Tương lai của thế giới vẫn sẽ là sự phát triển dựa trên các nguồn năng lượng, và mục tiêu của Nga là trở thành người cung cấp thứ thiết yếu bậc nhất đó cho thế giới. Nhưng khi mà thị trường năng lượng toàn cầu đang biến đổi trong từng giây từng phút bởi những thay đổi về công nghệ thì việc định hình một đế chế năng lượng trong tương lai như thế nào sẽ là một việc không hề dễ dàng. Vậy thì, đâu mới là viễn cảnh về một đế chế năng lượng mà nước Nga muốn hướng đến.

Nhiều người khi chứng kiến cuộc khủng hoảng mà kinh tế Nga phải đối mặt trong những tháng vừa qua, hẳn sẽ cho rằng tốt hơn hết là người Nga nên chấm dứt giấc mơ trở thành một siêu cường năng lượng của mình. Họ đã nhầm. Đúng là cuộc khủng hoảng vừa qua của kinh tế Nga một phần là do giá dầu sụt giảm mạnh, nhưng nền kinh tế khó khăn do giá dầu giảm cũng là tình trạng chung mà bất cứ quốc gia xuất khẩu dầu lửa hàng đầu nào trên thế giới cũng phải chịu đựng, kể cả Mỹ hay Arab Saudi. 
Đó là một hậu quả tất yếu một khi đã bước vào cuộc cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu thế giới hiện nay. Suy cho cùng, đặt mục tiêu trở thành một siêu cường năng lượng không phải chỉ có mình Nga, mà còn có nhiều quốc gia khác, và những nước này phải cạnh tranh và loại bỏ nhau để nắm giữ vị trí mà tất cả đang nhắm đến.
Bằng chứng là, trong toàn bộ thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế, sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu lửa của Nga đều không hề giảm sút, thậm chí còn gia tăng, dù ai cũng hiểu rằng một sự giảm sản lượng có thể khiến giá dầu được vực dậy và kinh tế Nga sẽ thoát khỏi khó khăn. 
Kể cả trong những thời điểm kinh tế Nga khó khăn, thì việc duy trì sản lượng và cùng với đó là chỗ đứng của Nga trên thị trường năng lượng thế giới vẫn là mục tiêu quan trọng hàng đầu được điện Kremlin hướng tới. Đó cũng là chiến lược hàng đầu của Nga để tăng cường vị thế của mình trên thị trường năng lượng thế giới, khi các tập đoàn năng lượng Nga đang bằng mọi cách xâm nhập vào thị trường béo bở của châu Âu và giờ đây là cả châu Á.
Theo đó, các tập đoàn năng lượng Nga như Gazprom vẫn đang nắm giữ khoảng 20% cổ phần hệ thống quản lý và mạng lưới cung cấp khí đốt ở châu Âu, các đường ống dẫn mới vẫn đang tiếp tục được triển khai để đưa khí đốt sang khu vực các nước Balkan. Động thái gần nhất là kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt sang Siberi để cung cấp cho thị trường đầy tiềm năng ở đây như Trung Quốc hay Hàn Quốc. 
Nga cũng đang nắm giữ khoảng 30% thị trường điện hạt nhân ở châu Âu với việc cung cấp các thiết bị để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và nhất là Uranium làm giàu. Tất cả những điều đó cùng với việc đang là một trong những nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới đang biến Nga trở thành một ông trùm thực sự trên hầu hết mọi lĩnh vực của ngành năng lượng. Nhưng đó có phải là viễn cảnh về một đế chế năng lượng mà người Nga đang hướng đến?
Trên thực tế, cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường dầu lửa giai đoạn vừa qua đang được xem là chỉ dấu quan trọng nhất cho những thay đổi của thị trường năng lượng thế giới trong tương lai. Với những đột phá về công nghệ khai thác dầu đá phiến, khả năng cung cấp dầu lửa trên toàn thế giới sẽ bước vào giai đoạn dư thừa khi mà cung vượt quá cầu, và sẽ là không khôn ngoan nếu như tiếp tục đặt toàn bộ trọng tâm vào hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu lửa.
 Không nên bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ, người Arab Saudi hiểu rõ điều này nên quốc gia này cũng đang tập trung vào việc tìm kiếm những nguồn năng lượng mới sạch và rẻ hơn. Đó cũng là xu hướng chung của thị trường năng lượng thế giới khi các nguồn năng lượng cũ như dầu lửa hay điện hạt nhân đang dần bị các nước phát triển đào thải. Đó vẫn sẽ là những nguồn năng lượng tiếp tục được sử dụng trên thế giới, và không ai dại gì từ bỏ những lĩnh vực hái ra tiền này, nhưng quá phụ thuộc vào nó sẽ đồng nghĩa với việc bị tụt hậu trong cuộc chạy đua đến tương lai.
Trong các cường quốc năng lượng hiện nay, Nga là nước có sự toàn diện lớn nhất khi chiếm những vị trí dẫn đầu trong hầu hết các lĩnh vực năng lượng chủ chốt, từ dầu mỏ cho đến khí đốt và năng lượng hạt nhân. Cả Mỹ lẫn Arab Saudi, vốn là những nước cũng đang đặt mục tiêu trở thành siêu cường năng lượng, đều không có được sự toàn diện này như Nga.
 Đó vẫn là một lợi thế đáng kể của xứ sở bạch dương nhưng đồng thời cũng có thể trở thành nhược điểm nếu như ngành năng lượng Nga quá chú ý đến nó mà quên mất việc phải tiếp tục dẫn đầu trong việc nghiên cứu và tìm kiếm những nguồn năng lượng mới cho tương lai.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế Nga giai đoạn vừa qua cũng chỉ ra rằng, việc xây dựng một nền kinh tế hùng mạnh và vững chắc là điều cần thiết. Nó sẽ đóng vai trò nền tảng cho ngành năng lượng Nga phát triển. Đặt mục tiêu trở thành một siêu cường năng lượng không có nghĩa là khiến nền kinh tế phụ thuộc vào ngành năng lượng, mà là để ngành năng lượng trở thành lĩnh vực hùng mạnh nhất trong một nền kinh tế vững vàng. 
Một nền kinh tế vững vàng sẽ là một điểm tựa và là một sự hỗ trợ quan trọng bậc nhất cho ngành năng lượng, đồng thời cũng sẽ giúp kinh tế Nga tránh được những hệ lụy trong những giai đoạn thị trường năng lượng thế giới gặp trục trặc như giai đoạn vừa qua.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)