Nâng đỡ tâm lý người bệnh, xin chớ coi thường!

Nâng đỡ tâm lý cho bệnh nhân từ lâu đã được đặt ra tại các nước phương Tây, nhằm giúp bệnh nhân mau chóng lành bệnh, hòa nhập cuộc sống dễ dàng sau điều trị. Tuy nhiên ở nước ta cho đến nay vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng mức, thay vào đó chỉ là cuộc “chạy đua” trang bị phương tiện chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao

15.6047
Vừa qua, trong khi nằm điều trị tại Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định TPHCM, bệnh nhân N.T.P., 61 tuổi, ngụ tại Gò Vấp, đã nhảy lầu tự tử. Được biết bà bị tiểu đường, xơ gan cổ trướng, suy thận nặng, phù to chân và bụng. Trước đó, khi còn ở nhà, do mặc cảm bệnh tật, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình và người thân, bà P. cũng đã nhiều lần tự tử nhưng không thành. Khi người bệnh buông xuôi Bác sĩ Nguyễn Thành Như, Trưởng Đơn vị Nam Khoa BV Bình Dân TPHCM, cho biết đã có không ít bệnh nhân nam đến nhờ anh tư vấn tâm lý về “chuyện khó nói” vì nghĩ anh có thể giải quyết được tất cả những vấn đề liên quan đến chuyện này. Tuy nhiên, bác sĩ Như thừa nhận anh không thể làm điều này vì chuyên môn của anh là điều trị thực thể, còn những rắc rối về tâm lý lại... ngoài tầm tay. Theo bác sĩ Như, đối với các bệnh nam khoa, bệnh nhân thường rất mặc cảm nên càng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và đời sống gia đình. Vì vậy, nếu điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật thôi thì chưa đủ, mà bệnh nhân cần được hỗ trợ về tâm lý. Do suy sụp tâm lý, không ít bệnh nhân đã buông xuôi, thiếu tin tưởng bản thân hoặc mặc cảm về bệnh tật và cũng có không ít bệnh nhân tự điều trị theo lời rỉ tai của người khác dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Theo TS – BS Nguyễn Thy Hùng, Phó Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, những căn bệnh mãn tính hoặc khó điều trị khiến bệnh nhân chịu nhiều gánh nặng về tài chính, vì vậy dễ làm họ trầm cảm, thiếu hợp tác với thầy thuốc. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho việc điều trị không đạt kết quả nhanh chóng và bệnh nhân cũng mất đi cơ hội được hồi phục tốt. Suýt tự tử vì... bác sĩ không quan tâm Trong thực tế, việc nâng đỡ tâm lý cho bệnh nhân dễ bị xem thường và bỏ qua trong điều trị. Ở nước ta bác sĩ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm bản thân, đạo đức nghề nghiệp để ứng xử và an ủi bệnh nhân. Tuy nhiên, có những bệnh mà thầy thuốc chưa từng trải qua nên khó có thể đồng cảm và chia sẻ, từ đó dẫn đến những hậu quả đôi khi đáng tiếc. Vừa qua, em N.N.H, 14 tuổi, đến khám tại BV Da liễu TPHCM vì mụn mặt. Tại đây bác sĩ chỉ nhìn qua khuôn mặt em rồi kê toa, thời gian khám bệnh chưa đầy 5 phút. Do ở tuổi nhạy cảm, không biết rằng đối với các bệnh thông thường, người thầy thuốc chỉ cần nhìn qua là đã biết bệnh, nên sau đó em đã sốc nặng, không chịu uống thuốc và nghĩ đến chuyện tự tử vì cho rằng không ai quan tâm đến mình. Theo PGS – BS Nguyễn Hoài Nam, Đại học Y Dược TPHCM, hoạt động giao tiếp giữa thầy thuốc và bệnh nhân góp phần quan trọng trong sự thành công của điều trị. Bởi có những bệnh nhân rất khó giao tiếp như người tự kỷ, tự tôn, ích kỷ, thiếu kiềm chế, không nói thật... Ngược lại, người thầy thuốc cũng rất khó thành công nếu thiếu lịch sự, không tế nhị, có hành vi cử chỉ quá lố, nói năng thiếu quả quyết... Người thầy thuốc cũng cần hiểu và chia sẻ với bệnh nhân, giúp họ vượt qua sự e dè, lo lắng và các rào cản xảy ra trong quá trình giao tiếp. Không chỉ điều trị bằng thuốc Cuộc sống càng hiện đại, con người càng dễ bị cô lập, đặc biệt là người bệnh. Vì thế, bác sĩ Nguyễn Thy Hùng cho rằng nâng đỡ tâm lý cho bệnh nhân là rất cần thiết trong xã hội hiện nay vì đời sống cá nhân đang phát triển mạnh mẽ. Khi còn nằm viện, bệnh nhân thường băn khoăn sau khi xuất viện mình sẽ làm gì? Có hồi phục hoàn toàn không? Có thể lái xe, làm công việc cũ và giao tiếp bình thường được không? Đối với bệnh nhân bệnh mãn tính, bệnh nhân thường không thể hồi phục hoàn toàn, vì vậy họ cần được tư vấn tâm lý để có thể sống bình thường sau khi xuất viện. Tuy nhiên, nếu điều này không được thực hiện, bệnh nhân dễ bị rối loạn tâm lý khiến bệnh trở nên nặng hơn, giảm chất lượng sống và khi đó năng suất lao động cũng bị ảnh hưởng. Thật sai lầm khi cho rằng thuốc men và“kỹ thuật cao” có thể giải quyết tất cả mà bỏ qua yếu tố tâm lý của bệnh nhân.

