Nên cho trẻ học tiếng Anh từ sớm

TP - Nhiều chuyên gia cho rằng, nên để trẻ tiếp xúc với tiếng Anh ngay khi từ 3-6 tuổi vì ở độ tuổi này trẻ rất nhạy với việc học ngôn ngữ thứ hai. Tuy nhiên, phải làm sao để học tiếng Anh là một việc vui vẻ, thú vị thay vì kiểm tra, đánh giá nhiều…

15.5823
Giờ học tiếng Anh cho trẻ mầm non ở một trường tại Hà Nội.

Theo TS Đặng Lộc Thọ, Trường Cao đẳng Sư phạm T.Ư, ở nhiều nước và vùng lãnh thổ như Singapore, Malaysia, Hồng Kông…, họ coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai bên cạnh tiếng mẹ đẻ vì thế  tiếng Anh được các nước đưa vào chương trình từ bậc mầm non. Trong khi đó, Việt Nam đã có một số trường mầm non đưa tiếng Anh vào giúp cho trẻ mẫu giáo từ 4-5 tuổi làm quen với môn ngoại ngữ này. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không cho trẻ tham gia. Các chuyên gia cũng cho rằng, ở lứa tuổi mầm non, trẻ phát triển vùng tư duy, ngôn ngữ rất tự nhiên vì thế sẽ rất lãng phí nếu không tận dụng việc dạy thêm ngôn ngữ khác cho trẻ ở giai đoạn này.

Năm 2007, tại Hà Nội các chương trình làm quen với tiếng Anh được đưa vào 3 trường tư thục đầu tiên để thử nghiệm. Giáo viên đứng lớp là người nước ngoài để giúp trẻ phát âm chuẩn và tạo hứng thú cảm nhận ngôn ngữ tốt hơn. Trong buổi học, trẻ được làm quen với tiếng Anh dưới hình thức khám phá thế giới, học hát, tổ chức trò chơi để học từ mới, ghép câu. Ngoài giáo viên nước ngoài, các cô giáo mầm non được đào tạo nâng cao trình độ tiếng Anh để hỗ trợ học sinh cả giờ học trong lớp lẫn ngoại khóa. Theo báo cáo, năm 2014, khi đánh giá tổng kết mô hình làm quen với tiếng Anh, trẻ sau khi đã học qua chương trình tiếng Anh trong trường mầm non nhớ tốt các khái niệm đã học và có khả năng nhận biết nhiều từ, mẫu câu. Trẻ cũng trả lời đúng nhiều câu hỏi, tự tin giao tiếp trong các tình huống đơn giản với giáo viên.  Đặc biệt, trẻ không rụt rè, mà ngược lại, rất hào hứng khi được tiếp xúc với người nước ngoài.

Đừng ép trẻ học để lấy thành tích

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, chuyên gia về giảng dạy tiếng Anh nhiều năm gần đây phụ huynh thường đưa con đi học tiếng Anh khá sớm với kỳ vọng trẻ sẽ nói giỏi tiếng Anh. Có phụ huynh phàn nàn với ông, dù đã rất chăm chỉ tranh thủ thứ bảy, chủ nhật, giờ nghỉ để đưa con đi học, nhưng tại sao con vẫn không nói được? Ông Hùng cho rằng, ở lứa tuổi mầm non, nên tạo môi trường cho trẻ cảm thụ ngôn ngữ mới như tiếng mẹ đẻ, học qua các hoạt động vui chơi, khám phá là chính. “Đừng gây áp lực với con bằng những câu hỏi: Hôm nay con học được chữ gì? Tại sao con không nói được? Điều đó sẽ khiến trẻ cảm thấy sợ hãi. Hãy giúp trẻ để làm sao chúng không nhận biết được rằng mình đang học”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết thêm một số kỹ năng giúp trẻ có thể cảm thụ tiếng Anh thích hợp, ví dụ như trò chuyện với trẻ trong đời sống thường ngày. Ban đầu, trẻ có thể chưa hiểu hết câu nhưng dần dần giúp trẻ cảm thụ được ý nghĩa của các từ thông qua biểu cảm của người hướng dẫn. Bằng cách này, phụ huynh cũng có thể là người dạy trẻ qua các trò chơi, tập tô, một buổi đi siêu thị, cùng nhau nấu cơm… Ông cũng cho rằng, khi trẻ dưới tuổi đi học,  chưa biết chữ không nên đặt gánh nặng đọc, viết lên vai trẻ mà phương pháp tốt nhất là truyền khẩu.

Bà  Trần Thị Phương Hoa, Trường mầm non Quốc tế NCE chia sẻ, trẻ mầm non hiện nay đa phần dành trọn ngày học tập, sinh hoạt tại trường. Tuy nhiên, tùy từng độ tuổi để thiết kế phần học phù hợp, ví dụ trẻ 3-4 tuổi, trẻ chỉ tập trung trong vòng 15-20 phút, trẻ 4-5 tuổi chỉ tập trung được 20-25 phút vì thế giáo viên phải tận dụng thời gian này để hướng dẫn trẻ.       

Năm 2014-2015,  cả nước có 12 tỉnh đưa chương trình làm quen với tiếng Anh vào trường mầm non. Hà Nội có 116/967 trường mầm non đang liên kết với các trung tâm ngoại ngữ  dạy tiếng Anh cho trẻ được Sở GD&ĐT Hà Nội cấp phép với 13.233 trẻ tham gia.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]