Nền công nghiệp chăm sóc sức khỏe

Công nghiệp chăm sóc sức khỏe (CSSK) hay công nghiệp y tế là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới.

15.4587

Công nghiệp chăm sóc sức khỏe (CSSK) hay công nghiệp y tế là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, để tạo nên sự phát triển hài hòa của cả hệ thống, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp CSSK nhân dân, đã đến lúc chúng ta cần phải có một nền công nghiệp chăm sóc sức khỏe phát triển.

Tại sao cần một nền công nghiệp CSSK?

Công nghiệp CSSK bao gồm những tổ chức cung cấp dịch vụ chẩn đoán, dự phòng, điều trị, các bệnh viện, các tổ chức y tế tư nhân, y tế công và tổ chức y tế tình nguyện. Công nghiệp CSSK còn bao gồm các nhà sản xuất - cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế. Một trong những lý do để khái niệm “công nghiệp CSSK” ra đời và ngày càng phổ biến trên thế giới là do sự phân biệt về “sản xuất” và “dịch vụ” đã thay đổi.

Nền y tế Việt Nam đang trong tiến trình cải cách đảm bảo cho người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ CSSK.     Ảnh: Trần Minh

Một đặc điểm của thị trường công nghiệp CSSK là sự mất cân đối thông tin (asymmetric information). Người sử dụng dịch vụ y tế/sản phẩm (dược phẩm, trang thiết bị y tế...) hay nói cách khác, người tiêu dùng của nền công nghiệp CSSK luôn luôn nhận được ít thông tin về nguy cơ và lợi ích của dịch vụ/sản phẩm hơn so với các nhà cung cấp dịch vụ y tế/thầy thuốc và nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm thiết bị, dụng cụ y tế và dược phẩm. Vì vậy, các thầy thuốc và nhà sản xuất đóng vai trò kép: vừa là người tư vấn, vừa là người cung cấp dịch vụ/sản phẩm CSSK. Thật ra, vai trò kép này có thể nhận thấy ở một số lĩnh vực khác, tuy nhiên, đối với việc khám chữa bệnh, hiện tượng này trở nên phức tạp hơn bởi vì thầy thuốc không chỉ thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh nói riêng hoặc CSSK nói chung cho bệnh nhân mà đồng thời phải chịu sự kiểm soát của bên thứ ba: người trả tiền (cơ quan cung cấp ngân sách nhà nước và/hoặc cơ quan bảo hiểm y tế) và các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách CSSK. Trên thực tế, mỗi người bệnh đều có khuynh hướng mong muốn được hưởng thụ bất cứ dịch vụ/sản phẩm nào được kỳ vọng có lợi cho sức khỏe của họ nếu họ không phải trả tiền. Đây là điều mà các nhà kinh tế mô tả bằng khái niệm “sự lạm tín” (moral hazard) gây ra sự chênh lệch giữa chi phí cá nhân (bệnh nhân) của một hoạt động CSSK và chi phí xã hội (của cơ quan bảo hiểm y tế và/hoặc ngân sách y tế) của hoạt động đó dẫn đến hậu quả là không phân bổ tối ưu các nguồn lực cá nhân và đặc biệt các nguồn lực xã hội vào công tác CSSK nói chung và khám chữa bệnh nói riêng. Trên thực tế, có thể thấy rất nhiều dẫn chứng về “sự lạm tín” trong hệ thống khám chữa bệnh và CSSK như lạm dụng thuốc, lạm dụng kỹ thuật cao, lạm dụng xét nghiệm... hoặc người bệnh đòi hỏi được sử dụng các biệt dược thay vì các thuốc generic có chất lượng và tác dụng tương đương... Các hành động này diễn ra trên quy mô lớn, phổ biến sẽ dẫn đến việc ngân sách y tế luôn luôn thiếu hụt không những chỉ vì thực trạng của nền kinh tế và nguồn lực tài chính quốc gia mà còn vì không kiểm soát được lãng phí và bất hợp lý trong sử dụng ngân sách y tế và quỹ bảo hiểm y tế. Mặt khác, cơ quan bảo hiểm y tế với tư cách “bên thứ ba” chịu trách nhiệm thanh toán chi phí khám chữa bệnh và CSSK luôn luôn chịu áp lực cao về việc chi vượt thu, như người ta vẫn thường nói là nguy cơ “vỡ quỹ” bảo hiểm y tế.

Vì vậy, để một nền công nghiệp CSSK hoạt động lành mạnh, hợp lý và có hiệu quả, cơ quan quản lý y tế và các tổ chức bảo hiểm y tế cần phải có các biện pháp và sáng kiến nhằm kiểm soát và hạn chế hữu hiệu “sự lạm tín” cả ở phía bệnh nhân/người sử dụng dịch vụ/sản phẩm và cả những người/tổ chức cung cấp dịch vụ/sản phẩm CSSK. Những biện pháp/sáng kiến như vậy phải làm cho những nhà cung cấp dịch vụ/sản phẩm cân nhắc để cân bằng được giữa sự mong muốn trước mắt của bệnh nhân và lợi ích dài hạn của cơ quan bảo hiểm y tế và cơ quan quản lý ngân sách y tế trong một thị trường ngày càng phát triển của nền công nghiệp CSSK. Đây là điều mà người ta vẫn hay nói là chống “lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế”.

