Nắng nóng, nguy cơ bệnh dại ở người lan rộng

Trong 5 tháng đầu năm đã có 17 trường hợp tử vong do bệnh dại,

0
Theo Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm đã có 17 trường hợp tử vong do bệnh dại và trong 4 tháng đầu năm cả nước cũng đã có hơn 20 nghìn trường hợp được tiêm phòng dại. Ðáng nói, khi người bị bệnh dại do chó, mèo... mắc dại cắn tỷ lệ tử vong cao, chưa có thuốc điều trị song số ca mắc dại vẫn có xu hướng gia tăng.
 
Sau khi virut dại xâm nhập sẽ đến cơ quan thần kinh trung ương.

“Nóng” ở các địa phương

Những lưu ý khi bị chó, mèo... cắn

- Không làm vết thương lan rộng vì điều này dễ làm cho vi rút xâm nhập nhanh hơn. Rửa vết thương kỹ bằng xà phòng đặc, nước muối, dội nước thật nhiều để làm giảm lượng vi rút dại có thể còn lại. Dùng cồn iode 1% hoặc cồn 70 độ sát khuẩn vết thương.

- Đến ngay cơ sở y tế để được khám và có hướng điều trị cụ thể cho từng trường hợp.

- Không nên chữa bằng thuốc nam hoặc biện pháp dân gian (xoa ớt, liếc dao...).

Thời gian gần đây, tại địa bàn huyện Si Ma Cai và một số xã của huyện Mường Khương (Lào Cai), xuất hiện đàn chó khoảng 20 con hung dữ tấn công và cắn người. Hiện đã có gần 20 người bị đàn chó này cắn. Đến nay, tất cả các trường hợp bị chó cắn đều được tiêm vaccin phòng dại.
Không chỉ ở Lào Cai, tỉnh Điện Biên cũng đang “nóng” tình trạng chó dại cắn người và đã có trường hợp tử vong. Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Điện Biên, từ đầu năm đến nay có 7 trường hợp tử vong do chó dại cắn. Hơn 1.000 người bị chó nghi mắc bệnh dại cắn, đã đến tiêm vaccin phòng dại.

Còn theo báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Yên Bái, trong 3 tháng đầu năm 2011 đã có 2 trường hợp tử vong do bệnh dại. Tại tỉnh Phú Yên, cũng có nhiều trường hợp bị chó dại cắn hàng loạt, điển hình ở huyện Sơn Hòa (Phú Yên) một con chó cắn liền 9 người và có 1 trường hợp đã tử vong.

Tỷ lệ tử vong cao

Các chuyên gia y tế cho rằng, bệnh dại diễn biến rất nhanh và bệnh nhân dễ tử vong vì ngưng tim, ngưng thở do tổn thương trung khu thần kinh. Tỉ lệ tử vong sau khởi phát của bệnh dại gần 100%. Đây là bệnh nguy hiểm đến tính mạng con người bởi đến nay, căn bệnh này vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Ở nước ta, chó là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu cho người (hơn 90%) sau đó là mèo. Bệnh thường gia tăng vào mùa hè do thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho virút dại phát triển. Khi người bị chó, mèo... dại cắn, vi rút dại xâm nhập vào cơ thể người qua vết cắn, vết xước, vết liếm trên lớp da, niêm mạc bị tổn thương.
 
Thời gian ủ bệnh trung bình là 30 -  90 ngày, tuy nhiên nếu vết cắn ở đầu, mặt, tay và nhất là với trẻ em thời gian ủ bệnh ngắn chỉ trong khoảng 2 tuần. Trước khi phát hiện bệnh thường từ 2-4 ngày người bệnh có dấu hiệu đau nhức, sưng tấy tại vết cắn. Ngoài ra, còn có dấu hiệu khác kèm theo: bồn chồn, thổn thức, la hét, chán nản vô cớ. Tùy vị trí tổn thương, người bệnh có những triệu chứng ở các thể lâm sàng sau:

Thể co thắt: Đây là thể thường gặp nhất. Triệu chứng co cứng, co thắt, co giật, run các cơ kể cả cơ ở mặt; Sợ nước, bệnh nhân thường rất khát nhưng khi uống nước họ bị co thắt lồng ngực, bị ức chế thở và run cầm cập. Từ đó dẫn đến chỉ cần nhìn thấy 1 ly nước hoặc nghe tiếng nước chảy cũng sợ; Sợ gió, sợ ánh sáng; Tính cách bệnh nhân không bình thường, bệnh nhân bị phấn khích quá độ khi bị kích thích. Những cơn co thắt đầu tiên còn xa nhau, càng ngày càng mau và thường tử vong sau 3 - 4 ngày.

Thể liệt: Thể này ít gặp. Bệnh xuất hiện rất nhanh sau giai đoạn co thắt, run. Liệt có thể tiên phát và bắt đầu bằng liệt 1 chi hoặc 2 chi dưới rồi lan lên trên. Tử vong thường do ngạt hoặc ngất vào ngày thứ 4.

Thể cuồng: Bệnh nhân bị kích thích quá độ, có những phản ứng dữ tợn, người bệnh trở lên hung bạo. Vì vậy, bệnh nhân thường có những hành vi không bình thường. Thể trạng suy sụp nhanh, hôn mê, ngất và chết.
 

 Tiêm vaccin phòng bệnh dại tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: PV

Khi nào cần phải đi tiêm phòng dại ngay?

Khi con vật lên cơn dại hoặc nghi dại. Vết cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục... dù vết cắn rất nhẹ. Có nhiều vết cắn nguy hiểm, vết cắn sâu. Tại nơi người bị chó, mèo... cắn đang có hoặc trước đó có chó, mèo bị dại. Tuy nhiên, với những trường hợp vết cắn nhẹ, vết cắn xa thần kinh trung ương (cẳng chân). Sau 15-20 ngày kể từ khi người bị con vật cắn, tiếp xúc mà con vật đó vẫn sống bình thường, hoàn toàn không có dấu hiệu nghi ngờ dại và tại khu vực nơi bị con vật cắn, không phát hiện có bệnh dại ở súc vật thì không cần điều trị dự phòng.

Biện pháp hữu hiệu là phòng bệnh

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm  nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao. Do vậy biện pháp hữu hiệu là tiêm phòng dại cho chó, mèo...; Không thả rông chó, mèo và phải rọ mõm khi ra đường…; Khi thấy chó, mèo... cắn người cần theo dõi con vật trong khoảng 15-20 ngày, nếu con vật lên cơn dại phải xử lý ngay và phải chôn sâu xác con vật với các chất sát khuẩn; Không di chuyển hoặc bán con vật nghi dại để hạn chế sự lây lan vi rút dại; Không ăn thịt, giết mổ chó, mèo ốm...

Theo BS Nguyễn Trọng - Sức khỏe & Đời sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]