Đền Pashupatinath – Đền thờ Hindu, chỉ người Hindu mới vào bên trong. Đây cũng là nơi hỏa táng người theo đạo này

 Tôi muốn hàng năm được đặt chân lên một vùng đất mới với tâm thế sẵn sàng cho những trải nghiệm mà khi quay về tôi có thể hiểu được chút ít về con người và văn hóa nơi đó. Để được như vậy thì cần phải đi mỗi nơi ở ít nhất một tháng, có vài người bạn địa phương…

KATHMANDU – THỦ ĐÔ CỦA TÂM LINH
Nằm trong một thung lũng, bao phủ bởi những đỉnh núi cao nhất thế giới, thành phố chỉ 1 triệu dân này có vẻ đông đúc một cách kỳ lạ bởi giao thông cực kỳ lộn xộn khiến những giờ cao điểm, tắc đường ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh trở nên dễ thương hơn. Nhưng cũng nhờ vị trí địa lý này mà  Kathmandu ẩn chứa những chốn yên bình với khung cảnh như lùi về hàng thế kỷ. Chợ búa sinh hoạt, xe buýt đưa đón trẻ con, bán hàng rong… cùng rất nhiều lễ hội diễn ra trong khung cảnh kiến trúc trác tuyệt, cổ kính như từ xa xưa. Ngồi ghé bên cửa sổ chạm trổ công phu của bảo tàng ở Patan, một trong những bảo tàng đẹp nhất châu Á hay trên bậc cao nhất của một ngôi đền ngắm nhìn xuống quảng trường bên dưới, tôi thầm cảm ơn cơ duyên đã đưa tôi tới nơi đây để được là một phần của khung cảnh vừa thấm đẫm quá khứ, vừa sống động thực tại này.

Xe xích lô trên đường phố Kathmandu

Họp chợ ở quảng trường Dubar

Không ai bận tâm tôi là du khách, nhưng nếu muốn dễ dàng có được một cuộc đối thoại cởi mở. Rất nhiều người Nepal nói tiếng Anh thạo. Sinh hoạt hàng ngày nơi đây diễn ra trong bầu không khí đầy tâm linh, từ trong gia đình đến đền thờ, góc phố nào cũng có thể bắt gặp cảnh thắp hương cúng lễ, nghe tiếng tụng Mantra hay chuông ngân. Để mình đi lạc trong một khu phố đông đúc vào lúc chiều tối trong những ngày đầu tiên đặt chân đến đây, vừa tò mò thú vị trước cảnh đông đúc thái quá nhưng tuyệt nhiên không có cảnh chen lấn, tôi vừa có dịp quan sát những hoạt động này một cách thong dong. Gần một tuần ở Kathmandu, mỗi thời khắc lại có sự thú vị khác nhau. Vào ngày trời quang, những đỉnh núi tuyết phủ và đại bàng bay lượn như khung cảnh phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn”. Lúc hoàng hôn xuống là bóng những tháp đền với những lá cờ được viết kinh pháp treo sáo rung ngân trong gió. Bởi vậy du khách tới đây ít nhiều đều tự hỏi mình về đời sống tâm linh.
Nepal là mảnh đất cội nguồn của đạo Phật và đạo Hindu thờ thần Shiva. Tôi cũng bị lôi cuốn bởi màu sắc nơi đây. Mọi gam màu và cách phối màu kỳ lạ nhất đều có thể tìm thấy ở đây. Và điều kỳ kạ hơn là tất cả đều đẹp, đầy mê hoặc trên làn da nâu khoẻ khoắn – các chàng trai Nepal dáng vẻ cao lớn thường đi xe môtô phân khối lớn và các cô gái Nepal đầy nữ tính trong trang phục sari quấn quanh hông.

Quảng trường Dubar, Kathmandu

Họp chợ ở quảng trường Dubar

Nếu phải kể đến một nơi làm tôi ấn tượng nhất ở Kathmandu thì có lẽ là stupa Bodhnath với năng lượng đặc biệt gần như có thể cảm nhận được trong không gian. Từ sáng sớm cho đến tối khuya, khách hành hương trang nghiêm đi vòng quanh stupa theo chiều kim đồng hồ, vốn được hiểu mỗi vòng đi là ta xóa được một nghiệp chướng. Quảng trưởng vòng quanh tháp là những ngôi nhà đẹp đẽ, nhiều mầu sắc với rất nhiều cửa hàng bán tranh thờ Thangka, đồ lưu niệm. Shopping là một khía cạnh khác khiến bạn quên mình ở đây. Thamel, một khu của Kathmandu có thể ví với khu Bùi Viện ở thành phố HCM hay Tạ Hiện ở Hà Nội nhưng lớn hơn đôi chút, nhiều mầu sắc hơn, cửa hàng san sát với khăn cashimre, đồ len đan tay, tranh tượng Phật, đồ cổ, , quần áo và đương nhiên những cửa hàng nơi bạn có thể trang bị đầy đủ cho hành trình đi bộ, leo núi.

ĐẾN NEPAL LÀ PHẢI LEO HYMALAYA…

Chiếm đến 8/10 đỉnh núi cao nhất thế giới nên Nepal là đích đến cho những người chinh phục độ cao. Một ngày đi bộ trên núi có thể kéo dài từ 4 đến 8 tiếng, lên xuống trung bình 600 – 700 m, ví như leo bộ nhiều lần một tòa nhà 100 tầng, sự phấn chấn khi giữa thiên nhiên hùng vĩ khiến cho đôi chân rảo bước tìm đến đích ngắm là trạm nghỉ tiếp theo. Đi bộ trên núi với tôi có điều gì đó giống như đang ấp ủ một dự định, nhất định phải làm cho tới. Mỗi khúc ngoặt lại chỉ ra một chặng tiếp theo, nhiều khi nhìn gần lắm nhưng lại cách nhau một con vực mà cách duy nhất vượt qua là xuống cho đến tận cùng rồi lại leo lên.

