Mứt tết thảo dược

Ngày Tết Nguyên Đán, trong các gia đình, cùng với cành đào, chậu quất, bánh chưng xanh, dưa hành và các món ăn đặc trưng của ngày Tết,

0

bao giờ cũng có các loại mứt làm từ các thứ quả khác nhau, điểm thêm hương vị cho những ngày đầu xuân mới. Hầu như các thứ quả này đều là những dược thảo. Sau dây là một số loại quả dùng làm mứt tết, đồng thời là các vị thuốc được dùng để phòng trị bệnh.

Bí đao

Bí đao là cây được trồng phổ biến để lấy quả ăn ở các nước Đông Nam Á và một số nước khác ở châu Á, châu Mỹ. Theo Y học cổ truyền, bí đaotác dụng lợi tiểu, tiêu phù, thanh nhiệt, tiêu viêm. Quả và vỏ quả bí đao chữa tiểu dắt, tiểu đục, mụn nhọt. Ngày dùng 30-40g quả tươi sắc uống hoặc nấu ăn.

Hạt sen

Hạt sen là tên thường gọi, nhưng thực ra đó là quả sen đã bóc vỏ ngoài và bỏ mầm xanh ở lõi giữa, gọi là liên nhục. Phần mầm xanh nằm trong hạt sen gọi là tâm sen hay liên tâm. Quả sen để nguyên cả vỏ gọi là liên thạch. Từ tâm sen, đã chiết được liensinin và một số hoạt chất khác tác dụng hạ huyết áp và chống co thắt cơ trơn. Tâm sen có tác dụng an thần, chống thao cuồng kích động, ức chế trạng thái loạn thần kinh gây hung dữ và tăng vận động gây thực nghiệm ở thực vật. Tác dụng này của tâm sen đồng với tác dụng của aminazin, do đó có thể dùng tâm sen phối hợp aminazin trong điều trị tâm thần phân liệt để giảm liều và giảm độc tính của aminazin.

Trong Y học cổ truyền, hạt sen dùng điều trị tỳ hư, tiêu chảy lâu, tiểu dắt, di mộng tinh, khí hư, hồi hộp, mất ngủ, cơ thể suy nhược, kém ăn, ít ngủ. Ngày dùng 12-20g, có thể đến 100g, dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác. Khi bị táo bón, không nên dùng tâm sen chữa tim hồi hộp, lo lắng, tăng huyết áp, ít ngủ. Ngày dùng 2-4g dạng thuốc sắc, hãm hoặc hoàn tán, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Quất

Quất có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản, đã được trồng lâu đời ở nước ta để lấy quả ăn và làm cây cảnh, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Dùng quả và hạt thu hái khi quả chín để làm thuốc. Quả quất được dùng làm chữa ho, làm nước giải khát, giúp tiêu hóa. Hạt quất để cầm máu, chống nôn, giảm ho.

Dừa

Nước dừa từ quả dừa có nhiều chất bổ dưỡng và giải khát, chữa sốt nóng, sởi, tiêu chảy, kiết lỵ, đau dạ dày. Nước dừa làm lên men có thể cất được một loại rượu ngon. Dùng nước dừa chải tóc làm tóc mềm, bóng và đen; nước dừa trộn với dịch ép tỏi tây bôi lên da là thuốc dưỡng da. Cùi dừa chữa đau vùng thượng vị hoặc ép lấy dầu chữa bỏng, mụn nhọt. Dầu dừa tinh chế để làm thực phẩm thay mỡ động vật, là chất béo dễ tiêu hóa phòng ngừa xơ vữa động mạch.

Phật thủ

Quả phật thủ được dùng chữa bệnh bụng đầy trướng, đau dạ dày, nôn mửa, chán ăn, ho dai dẳng có nhiều đờm. Liều dùng hàng ngày: 8-10g cùi quả khô dạng thuốc sắc hoặc dùng vỏ quả ngâm rượu uống. Để chữa viêm dạ dày mãn tính, đau dây thần kinh vùng bụng: lấy cùi và vỏ quả phật thủ tươi 10 15g, hoặc khô 6g, thái lát mỏng ngâm trong nước sôi và uống thay trà. Ở Ấn Độ, ép cùi phật thủ được dùng chữa bệnh thiếu vitamin C, chống khát, hạ sốt. Nước cất vỏ quả có tác dụng an thần, chữa nhức đầu, hạ sốt.

