Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường biển-hải đảo

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, sáng 22/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra các dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

15.5986
Ảnh minh họa. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)



Theo thẩm tra của Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường, việc ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm khắc phục một số chồng chéo trong các văn bản về khai thác, sử dụng tài nguyên, làm cho tài nguyên biển dần bị suy thoái, ô nhiễm môi trường biển diễn biến phức tạp.

Luật cũng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo; hoàn thiện cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển.

Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường cho rằng, nội dung của dự thảo Luật phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp.

Tuy nhiên, đây là Luật mới có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều Luật khác. Vì vậy, Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo rà soát, làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh, đối tượng quản lý, phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong việc quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo để không chồng chéo với quy định của các luật khác, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tờ trình của dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nêu rõ, thực tiễn công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, bất cập.

Nghị định 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo chưa thể chế hóa được đầy đủ nội hàm của công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo do tính pháp lý thấp, không thể định hướng, điều phối được các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đã được các luật chuyên ngành quy định.

Trong khi đó, Luật biển Việt Nam mới chỉ đề cập đến một số nội dung liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, nhiều nội dung quy định còn thiếu, chưa đầy đủ và đồng bộ như các quy định để quản lý thống nhất các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; định hướng, điều phối, lồng ghép các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Cũng trong sáng 22/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi)./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]