Bác sĩ Lâm Xuân Điền, Giám đốc BV Tâm Thần TPHCM: Thái độ cảm thông của thầy thuốc với bệnh nhân rất quan trọng . Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết vai trò của nâng đỡ tâm lý trong điều trị? - Bác sĩ Lâm Xuân Điền: Nâng đỡ tâm lý cho người bệnh là một nhu cầu lớn của xã hội mà những người làm công tác y tế cần hiểu rõ và thực hiện tốt. Trước đây người ta thường nghĩ rằng chỉ có bệnh nhân bệnh tâm thần mới cần được hỗ trợ tâm lý, các bệnh nhân khác thì không cần, nhưng đây là suy nghĩ không đúng. Thực tế đã có không ít bệnh nhân và gia đình đã né tránh và không hợp tác với thầy thuốc. Vì thế người thầy thuốc cần làm cho bệnh nhân và thân nhân họ hiểu rõ, hợp tác điều trị, đặc biệt đối với bệnh nhân bệnh nặng, vì đối tượng này thường buông lỏng và thụ động. . Nhưng bệnh nhân có phải nâng đỡ tâm lý cho chính mình hay không, hay đây là nhiệm vụ của người thầy thuốc? - Bệnh nhân luôn thường nhận thức không đủ về bệnh tật và những vấn đề của bản thân, họ không hiểu rằng họ cũng có trách nhiệm trong việc làm cho mình mau hồi phục. Một số bệnh nhân lại chấp nhận bệnh tật như số mệnh, số khác lại phản kháng dẫn đến trầm cảm và có người chọn giải pháp tự tử. Vì vậy mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân rất quan trọng, đôi khi chính sự cảm thông của người thầy thuốc lại giúp bệnh nhân vượt qua khó khăn, tạo ra những chuyển biến tích cực trong điều trị. Mối quan hệ này phải dựa trên cơ sở tâm lý, tình cảm và sự bảo vệ của pháp luật. . Xin bác sĩ nói rõ hơn vai trò bảo vệ của pháp luật? - Thực tế đã có không ít trường hợp bệnh nhân tử vong vì bệnh quá nặng, không thể cứu chữa được nhưng do giữa bác sĩ và gia đình bệnh nhân thiếu thông cảm và hiểu biết lẫn nhau nên dẫn đến mâu thuẫn. Từ đó làm nảy sinh chuyện kiện tụng, thù hằn và cũng đã từng có gia đình bệnh nhân giết bác sĩ vì cho rằng bác sĩ... không biết gì về bệnh tật của con mình!

N.Phương thực hiện

Nhất Phương
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]