Có chăng một nền công nghiệp CSSK Việt Nam?

Ở Việt Nam, trước đây, theo truyền thống, ngành y tế vẫn được xếp vào khu vực sự nghiệp (phi sản xuất), có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ phòng chữa bệnh bằng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với chính sách xã hội hóa y tế, trong 2 thập niên qua, các tổ chức y tế tư nhân đã phát triển mạnh mẽ, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ (phòng bệnh, khám bệnh, điều trị kể cả điều trị bằng kỹ thuật cao, xét nghiệm và hoạt động thí nghiệm khác...). 2 ngành công nghiệp quan trọng liên quan đến CSSK là công nghiệp dược (kể cả công nghiệp sản xuất vắc-xin) và công nghiệp thiết bị y tế đã được cổ phần hóa tạo tiền đề cho việc khuyến khích các nguồn đầu tư tư nhân (trong nước và nước ngoài) vào các ngành công nghiệp này.

Hiện nay, trên thực tế, theo Tiêu chuẩn phân loại công nghiệp toàn cầu (The Global Industry Classification Standard) và Tiêu chuẩn phân loại công nghiệp (The Industry Classification Benchmark), có thể thấy Việt Nam hội đủ các bộ phận cấu thành một nền công nghiệp CSSK bao gồm: thị trường dịch vụ y tế (công và tư nhân), công nghiệp thiết bị y tế và công nghiệp dược phẩm, vắc-xin...

Được biết, năm 2011, doanh thu của thị trường trang thiết bị y tế Việt Nam ước tính lên tới hơn 600 triệu USD (tương đương 12.000 tỷ đồng) với mức tăng trưởng 16% so với năm 2010; thị trường dược phẩm Việt Nam đạt trên 2,4 tỷ USD, tương đương 50.000 tỷ đồng; về thị trường bảo hiểm y tế năm 2011, với số người tham gia bảo hiểm y tế là 55,9 triệu người với chi phí khám chữa bệnh khoảng 24.000 tỷ đồng, trong đó riêng tiền thuốc ước tính 15.000 tỷ đồng, chiếm 60% và tăng đến 28% so với 2010.

Với các số liệu trên đây, có thể thấy thị trường công nghiệp CSSK ở Việt Nam khoảng 140.700 tỷ đồng (tương đương 6,8 tỷ USD) chưa kể theo một số thống kê không chính thức, mỗi năm người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh với chi phí khoảng 1 tỷ USD, tương đương 20.000 tỷ đồng.

Trong những năm sắp tới, trong xu thế của toàn cầu cũng như khu vực, công nghiệp CSSK của Việt Nam chắc chắn sẽ có những bước phát triển vượt bậc vì những lý do sau đây:

Dân số Việt Nam ngày càng già: Các thế hệ sinh ra sau 1955 bước vào tuổi già và cận già, là nhóm người cần có sự CSSK nhiều nhất. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng tăng. Nhờ có thuốc men và chăm sóc y tế, con người có thể sống lâu hơn, nhưng đồng thời cũng cần đến CSSK nhiều hơn.

Tăng dân số: Ngành y tế phải đáp ứng cả tầng lớp dân số trẻ, trung niên và người già.

Sự tiến bộ của công nghệ và công nghiệp dược phẩm: Công nghiệp dược phẩm phát triển bền vững và với tốc độ tăng trưởng cao. Thuốc men ngày càng nhiều.

Tính sẵn có của dịch vụ CSSK: Nền y tế đang trong tiến trình cải cách đảm bảo cho người dân ngày càng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ CSSK.

Ngày càng có nhiều phương pháp mới chữa bệnh (HIV, ung thư, tim mạch...) và các thiết bị y tế hiện đại được áp dụng ở Việt Nam.

Trình độ giáo dục và trình độ dân trí ngày càng cao: Công nghiệp CSSK ngày càng phát triển đòi hỏi lực lượng lao động phải thông qua trình độ cao đẳng hoặc đại học với thời gian đào tạo từ 4 - 6 năm trở lên.

Trước thực tế nêu trên, có lẽ đã đến lúc cần nghiên cứu kỹ các khái niệm, các đặc điểm, các bộ phận cấu thành của nền công nghiệp CSSK ở Việt Nam, nghiên cứu các quy luật kinh tế đang được vận hành trên thực tế để có định hướng xây dựng các chính sách và quy định quản lý nhà nước thích hợp cho từng bộ phận cấu thành của nền công nghiệp CSSK trong mối quan hệ tương hỗ, tác động qua lại lẫn nhau để tạo nên sự phát triển hài hòa của cả hệ thống, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp CSSK nhân dân. 

PGS.TS. Lê Văn Truyền (Chuyên gia cao cấp Dược học)


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]