Nấm da và thuốc điều trị

Khí hậu nóng, ẩm, nhiệt đới gió mùa, điều kiện vệ sinh, phong tục tập quán còn thấp kém; việc dùng kháng sinh và corticoid kéo dài, không theo hướng dẫn của thầy thuốc... là những cơ hội cho bệnh về da nói riêng và bệnh do nấm gây ra phát triển lan tràn.

15.6177

Có rất nhiều loại bệnh da do nấm gây nên như nấm thân, nấm kẽ, nấm tóc, nấm móng, lang ben... tuy nhiên trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến những vấn đề cơ bản về bệnh nấm thân (hắc lào) và nấm kẽ (nước ăn chân), là hai bệnh dễ có nguy cơ bùng phát trong điều kiện thời tiết ẩm ướt hiện nay.

Hắc lào

 Tổn thương do hắc lào (X).

Đây là bệnh do vi nấm thuộc nhóm dermatophytes, hay gặp nhất là hai loại trychophyton và epidermophyton. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhiều hơn ở thanh thiếu niên và trung niên.

Biểu hiện làm bệnh nhân khó chịu nhất là ngứa ở vùng da bị tổn thương, ngứa cả ngày lẫn đêm, ngứa nhiều hơn khi về đêm, khi đổ mồ hôi, hoặc khi thời tiết nóng bức... tổn thương cơ bản là các đám đỏ hình tròn, bầu dục hoặc đa cung, đường kính, số lượng khác nhau. Ranh giới rõ, có bờ viền, bờ có mụn nước, giữa có xu hướng lành, khô, bong vẩy nhẹ, phát triển ly tâm lan dần ra ngoại vi. Bệnh có thể gặp ở bẹn, chân tay, mặt, bụng, ngực... Nếu không điều trị kịp thời bệnh sẽ lây sang những vị trí khác của cơ thể, tăng mức độ tổn thương trên da, chàm hóa hoặc dễ dàng lây sang người khác do tiếp xúc trực tiếp hoặc lây qua quần áo.

Bệnh hắc lào tuy gây nhiều khó chịu cho người bệnh nhưng chữa trị không khó. Tuy nhiên nếu dùng thuốc không đúng, thuốc quá mạnh, bôi sang cả vùng da lành, da non thì sẽ gây ra tình trạng phỏng, chảy nước vùng bôi thuốc, thậm chí nếu dùng theo lời mách bảo không đúng còn gây nhiễm khuẩn, sưng đau.

Nguyên tắc điều trị: Phát hiện sớm, điều trị sớm, tránh lây lan trong tập thể; điều trị liên tục, đủ thời gian, đúng phác đồ; không cào gãi, chà xát; kết hợp vệ sinh phòng bệnh ngoài da với tắm giặt, phơi nắng chăn màn, quần áo; kết hợp điều trị tại chỗ với điều trị toàn thân.

Những loại thuốc cổ điển như ASA, BSI... cũng có tác dụng tốt nhưng gây lột da nhiều, đau rát, có thể làm sạm da. Trong tuần 1: bôi BSI 2% hai lần sáng, chiều; sang tuần 2: sáng bôi BSI 2%; chiều bôi mỡ benzosali; từ tuần 3: bôi mỡ benzosali 1lần/ngày đến khi mịn da.

Hiện nay đã có những loại thuốc mới, có thể bôi hoặc uống. Thuốc bôi như ketoconazol, miconazol, clotrimazol... Những thuốc này có ưu điểm là không có màu, mùi thơm, không gây lột da, không sưng đau nhưng cũng có thể gây ra những dị ứng nhẹ. Những dị ứng này sẽ hết khi ngừng dùng thuốc.

Trong trường hợp bệnh tái phát nhiều lần có thể phải dùng thuốc chống nấm dạng uống. Thuốc cổ điển được sử dụng là griseofulvin: thuốc được dùng trong nấm da mạn tính, tái phát dai dẳng điều trị bằng phác đồ thông thường không hết, hoặc nấm móng, nấm tóc, nấm da do chủng Tricophyton rubrum; thuốc không được dùng cho phụ nữ có thai, bệnh gan thận, người già, trẻ em, làm việc trên cao, người vận hành máy móc; liều dùng 1.000mg/24 giờ, thời gian uống thuốc 30 ngày.

Hiện nay có thể dùng ketoconazol 200mg, 2viên/24 giờ.

Tuy nhiên việc dùng thuốc gì và liều lượng như thế nào cần phải được thầy thuốc chuyên khoa da liễu khám và chỉ định, nếu tự ý dùng có thể sẽ xảy ra những tác dụng phụ nguy hiểm.

Nguyên nhân gây ra bệnh hắc lào là do sống trong môi trường không vệ sinh, người ra nhiều mồ hôi mà ít tắm giặt, bơi lội trong vùng nước bẩn. Chính vì vậy việc phòng bệnh phải bắt đầu bằng lối sống vệ sinh sạch sẽ, tắm gội và giặt giũ quần áo, chăn màn thường xuyên. Những người đang bị bệnh, bên cạnh việc dùng thuốc tại chỗ phải diệt nấm ở những vật dụng cá nhân như quần áo, chăn màn... bằng cách luộc ở nước sôi 100oC trong vòng 15 phút. Người lành không mang bệnh không nên mặc quần áo chung với người khác, tránh làm việc nơi ẩm ướt, nếu ra mồ hôi nhiều cần phải thường xuyên tắm giặt và giữ khô những vùng nếp như háng, nách, bẹn. Khi mắc bệnh phải đi khám để được hướng dẫn chữa trị đúng.

Nấm kẽ

Căn nguyên của bệnh là do vi nấm epidermophyton, nấm trichophyton hay còn do nấm candida albicans. Bệnh bắt đầu ở giữa kẽ ngón chân thứ 3 và thứ 4. Kẽ ngón có hiện tượng bong xước da, màu hơi vàng, chảy dịch, có thể xuất hiện mụn nước. Bệnh thường gặp ở những người do nghề nghiệp phải tiếp xúc với nước liên tục nhiều ngày như nông dân, người làm vệ sinh cống rãnh, vận động viên bơi lội... nên trong dân gian hay gọi là nước ăn chân, tuy nhiên điều cần chú ý, nếu căn nguyên do nấm thì không nguy hiểm, nhưng nếu căn nguyên do nhiễm khuẩn mà bệnh nhân chủ quan không đi khám có thể dẫn tới nhiễm khuẩn toàn thân.

Về điều trị, thường sử dụng ketoconazol hoặc miconazol bôi tại chỗ, ngoài ra những người thường xuyên phải dầm trong nước bẩn, cần rửa chân bằng nước muối loãng, nước lá trầu không hay nước chè... sau đó lau thật khô mới được đi giầy, tất. Bên cạnh đó, cần thường xuyên dùng dung dịch cồn iốt nồng độ thấp hoặc các loại bột có tác dụng diệt nấm ở bàn chân và kẽ ngón chân.

BS. Ngọc Vân

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]