điều sau

15.6018

Quan tâm đến những giới hạn của con
Trẻ nhỏ dễ bị kích động bởi tiếng ồn, dễ mệt và mau đói. Vì thế, bạn cần lưu ý những nhu cầu thiết yếu ấy của con. Cần tránh la cà dạo quanh các shop. Nếu con phản ứng bằng cách khóc, la hét, ngay lập tức đưa con ra nơi thoáng đãng hơn, ôm con vào lòng và vỗ về lên lưng, giúp con được thoải mái tâm lý và tự chủ trở lại.

Trẻ nhỏ vô cùng hiếu kỳ
Khi gặp những gian hàng nhiều màu sắc, chắc chắn trẻ thích được sờ nắn các món ấy để thoả niềm hiếu kỳ đang trỗi dậy. Khi trẻ đặt câu hỏi cũng là lúc trẻ đang học, đang khám phá thế giới xung quanh bằng cách của riêng mình. Bạn đừng lảng tránh mà nên dừng lại cho con ngắm nghía và được tận tay chạm vào món đồ mà mình thích. Tuy nhiên, đừng quên dặn dò con: “Món này rất dễ vỡ, con cẩn thận nhé!”. Bạn có thể sẽ không mua món đồ ấy, vì thế nhớ nói rõ cho con biết về những thoả thuận mua sắm đã được thảo luận tại nhà.

Bé lớn có thể là trợ thủ cho mẹ khi đi mua sắm Tết

Khi bạn đi mua sắm cùng trẻ mầm non
Bạn có thể dùng xe đẩy trong khi đưa bé đi mua sắm Tết để có thể rảnh tay chọn lựa các sản phẩm. Trước khi đi, bạn nên cho bé ăn no và nghỉ ngơi đầy đủ. Trẻ nhỏ dễ bị mất nước, nhất là trong thời tiết hanh khô của ngày cận Tết, vì thế nhớ mang theo một bình nước lọc để con uống thường xuyên. Bạn cũng nên trao đổi ngôn ngữ với con bằng ánh mặt, nụ cười để con cảm nhận sự quan tâm của mẹ dành cho mình trong lúc mua sắm.

Khi bạn đi mua sắm cùng con lớn hơn
Nếu được hướng dẫn tốt, bé lớn sẽ là một trợ thủ đắc lực cho bạn trong việc đi mua sắm. Bé có thể góp ý về món hàng bạn chọn lựa cũng như mang vác giúp bạn một vài thứ lặt vặt..v..v. Những trải nghiệm mua sắm như thế này rất tốt với sự phát triển tâm lý của trẻ. Bé có thể học được rất nhiều điều trong những chuyến mua sắm cùng ba mẹ.

Đôi lúc bạn nên nói “Không”
Khi bé vòi vĩnh những món hàng nằm ngoài danh mục mua sắm của bạn, nên từ chối bé bằng nhiều cách. Ví dụ như bạn sẽ nói: “Bây giờ mẹ không thể mua, nhưng món ấy sẽ được mẹ ghi vào danh mục quà tặng cho con trong dịp sinh nhật tới nhé!”. Đôi lúc bạn cần phải biết nói không với những yêu cầu của con để hạn chế tính vòi vĩnh trong những lần mua sắm tiếp theo.

Lưu ý đến giới hạn của mình
Chuyến đi mua sắm kéo dài có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi. Bạn nên tìm cách kiềm chế những cơn giận cũng như giải phóng tâm trạng bằng cách thoát khỏi nơi đông người và uống một ly nước lạnh để tinh thần tỉnh táo trở lại. Bạn có thể nói với bé: “Mẹ hơi mệt, chúng ta tìm chỗ nào thư giãn một tí nhé!”. Việc nhìn nhận giới hạn của mình cực kỳ quan trọng, nó giúp bạn tìm hướng giải quyết tốt nhất cho tình huống này.

Minh Trang

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]