Táo ta

Táo là cây ăn quả được trồng lâu đời ở Việt Nam. Quả và nhân hạt táo (toan táo nhân) được dùng làm thuốc. Táo nhân có tác dụng dược lý: an thần, gây ngủ, giảm đau, chống co giật, hạ nhiệt, hạ huyết và trị bỏng. Trong Y học cổ truyền, nhân hạt táo được dùng chữa khó ngủ, hồi hộp, đánh trống ngực, phiền khát, mồ hôi trộm, dùng riêng nghiền thành bột uống hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Liều dùng hàng ngày: 0,8-1,2g tương đương với khoảng 15-20 hạt. Nếu dùng liều cao (khoảng 6-10g) thì phải sao đen (có lẽ đây là một cách thức để giảm độc).

Một số bài thuốc điển hình

Chữa tiểu dắt, tiểu đục: vỏ bí đao sắc uống nhiều lần.

Chữa phù thũng, cả mình, mặt, mắt đều phù: bí đao tươi, đậu đỏ, mỗi thứ 40g. Sắc uống hàng ngày.

Cốm bổ tỳ chữa rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài ở trẻ em: hạt sen, ý dĩ, hoài sơn, đảng sâm, bạch biển đậu, mỗi thứ 100g; cốc nha (mầm mạ lúa) 30g tán bột mịn; sa nhân, trần bì, nhục đậu khấu, mỗi vị 20g, sắc lấy nước đặc, cùng với các thuốc trên luyện với mật ong vùa đủ làm thành dạng cốm. Ngày uống 20-30g.

 Chợ mứt Tết ở Bến Thành Q.1. Ảnh Nguyễn Huyền.
Thuốc bổ tỳ làm ăn ngủ ngon, đại - tiểu tiện dễ dàng: hạt sen, hà thủ ô, hoài sơn, ý dĩ, cỏ xước, râu mèo, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang. Hạt sen 16g, sâm bố chỉnh 12g, hoài sơn 12g, tấn bột, viên với mật ong, uống mỗi ngày 20-30g. Hoặc dùng hạt sen, củ mài với long nhãn, nấu chè ăn.

Chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ: hạt sen, thục địa, hoài sơn, tang ký sinh, hà thủ ô, kim anh mỗi vị 12g; quy bản, câu kỷ tử, thỏ ty tử, ngưu tất, đương quy, táo nhân, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang. Táo nhân (sao đen) 6g, phục linh 5g, tri mẫu 4g, xuyên khung 3g, cam thảo 2g. Sắc và chia làm 3 lần uống trong ngày.

Chữa đái tháo đường: tâm sen 8g, thạch cao 20g; sa sâm, thiên môn, mạch môn, hoài sơn, bạch biển đậu, ý dĩ, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa ho: quả quất chín, hoa hồng bạch, hạt chanh, mỗi vị 10g. Tất cả rửa sạch, cho vào một bát cùng với ít đường hoặc mật ong, đem hấp cơm trong 15-20 phút. Nghiền nát, để nguội, cho trẻ uống 3 lần trong ngày. Dùng 3-4 ngày. Hạt quất, lá xương bồ, hạt chanh, mỗi vị 10g, mật gà đen 1 cái. Tất cả để tươi giã nhỏ, thêm đường, hấp cơm, chia làm 2 - 3 lần uống trong ngày.

Chữa viêm phế quản mãn tính, ho đờm: nhai cùi lẫn vỏ phật thủ, nuốt nước. Hoặc phật thủ và bán hạ (chế với gừng), mỗi vị 6g, sắc, thêm đường uống.

Chữa nôn ra máu: hạt quất một chén nhỏ, bỏ vỏ, sao vàng, giã nhỏ, sắc với nước và chia uống làm 2-3 lần trong ngày.

Chữa đau dạ dày: nước dừa (từ quả dừa già) 200ml, trộn với hạt bí ngô, đun nhỏ lửa cho cạn rồi ăn.

Chữa hồi hộp, bồn chồn, ngủ hay mê sảng: táo nhân (sao đen) 6g, long nhãn, mạch môn, hạt sen, sinh địa, thảo quyết minh, mỗi vị 12g. Sắc nước hoặc làm viên uống trong ngày.

Chữa đổ mồ hôi trộm: táo nhân (sao đen), nhân sâm, phục linh, liều lượng bằng nhau, nghiền thành bột mịn, mỗi lần uống 15g với nước cháo.

GS. Đoàn Thị Nhu

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]