Đi bộ trên núi quan trọng nhất là trang bị một đôi giày nhẹ nhưng bám đường

Nhà nghỉ ở lưng chừng Himalaya

Chúng tôi chọn hành trình Anapura, dễ leo hơn phía đỉnh Everest và cũng ít khách du lịch hơn. Những trạm nghỉ chân là những ngôi nhà xây trên núi, nhỏ nhắn, sạch sẽ với những ô cửa sặc sỡ níu chân. Giá thuê rất rẻ, chỉ khoảng 10 đô la/người với dich vụ tuy hơi chậm nhưng bù lại là rất nhiều nụ cười chân thật. Tôi đi vào tháng 7 là mùa mưa, nghe nói vào tháng 4 mùa xuân, hoa nở khắp núi. Hành trang leo núi chỉ gói gọn trong một chiếc ba lô, những hành lý khác thì  2-3 người gộp lại, thuê một thanh niên địa phương mang giúp. Nếu từng leo núi thì bạn sẽ hiểu những gì mà tôi đang nói ở đây, rằng: niềm phấn khích, hóa giải mọi mệt nhọc là được ở trên dãy Himalaya, còn hạnh phúc là những điều thật giản dị không ngờ tới như được tắm nước nóng, được ngả lưng sau một ngày dài cuốc bộ trong căn phòng vỏn vẹn 4 m2 nhưng tầm nhìn ngút mắt. Rồi những khoảnh khắc ngoái cổ nhìn lại đỉnh núi mình đã ở đấy ngày hôm qua… Những lúc bất chợt nhận ra sắc lá, nghe tiếng thác đổ ào ào là những giây phút cái tôi dường như tan biến.
Sau hành trình Anapura là Pokhara, một thành phố nhỏ cách Kathmandu 8 tiếng xe buýt hay 45 phút bay là nơi lý tưởng để hưởng vài ngày nghỉ ngơi. Với rất nhiều quán ăn, quán bar thơ mộng, đẹp mắt bên bờ hồ trải rộng và vài con phố có thể shopping, một ngày ở Pokhara có thể trôi qua trước khi bạn kịp nhận thấy. Buổi sáng ăn sáng, uống cà phê ven hồ, thong dong, nghỉ trưa rồi thuê thuyền chèo ra giữa hồ, neo tại đấy bơi, uống bia, đọc sách… rồi chọn một quán bar nhấm nháp chút đồ uống trước bữa tối. Khi ở đây, ngày nào chúng tôi cũng ghé một quán Bar khá giản dị, thiết kế mở với khung nhà hình tròn bằng tre, bàn ghế cũng bằng tre kiểu Bali. Tôi có sở thích đi bar ở tất cả các nơi mình có dịp ghé qua nhưng chưa bao giờ tôi thấy một cái menu coctail nào dài như ở đây. Mất rất nhiều thì giờ để quyết định xem nên uống gì, thế mà khi đồ uống được mang ra, thay vì uống, chúng tôi đều nhất loạt mang máy ảnh ra chụp vì mỗi một ly đều được décor một cách yêu kiều khác nhau. Một hoạt động khác cũng đáng trải nghiệm ở Pokhara là nhảy dù thể thao. Bạn có thể cho những chú đại bàng đã được huấn luyện ăn trên tay bạn ngay trong không trung. Thử hỏi có khoảnh khắc nào thú vị hơn? Không may cho tôi là ngày chúng tôi quyết định thử thì thời tiết lại không cho phép. Đây là lý do để quay lại nơi đây một dịp khác.

… VÀ THAM THIỀN

Tôi chọn cho mình cách kết thúc chuyến du lịch ở đây bằng một tuần tham thiền tại tu viện Kopan, tu viện Tây Tạng lớn nhất nằm ngoài Tây Tạng. Sáng sớm cho đến sau bữa trưa là thời gian cần im lặng để tinh thần không dễ bị sao lãng và có thể định hướng vào trong. Rất nhiều bạn trẻ phương Tây vì tò mò cũng đến đây. Họ đặt nhiều câu hỏi, muốn tìm hiểu một cách riết ráo con đường nào ngắn nhất, hiệu quả nhất, tiện lợi nhất để thành chính quả, không bị khổ lụy phiền não. Tư duy logic và óc phân tích tỉ mỉ phương Tây gần như bị sốc trước những khái niệm luân hồi, nhân quả. Tuy nhiên tôi thấy sự khát khao tìm hiểu cái mới của họ thật đáng trân trọng, khác với thói quen mặc nhiên tiếp nhận của ta.

Tượng Phật dưới cơn mưa ở đền Swayabunath nằm trên ngọn đồi nhìn xuống thung lũng là thành phố Kathmandu

Chú tiểu ở đền Swayambunath  

Một tuần thực sự cho mình, một tuần cố gắng không để bị thói quen chi phối, một tuần cho trải nghiệm tâm linh trong một môi trường đặc biệt, khiến cho chuyến đi của tôi càng thêm bay bổng và đầy trải nghiệm đáng nhớ. Bởi đi là để trở về, đi là để đối chiếu cái mình vốn có, vốn sống với cái chưa từng biết đến để từ đó làm giầu thêm vốn sống của mình.

Theo Duyên Dáng Việt Nam – Bài & Ảnh: Phạm Kiều Phúc