Nắng nóng, làm thế nào tránh nguy cơ đột quỵ não?

Nắng nóng gay gắt có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

15.6013


Người Hà Nội chịu đựng thời tiết oi bức những ngày đầu tháng 7 - Ảnh: Ngọc Thắng

Say nắng nóng

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình cho biết, quá trình chuyển hóa các chất tạo năng lượng cung cấp cho các hoạt động nhằm để tồn tại sự sống của cơ thể.

Quá trình đó sinh ra nhiệt lượng, nhiệt lượng đó không thể tồn tích trong cơ thể mà được tiêu đi nhờ các cơ chế như: bốc hơi mồ hôi, sự dẫn truyền đối lưu với môi trường xung quanh, bức xạ nhiệt.

Quá trình sinh nhiệt và tiêu nhiệt sẽ được điều hòa cân bằng ở người khỏe trong môi trường bình thường.

Các quá trình tiêu nhiệt trên bị cản trở bởi nhiệt độ môi trường cao, độ ẩm ướt khi cơ thể phải làm việc trong môi trường không thuận lợi lâu sẽ làm thân nhiệt tăng.

Theo TS Nguyễn Văn Bình, thông thường, lao động nặng nhọc trong môi trường nóng, trời quá nắng vào buổi chiều thì dễ bị say nắng.

Tình trạng này có biểu hiện như: chóng mặt, mệt, dễ xúc cảm, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, lú lẫn, sảng, mờ mắt, co giật, trụy tim mạch và mất ý thức; da nóng và lúc đầu lấp xấp mồ hôi, sau đó khô, mạch mạnh lúc đầu, huyết áp lúc đầu tăng nhẹ nhưng sau đó hạ huyết áp.

Đột quỵ do nắng nóng biểu hiện bằng trụy tim mạch đột ngột và mất tri giác, rối loạn hành vi.

Việc chữa trị say nắng nóng cần hạ nhanh thân nhiệt và kiểm soát các tác động thứ phát. Cần khẩn trương đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí, cởi bỏ quần áo và phun hoặc lau nước mát khắp người.

Bệnh nhân nên nằm nghiêng hoặc được đỡ ở tư thế tay chống gối để bề mặt da hứng được càng nhiều gió càng tốt.

Có thể hỗ trợ một vài cách thức  khác để giảm nhiệt: sử dụng khăn ướt lạnh đắp nách, bẹn, khuỷu, cổ, ngâm cả bàn tay và cẳng tay và nước mát, cho uống nước đường nhạt pha thêm ít muối.

Đột quỵ não

Bác sĩ Yên Lâm Phúc, Học viện Quân y lưu ý thêm, biểu hiện dễ thấy nhất của say nắng nóng là nóng sốt, nhiệt độ cơ thể có thể đến 39 độ C. Mồ hôi ra nhiều đến nỗi tóc thì ướt bết nhưng da lại khô, môi khô, vẻ mặt hốc hác. Mức độ nặng thì mặt đỏ lừ, nhịp tim, nhịp thở trở nên yếu ớt, huyết áp tụt, hôn mê và tử vong.

Khi nhiệt độ từ 40 độ C trở lên thì cần đi cấp cứu nếu không sẽ tử vong. Chỉ cho nạn nhân uống nước muối đường khi nạn nhân còn tỉnh và uống được. Tuyệt nhiên không cho uống khi nạn nhân hôn mê.

“Đột quỵ não có thể xảy ra mà thực chất là say nắng, say nóng mức độ nặng”, bác sĩ Lâm Phúc lưu ý.

Theo bác sĩ Lâm Phúc, nguy cơ này dễ xảy ra ở người già, người có tiền sử đột quỵ, người có thể lực yếu, người bị tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, họ dễ bị đột quỵ não khi lao động gắng sức hoặc làm việc ngoài trời khi nhiệt độ quá cao.

Theo Liên Châu - Thanh niên

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]