Nên chuẩn bị tâm lý và kĩ năng gì cho trẻ sắp vào lớp Một?

Con gái tôi năm nay 6 tuổi và sẽ vào lớp Một vào năm học tới. Các chuyên gia có thể cho tôi biết nên chuẩn bị những kĩ năng gì trước khi cháu vào lớp Một.

15.6051

Cần có sự chuẩn bị về tâm lý và kĩ năng cho trẻ sắp vào lớp Một (Ảnh minh họa)

Bạn thân mến!

Lớp Một là lớp đầu tiên trong cuộc đời đi học, đây là một bước ngoặt rất quan trọng trong cuộc đời của trẻ. Vào lớp Một, bé sẽ phải làm quen với một thế giới hoàn toàn mới, nếu đột ngột cho bé đến lớp mà không có chuẩn bị tâm lý cũng như kỹ năng cho bé thì dễ khiến bé bị hụt hẫng và cảm giác sợ hãi việc đến lớp học. Vì vậy, bạn cần trang bị cho con một số kỹ năng sau:

- Kỹ năng tự chăm sóc bản thân, tự bảo vệ mình; rèn luyện thói quen tự lập trong cả suy nghĩ và cuộc sống. Bước vào lớp Một là bé bước vào một môi trường hoàn toàn lạ lẫm và mới mẻ. Ở đó, bé buộc phải trở nên độc lập hơn so với ở trường mẫu giáo hay ở nhà. Bản thân bé phải tự làm tất cả mọi việc như ăn, ngủ, đi vệ sinh, học bài.

Trước khi bé bước vào lớp Một, bạn nên nói chuyện nhiều hơn với bé. Hãy nói cho bé những điều liên quan đến trường học, làm cho việc đến trường trở nên quen thuộc, những hoạt động vui chơi cùng các bạn, những việc mà bé cần phải tự lập trong sinh hoạt cũng như trong học tập ở trường tiểu học.

Bạn củng cố, rèn luyện cho bé kỹ năng thích nghi, kỹ năng tự phục vụ như: mặc quần áo, đi giày, đi vệ sinh, tự xúc ăn,….

- Kỹ năng hòa đồng và thân thiện trong môi trường bạn bè mới. Bạn  nên cho bé tham gia nhiều hoạt động vui chơi với các bạn đồng trang lứa, tham gia những trò chơi tập thể, tạo cho bé sự hòa đồng, thân thiện, vui vẻ và có cách ứng xử với bạn mới như thế nào, dạy bé cách chia sẻ, cảm thông với các bạn cùng lớp.

Kỹ năng tự giác trong học tập, lập thời gian biểu cá nhân. Bạn nên giúp con lập thời gian biểu cụ thể và đôn đốc con thực hiện thật tốt thời gian biểu, có ý thức tự giác trong học tập. Bạn nên dành thời gian học cùng con, khuyến khích động viên, khơi dậy trong con niềm yêu thích đối với các môn học, để con không cảm thấy áp lực khi đến trường.

- Kỹ năng vượt qua sự ngại ngùng, nỗi sợ hãi, giúp con thấy được niềm vui mới ở trường học. Bạn thường xuyên trò chuyện cùng con, kể cho con nghe những hoạt động con sẽ được tham gia khi đến trường, những niềm vui mà con sẽ có được khi có những người bạn mới, thầy cô giáo mới, môi trường học tập mới.

Bạn nên cho con tham gia những hoạt động hè, những cuộc dã ngoại, vui chơi cùng các bạn để con dạn dĩ trong giao tiếp, tránh sự dè dặt, sợ sệt, bỡ ngỡ khi bắt đầu bước chân vào môi trường mới.

- Kỹ năng tập trung, rèn luyện tính kỉ luật. Đây là một kỹ năng rất quan trọng khi bé bắt đầu vào cấp 1. Sự tập trung sẽ khiến bé tiếp thu bài học tốt hơn, tạo nên hiệu quả trong học tập cũng như trong các hoạt động khác. Ngoài ra, cần hình thành cho bé nền nếp tốt, tính kỉ luật cao khi đến lớp.

Để làm được điều này, bạn cần uốn nắn, điều chỉnh hành vi cho con, phân tích đúng sai, phải trái để con hiểu và ý thức được hành vi, lời nói của mình. Điều này sẽ giúp con tuân thủ tốt quy tắc lớp học, tạo nên tính kỉ luật cao trong học tập và rèn luyện.

- Kỹ năng tự tin trước đám đông, mạnh dạn và tư duy nhanh nhạy. Bạn cho con tham gia những lớp học hè, những lớp học về kỹ năng sống, những lớp học hành trang vào lớp Một, giúp con hòa đồng, tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp.

Ngoài ra, bạn có thể đặt cho con những tình huống con có thể gặp phải khi ở trường, tạo cho con phản ứng cũng như tư duy nhanh nhạy để con tự giải quyết những tình huống phát sinh trong môi trường mới.

Ngoài những kỹ năng trên, trước khi con bước vào lớp Một, bạn cần giúp con biết và nhận dạng chữ cái, tập làm quen với số đếm và cách viết. Khi thực hiện, bạn nên khuyến khích bé đặt câu hỏi và kiên nhẫn trả lời, luôn khen ngợi, động viên và công nhận những thành công bước đầu của bé.

Bạn không nên ép con học quá nhiều, không tạo áp lực về việc học chữ đối với con, không nên “thúc ép” quá trình phát triển của con, hãy để trẻ lớn lên một cách tự nhiên. Nếu bị “ép” thì dẫn đến trẻ phải làm những việc mà chưa phù hợp với năng lựa trí tuệ, thể chất và thời điểm tâm sinh lý chưa phù hơp.

Và cuối cùng, hãy giúp bé có một thể chất thực sự khỏe mạnh để bắt đầu một năm học mới với tâm thế vững vàng, nhiều hứng khởi và niềm vui mới.

Chúc bạn và bé sẽ thành công!

Theo Chuyên viên tâm lý Lại Thị Thu Thúy - Gia đình Việt Nam
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]