Biểu hiện đặc trưng khi bị thủy đậu là nổi mụn nước trên mặt và toàn thân. Trẻ nhỏ thường kèm theo sốt nhẹ, biếng ăn. Trẻ lớn và người lớn kèm đau đầu, sốt cao, đau cơ, nôn ói. Bệnh thường kéo dài từ 7-10 ngày nếu không có biến chứng.

Biểu hiện đặc trưng khi bị thủy đậu là nổi mụn nước.

Biến chứng của bệnh thủy đậu có thể nhẹ hoặc nặng. Nhiễm trùng da nơi có nổi mụn nước có thể để lại sẹo vĩnh viễn trên da trẻ. Đây là biến chứng thường gặp nhất của thủy đậu. Nặng hơn nữa, vi trùng bội nhiễm có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, có thể gặp một số biến chứng nặng khác như: viêm phổi, viêm não, … Những biến chứng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, hay để lại các di chứng nặng nề về sau như: yếu liệt tay chân, chậm phát triển trí tuệ…

Thủy đậu là một bệnh có tính lây nhiễm cao, nếu trẻ chưa được tiêm ngừa hoặc chưa từng bị thủy đậu thì rất dễ mắc bệnh khi tiếp xúc với người đang bị thủy đậu.

Bệnh lây qua đường hô hấp hoặc lây qua tiếp xúc với mụn nước của người bệnh. Thậm chí có thể lây khi trẻ tiếp xúc với dụng cụ học tập, quần áo, đồ chơi… có chứa siêu vi trùng gây bệnh. Mặt khác, bệnh cũng truyền từ mẹ sang con nếu người mẹ đang mang thai bị nhiễm thủy đậu.

Để phòng tránh bệnh các phụ huynh nên chủng ngừa cho trẻ trước khi bé tiếp xúc với môi trường đông người như chuẩn bị cho trẻ đi học nhà trẻ. Nên chủng ngừa cho trẻ khi cơ thể bé khỏe mạnh và dịch bệnh chưa xảy ra. Không nên đợi đến khi trong lớp có bạn bị thủy đậu hoặc có dịch xảy ra mới chủng ngừa cho trẻ, vì lúc đó có thể bé đã bị lây bệnh, vaccine không kịp có tác dụng bảo vệ.

Lâm Phương